ĐỜI SỐNG

Phụ huynh nên làm gì để không bị con chặn trên mạng xã hội

Nguyễn Hậu • 22-02-2023 • Lượt xem: 2678
Phụ huynh nên làm gì để không bị con chặn trên mạng xã hội

Trẻ em ngày càng nghiện mạng xã hội khiến phụ huynh lo lắng. Nhiều người thay vì cấm đoán đã chọn giải pháp kết bạn với con trên mạng xã hội để có thể âm thầm bảo vệ con.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, tỉ lệ trẻ em sử dụng mạng xã hội đã tăng mạnh trong 2 năm qua so với thời điểm 4 năm trước.

Tổ chức phi lợi nhuận Common Sense Media đã đăng tải kết quả một cuộc khảo sát cho thấy: thời gian sử dụng thiết bị di động ở lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên tăng 17% trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021.

Thời gian sử dụng thiết bị di động trung bình ở lứa tuổi nhi đồng từ 8 – 12 tuổi tăng từ 4 giờ 44 phút lên 5 giờ 33 phút. Và ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 13 – 18 tuổi tăng từ 7 giờ 22 phút lên 8 giờ 39 phút.

Số lượng trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều - Hình minh họa: Internet

Nguyên nhân chính đằng sau sự gia tăng thời gian sử dụng thiết bị di động là vì ngày càng nhiều phụ huynh cho phép con cái truy cập mạng xã hội một cách thoải mái.

Mạng xã hội cũng là một trong những phương tiện giúp trẻ cảm thấy bản thân được chấp nhận và tương tác với bạn bè của chúng, bắt kịp những xu hướng mới nhất. Đăng tải bất kỳ điều gì lên mạng, nhận về sự thoả mãn ngay lập tức với những lượt thả tim, like, share hay những bình luận tích cực. Sự tương tác này có thể khiến cả trẻ em và người lớn "nghiện" chúng, cảm giác như mình được người khác chú ý. Bên cạnh những lợi ích trên thì mạng xã hội cũng mang lại những tác hại khôn lường.

Tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em

Gây nghiện, thay đổi nhận thức, nhân cách và thể chất của trẻ

Trên mạng xã hội thường có nội dung quảng cáo về game trong đó có những game có tính chất bạo lực hoặc những video có ngôn từ thô tục, ngôn từ của người lớn rất dễ khiến trẻ bắt chước theo hình thành tính cách lì lợm, cãi lại, nóng nảy, cục xúc... ở trẻ.

Sử dụng mạng xã hội nhiều cũng khiến trẻ bị nghiện dẫn đến sa sút học tập, ít vận động, lười giao tiếp và tương tác với mọi người ngoài đời thực hơn hình thành tính cách nhút nhát, rụt rè, tự ti, sống hướng nội và khép kín xa lánh xã hội.

Bị lừa đảo qua mạng xã hội

Hiện nay hình thức lừa đảo qua mạng hết sức tinh vi với nhiều chiêu trò như mạo danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt, gửi tin nhắn trúng thưởng, Đăng bài tuyển dụng, cho vay tiền, giả danh người của các cơ quan nhà nước, tặng khóa học miễn phí...

Lừa đảo vay tiền qua mạng xã hội - Hình minh họa: Internet

Bị bóc lột, lạm dụng tình dục

Tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết vấn nạn xâm hại trẻ em trên Internet chưa bao giờ nóng như hiện tại. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết trong thời gian ảnh hưởng vì Covid-19, trẻ tiếp xúc mạng xã hội, học online càng nhiều, nguy cơ bị xâm hại càng cao.

Theo báo cáo của đường dây nóng tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 từ tháng 5 - 8/2021, trung bình mỗi tháng tiếp nhận khoảng 600 ca xâm hại và bạo lực trẻ em, tăng gần 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm.

Lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng xã hội - Hình minh họa: Internet

Những hình thức bóc lột tình dục trẻ em trên mạng phổ biến hiện nay như: buôn bán trẻ em qua mạng vì mục đích mại dâm thông qua các hành động tuyển mộ, dụ dỗ sau đó vận chuyển trẻ em ra nước ngoài để bóc lột tình dục và sức lao động. Mại dâm trẻ em qua mạng bằng các sử dụng tiền, quà tặng để dụ dỗ các em gặp mặt trực tiếp, xây dựng mối quan hệ tin tưởng rồi sau đó dụ dỗ quan hệ tình dục, đóng phim nóng... Hình thức khiêu dâm trẻ em qua mạng là gửi tranh ảnh, video, chat sex, gọi video để bắt trẻ em làm những hành động khiêu dâm.

Trẻ em thường tin tưởng vào kẻ bóc lột hoặc tin rằng đang trong một mối quan hệ yêu thương đồng thuận. Vì vậy trẻ không hiểu rằng mình đang bị bóc lột, lạm dụng.

Cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con?

Trước những tác hại khôn lường của mạng xã hội ảnh hưởng tới trẻ em khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng, cấm đoán ngăn cản con sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên đây không phải là một giải pháp hay trước xu thế phát triển như vũ bão của mạng xã hội và các thiết bị di động thông minh. Khi bị cấm đoán trẻ sẽ chuyển sang dùng nén lút thì hậu quả sẽ nặng nề hơn. Vì vậy nhiều phụ huynh đã chọn giải pháp đồng ý cho con sử dụng mạng xã hội và kết bạn với con trên mạng xã hội. Tuy nhiên để làm bạn với con trên mạng xã hội trong hòa bình mà không gây xung đột với con cái và không bị hủy kết bạn hoặc chặn thì một vài bí quyết dưới dây sẽ giúp ích cho phụ huynh.

+ Xây dựng lòng tin đối với con

+ Tôn trọng sự riêng tư của con

+ Thỏa thuận với con về thời gian sử dụng mạng xã hội

+ Không bình luận thường xuyên vào các bài đăng của con

+ Chỉ kiểm tra mạng xã hội của con nếu có dấu hiệu như điểm số trượt dốc, con có vẻ như sắp gặp rắc rối.

+ Trao đổi trực tiếp với con về tất cả mọi thứ liên quan đến mạng xã hội và thế giới ảo. Những tác hại của mạng xã hội như lừa đảo, lạm dụng tình dục... Cùng con thảo luận những giải pháp phòng tránh những tác hại trên.

+ Giành nhiều thời gian nói chuyện và tham gia các hoạt động cùng con, khuyến khích con tham gia vào các hoạt động xã hội.

+ Luôn nhắc nhở các con về các nguyên tắc an toàn khi sử dụng mạng xã hội đó là: không cho biết thông tin cá nhân, không dùng chung mật khẩu, không trò chuyện hay gặp gỡ người lạ, không nhận tiền hoặc quà tặng của người lạ.