ĐỜI SỐNG

Phượng Hoàng Cổ Trấn, vẻ đẹp huyền ảo nhuốm màu thời gian

Linh Anh • 09-05-2023 • Lượt xem: 1947
Phượng Hoàng Cổ Trấn, vẻ đẹp huyền ảo nhuốm màu thời gian

Nằm soi bóng bên dòng Đà Giang xanh biếc, cổ trấn Phượng Hoàng có hơn 1.300 năm tuổi, trải qua bao thăng trầm mưa gió vẫn vẹn nguyên dấu tích cổ xưa cùng nếp sống thanh bình, êm ả. Miền non sông tú lệ đã gởi bao xúc cảm mộng mơ cho những ai từng ghé lại một lần.  

Được xưng tụng "tòa thành nhỏ đẹp nhất Trung Quốc”, trấn Phượng Hoàng là 1 trong 10 di sản văn hóa lớn nhất tỉnh Hồ Nam. Nơi đây còn lưu giữ khoảng 70 văn vật kiến trúc, 116 di chỉ cổ, 120 ngôi nhà xây dựng từ thời Minh, Thanh cùng hơn 20 tòa đền miếu, lầu các cổ xưa… Trong trấn còn có con đường đá cổ dài 3000m chạy len lỏi giữa các dãy nhà gỗ lợp ngói xanh, mái cong vút hình chim phượng hoàng rất đặc trưng. Đây là tuyến đường phồn hoa nhất trấn, nơi mọi du khách đều tìm đến để khám phá nét đẹp cổ kính đậm dấu ấn thời gian của Phượng Hoàng và mua sắm các loại thổ sản, quà lưu niệm.

Trấn Phượng Hoàng được chia thành hai khu cũ và mới, nằm đối diện nhau hai bên bờ Đà giang. Để tiện đi lại, người dân đã bắc rất nhiều cây cầu băng ngang sông. Ước tính trên 1km đường sông có tới hơn 10 cây cầu lớn nhỏ khác nhau. Có cây cầu cổ xưa hàng trăm năm tuổi như Hồng Kiều, có cây cầu mới xây kiên cố dành cho xe cơ giới, có nhịp cầu lát gỗ cong cong duyên dáng, có nhịp cầu trụ đá chỉ đủ cho hai người sát vai nhau mà đi… Những nhịp cầu dần trở thành nét đặc trưng đầy thú vị cho nơi này.

Đến Phượng Hoàng, bạn nên thuê thuyền ô bồng nho nhỏ du ngoạn dọc Đà giang. Theo nhịp chèo khua mặt nước và tiếng hát ngân nga của người lái đò, con thuyền đưa bạn nhẹ lướt qua những nhịp cầu duyên dáng, những dãy nhà cổ gỗ cổ xưa trầm mặc đứng bên sông, những đình đài, cổ viện đậm dấu ấn thời gian… Hai bên bờ sông, những phụ nữ Miêu ngồi bên mẹt hàng nhỏ, luôn tay thêu thùa trong lúc đợi bán cho du khách những món đồ thêu đẹp mắt hoặc những trang sức làm bằng bạc tinh xảo. Nhiều nhà hàng có bến đậu thuyền, bạn dễ dàng ghé bến, thưởng thức những món ăn đặc sắc địa phương và thả hồn ngắm thuyền bè ngược xuôi qua lại.

Hoàng hôn buông xuống, chọn cho mình một chiếc đèn hoa đăng ngũ sắc thả xuống dòng Đà giang để cầu nguyện bình an, chậm rãi dạo quanh phố cổ phảng phất có cảm giác như đã xuyên thời gian trở về với ngàn năm cũ với nhiều cảm xúc mộng mơ. Dọc theo hai bên bờ sông có rất nhiều quán cà phê, quán trà sữa, tiệm đồ ăn vặt, quán bar, nhà hàng… được bài trí phong nhã. Nhiều nhà hàng còn có cả sân khấu ca nhạc cho phép khách hàng tham gia biểu diễn. Sau những giờ chơi sôi động, trở về lữ quán thả mình vào giấc ngủ ngon không mộng mị. Sớm tinh mơ, chợt tỉnh giấc mởi một điệu sơn ca cao vút, lanh lảnh của một cô gái người Miêu xinh đẹp đang vừa chèo thuyền vừa cất tiếng ca, thỉnh thoảng từ đâu đó lại truyền đến tiếng sáo du dương nhắc bạn một ngày mới lại đã bắt đầu trên cổ trấn.

Trấn Hoàng là nơi cư trú của các dân tộc Hán, Miêu, Hồi và Thổ Gia nên có nền văn đa dạng, đặc sắc và vô cùng lôi cuốn. Khách yêu ẩm thực tìm thấy ở đây cả một thế giới mĩ vị: thịt heo rừng, cháo tiết Vịt, canh chua nấu kiểu người Miêu, thịt hầm hạt dẻ, chè thạch Phượng Hoàng… Người ưa ăn vặt thích thú nếm thử kẹo gừng cay, cháo đậu hũ, đậu hũ chiên … Khu vực gần cầu cổ Hồng Kiều là nơi tập trung nhiều món ăn đặc sắc nhất cổ trấn. Người “chuộng” thịt hào hứng trước món thịt heo rừng hun khói gỗ thông, vịt hầm tiết, canh cá nấu chua, cua chiên giòn… Du khách muốn nhấp chút men say cũng tìm thấy ở cổ trấn cơ hội nếm thứ rượu gạo nếp ủ men theo bí quyết người dân tộc Miêu, Thổ Gia…