ĐỜI SỐNG

Phòng vệ sinh - Không gian chính có vai trò quan trọng trong đời sống

Bài và ảnh: Hà Thành • 25-07-2023 • Lượt xem: 1196
Phòng vệ sinh - Không gian chính có vai trò quan trọng trong đời sống

Phòng vệ sinh là một phòng chức năng, một không gian thiết yếu trong ngôi nhà ở. Một ngôi nhà ở phải có phòng vệ sinh mới là một không gian sống hoàn chỉnh. Đã có một thời, phòng vệ sinh được coi là “công trình phụ” và đứng khiêm nhường bên những không gian khác. Nay điều đó đã thay đổi nhiều, phòng vệ sinh không còn là phụ nữa, thậm chí là một không gian chính có vai trò quan trọng của đời sống.

 

Vai trò được nâng cao 

Phòng vệ sinh không còn là phụ nữa, vai trò của nó đã được nâng cao rất nhiều. Sự thay đổi mạnh mẽ về kinh tế là tác động đáng kể tới thị trường xây dựng ở cả góc độ kỹ thuật và đầu tư. Những ngôi nhà do người dân tự xây mọc lên càng nhiều, và chất lượng xây dựng cũng cải thiện đáng kể. Bỏ đồng tiền của chính mình ra để xây nhà cho mình, nên sự chăm chút cho những không gian sống là tất yếu. Nhà vệ sinh hay công trình phụ không còn là phụ nữa. Nó đã được quan tâm đúng mức và đầu tư xứng đáng với vai trò và nhiệm vụ quan trọng của nó. Kể cả ở những căn hộ chung cư cao tầng mới xây, chủ nhân cũng không thể không quan tâm tới khu vực này khi đặt mua và làm hoàn thiện. Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu vệ sinh theo đúng nghĩa, là nơi sử dụng nước - nhà vệ sinh trở thành một không gian đặc biệt - một không gian để thư giãn và hưởng thụ. Mức sống tăng lên, nhu cầu hưởng thụ cũng tăng lên. Nhà vệ sinh đã trở thành một khu vực quan trọng trong tổng thể kiến trúc ở nhiều phương diện. Nếu xét mức đầu tư tính trên diện tích, có lẽ nhà vệ sinh nằm ở đầu bảng xếp hạng.

Phòng vệ sinh là một không gian quan trọng trong ngôi nhà hiện đại.

Vị trí, số lượng

Đây là những thay đổi lớn lao. Trước kia nhà vệ sinh thường tách khỏi không gian chính, nằm độc lập bên ngoài, phía sau nhà. Hoặc nếu nằm trong nhà thì cũng bị “dúi” và những góc chết, tối tăm ẩm thấp. Số lượng cũng vậy, thường mỗi ngôi nhà chỉ có một nhà vệ sinh. Nay thì khác, nhà vệ sinh ngày càng được kéo gần vào không gian chính; và do có đặc thù là một không gian sử dụng chung nên nhà vệ sinh thường được đặt ở khu vực trung tâm cho tiện giao thông. Hơn thế nữa, nhà vệ sinh có thể đặt ngay trong phòng ngủ để tăng tiện nghi cho người sinh hoạt. Số lượng các phòng vệ sinh cũng tăng lên. Trong ngôi nhà phố, thông thường, trung bình mỗi tầng có một phòng vệ sinh. Thậm chí có những ngôi nhà mỗi phòng ngủ có một phòng vệ sinh.

Chi phí cho mỗi phòng vệ sinh là không nhỏ. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại và nhu cầu tiện nghi luôn nâng cao, thì việc thiết kế và đầu tư xây dựng phòng vệ sinh là điều cần thiết.

Phòng vệ sinh được kéo gần về không gian chính, có thể ngay trong phòng ngủ.

Diện tích, cấu trúc

Không còn là công trình phụ, đương nhiên diện tích phòng vệ sinh cũng được ưu ái hơn. Diện tích phòng vệ sinh gắn liền với cấu trúc của nó. Đó là việc phân bố các thiết bị ở 3 hạng mục sử dụng chính: là rửa, xí, tắm. Theo đó, thì một phòng vệ sinh “vừa đủ” cho các không gian sinh hoạt trên cần có diện tích từ 4-4,5m2. Vị trí các thiết bị được bố trí theo một dây chuyền, có thể có bố cục theo tuyến dài hay tam giác. Một phòng vệ sinh đảm bảo diện tích có nghĩa là phải tích hợp được các thiết bị tối thiếu như đã nói ở trên.

Trong điều kiện có diện tích lớn, phòng vệ sinh có thể tăng mức tiện nghi với những bàn chậu lavbo dài, bàn hai chậu; có thể có cả khu tắm đứng và tắm bồn; có thể có các thiết bị bổ sung như tiểu nam, bồn rửa nữ (bide); mở rộng có diện tích, không gian dành cho giao thông, hay kết hợp các tủ kệ chứa đồ.

Vấn đề cốt lõi ở phòng vệ sinh là sự tiện nghi. Chính vì vậy mà việc làm đủ diện tích cho phòng vệ sinh là một việc quan trọng. Rất nhiều người đã hiểu rõ điều đó, và thậm chí chấp nhận hy sinh một phần diện tích không gian khác để có một phòng vệ sinh tiện nghi, như ý.

Rộng rãi là một yếu tố tiện nghi của phòng vệ sinh, có thể có bàn lavabo dài 2 chậu.

Phòng vệ sinh liền kề với phòng để tủ quần áo tiện cho sử dụng.

Phong cách

Phòng vệ sinh là một không gian khá độc lập, vì vậy vấn đề phong cách thường ít được đề cập và thực sự cũng không quan trọng lắm trong tổng thể thẩm mỹ của ngôi nhà. Ngoài ra, diện tích phòng vệ sinh cũng nhỏ so với các không gian khác, có tính công năng được đề cao nên cũng không nhất thiết phải có một phong cách cụ thể. Tuy nhiên, với những phòng vệ sinh đủ rộng, vẫn có thể tạo được phong cách nhất định qua việc sử dụng vật liệu, thiết bị hay trang trí không gian nội thất.

Phòng vệ sinh có thể có phong cách riêng qua màu sắc, chất liệu và đường nét của nội thất.

Ốp lát

Ốp lát là một nội dung quan trọng không thể thiếu của phòng vệ sinh. Trước tiên phải nói rằng, ốp lát trong nhà vệ sinh là rất cần thiết và có ý nghĩa công năng rất lớn. Phòng vệ sinh là nơi sử dụng nước và có độ ẩm rất cao. Vì vậy, gạch ốp lát phải có khả năng chịu nước, chống thấm tốt; tiếp đó là thuận tiện cho việc lau rửa vệ sinh. Phổ biến nhất vẫn là gạch ceramic, một số vật liệu khác cũng được sử dụng như đá tự nhiên… Gần đây gạch thuỷ tinh mosaic được ưa chuộng bởi tính thẩm mỹ và các đặc tính cơ lý tốt. Tuy nhiên gạch mosaic khó thi công và giá thành tương đối cao. Trong những phòng vệ sinh không có cửa sổ, thì gạch kính (glass block) là một giải pháp hữu hiệu để lấy sáng, tăng tính thẩm mỹ mà vẫn kín đáo. Thị trường vật liệu ốp lát rất đa dạng, nên việc lựa chọn gạch ốp lát cho phòng vệ sinh không dế dàng, mà phải cân nhắc ở nhiều yếu tố - như tỷ lệ, màu sắc, chất liệu bề mặt… Và yếu tố công năng phải đặt lên hàng đầu. Với khu vực tắm nhất thiết phải dùng gạch/ đá lát sàn bề mặt nhám; với phòng vệ sinh không có cửa sổ nên dùng gạch ốp sáng màu…

Vật liệu ốp lát cho phòng vệ sinh rất đa dạng. Gạch mosaic là một loại vật liệu mới rất được ưa chuộng.

Chiếu sáng, thông thoáng

Chiếu sáng phòng vệ sinh không cầu kỳ như phòng khách, phòng ăn nhưng không có nghĩa là không quan trọng. Với thời gian sử dụng không nhiều trong không gian này, nhưng hoạt động lại có ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Vì vậy chiếu sáng là vô cùng quan trọng. Ngoài việc ánh sáng phải đủ thì việc phối hợp các nguồn sáng, các màu ánh sáng khác nhau nên được cân nhắc và tính toán kỹ; bên cạnh đó phải đảm bảo cả việc an toàn điện vì trong nhà vệ sinh thường có nhiều hơi nước. Đèn downlight có mặt kính hoặc các loại đèn trần bóng kín hiện nay được sử dụng rộng rãi. Nên thiết kế hai hệ thống chiếu sáng: Một hệ thống chiếu sáng chung và hệ thống chiếu sáng tập trung cho khu vực gương (chậu rửa) hay khu vực tắm. Đèn rọi gương dùng bóng halogen là tốt nhất vì cho màu sắc trung thực.

Nên khai thác tối đa chiếu sáng và thông thoáng tự nhiên có thể bằng giải pháp kiến trúc. Sử dụng ánh sáng tự nhiên sẽ làm tâm lý thoải mái, dễ chịu và góp phần tiết kiệm năng lượng. Còn thông thoáng tự nhiên có tác động tích cực về sức khoẻ cho người sử dụng, và góp phần làm thoáng sạch môi trường trong phòng vệ sinh, giảm sự ẩm thấp giúp cho vật liệu thiết bị, đồ đạc trong phòng bền vững, tăng tuổi thọ.

Chiếu sáng và thông thoáng có vai trò quan trọng đối với phòng vệ sinh.

Hệ thống kỹ thuật, thiết bị

Hệ thống kỹ thuật là một phần rất quan trọng của phòng vệ sinh, và được thi công từ rất sớm. Đó là các hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, thông gió. Để đảm bảo có một phòng vệ sinh, tiện nghi, vận hành tốt thì hệ thống kỹ thuật phải thật tốt, bền. Hệ thống kỹ thuật trong phòng vệ sinh phải được thi công đảm bảo kỹ thuật theo tiêu chuẩn, an toàn, chính xác. Đó là tiền đề cho việc lắp những thiết bị vệ sinh ở giai đoạn hoàn thiện.

Phòng vệ sinh là nơi dùng nước, vì vậy công tác xử lý chống thấm là cần thiết để đảm bảo có một phòng vệ sinh tiện nghi và an toàn. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các loại vật liệu và giải pháp chống thấm cho sàn, tường phòng vệ sinh. Việc sử dụng ca-bin tắm đứng làm thành khu ướt riêng biệt cũng góp phần tăng khả năng chống thấm cho phòng vệ sinh.

Cabin tắm đứng là thiết bị phổ biến, tiện lợi cho sử dụng.

Thiết bị vệ sinh trên thị trường phong phú, đa dạng về chủng loại, xuất xứ, thẩm mỹ và giá cả. Việc lựa chọn thiết bị vệ sinh theo quy cách nào nên tính toán ngay từ khâu thiết kế để phù hợp với kiến trúc - nội thất, hệ thống kỹ thuật và đồng bộ. Trong rất nhiều loại thiết bị và phụ kiện lắp đặt và sử dụng trong nhà vệ sinh thì quan trọng nhất vẫn là thiết bị cho 3 khu vực: rửa – xí - tắm. Lavabo âm bàn mặt đá là sự lựa chọn số một cho tính tiện ích, vệ sinh và thẩm mỹ. Một tấm gương lớn trên mặt đá là không thể thiếu cho việc sử dụng và góp phần làm sáng, rộng căn phòng. Xí bệt cũng tương tự - là sự lựa chọn tất yếu. Cuối cùng là khu vực tắm: vách kính hay cabin tắm đứng cùng vòi sen là những thiết bị phổ biến ở thời điểm hiện tại. Ở những phòng vệ sinh đủ lớn, có thể bố trí thêm bồn tắm nằm. Tuy nhiên cần ưu tiên hơn cho tắm đứng, bởi chức năng nay sử dụng nhiều hơn. Và thêm nữa, khi thiết kế bồn tắm nằm, nên có được sự thông thoáng tự nhiên và có view rộng, đẹp, như ở tầng cao hay nhìn ra vườn. Việc thư giãn bằng bồn tắm sẽ giảm hiệu quả đi rất nhiều nếu bí, tối và các phía bị quây bởi những bức tường.

Thiết bị vệ sinh là những yếu tố quan trọng nhất làm nên sự tiện nghi.

Bên cạnh những thiết bị cho 3 chức năng cơ bản đó, hiện nay có nhiều loại thiết bị khác nữa. Việc thiết kế và lắp đặt nên căn cứ và nhu cầu sử dụng, kinh tế và khả năng đáp ứng của phòng vệ sinh đã định hình. Ví dụ như bồn sục zacuzzi, phòng sauna (xông hơi), bồn tiểu nam, bồn bide nữ…

Bồn sục zacuzzi là một thiết bị đã dần phổ biến trong những ngôi nhà ở hiện đại, tiện nghi; có ý nghĩa trong việc thư giãn và phục hồi sức khỏe.