ĐỜI SỐNG

Quan niệm vắc xin phòng dại gây mất trí nhớ là sai lầm

Minh Nguyệt • 07-10-2022 • Lượt xem: 260
Quan niệm vắc xin phòng dại gây mất trí nhớ là sai lầm

Lâu nay vẫn có quan niệm rằng tiêm vắc xin phòng dại ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thậm chí là gây suy giảm trí nhớ. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, viện Pasteur thì những thông tin như vậy là lạc hậu.

Trong cuộc tọa đàm về y tế dự phòng tại TP.HCM hôm 5.10, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn cho hay bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính lây truyền từ động vật sang người. Hàng năm bệnh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 59.000 người ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, bệnh dại xuất hiện quanh năm ở hầu khắp các địa phương và thường phổ biến vào mùa hè. Bệnh có xu hướng gia tăng khi 9 tháng đầu năm 2022 đã có 50 trường hợp tử vong trên toàn quốc.

Tiêm phòng bệnh dại tại TP.HCM

Bác sĩ Tuấn cũng cho hay, thời gian ủ bệnh thường rất khác nhau, tùy theo sức khỏe mỗi người, vị trí vết cắn có gần với hệ thần kinh trung ương hay không. Số lượng virus xâm nhập cũng ảnh hưởng đến thời gian ủ bệnh. Bên cạnh đó sự lỏng lẻo trong công tác phòng bệnh, đặc biệt là quan niệm sai lầm về bệnh này cũng là điều khiến việc phòng dại không đạt hiệu quả.

Nhiều người cho rằng tiêm vắc xin phòng dại gây tổn hại đến hệ thần kinh, thậm chí là mất trí nhớ. Bác sĩ Tuấn cho là suy nghĩ này xuất phát từ những thông tin cũ về vắc xin. Hiện nay vắc xin phòng dại ở Việt Nam đều thuộc thế hệ mới được chiết xuất từ tế bào thận khỉ, tế bào lưỡng bội người, tế bào vero tinh khiết. Quy trình sản xuất được giám sát chặt chẽ không gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh. Người dân có thể yên tâm khi tiêm phòng dại.

Có người vẫn cho rằng bệnh dại có thể chữa bằng thuốc nam. Mỗi năm vẫn có hàng chục người chết vì bệnh dại do chỉ ở nhà điều trị bằng các biện pháp dân gian như lấy nọc, dùng thuốc nam. Có đến 70% trường hợp tử vong do chữa bằng các biện pháp dân gian mà không xử lý vết thương và đến các cơ sở khám chữa và tiêm phòng dại kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, người bị chó mèo đã tiêm phòng vẫn phải đi chích ngừa bệnh dại. Chưa có dữ kiện đầy đủ nói rằng chó mèo đã tiêm phòng là an toàn. Đặc biệt nếu các vết cắn ở vùng đầu, mặt, cổ gần với hệ thần kinh trung ương, virus có thể tấn công và nhanh chóng gây tử vong. Tuy nhiên, tiêm phòng dại cho vật nuôi vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay đối với căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này.

Vật nuôi trong nhà cũng có khả năng gây dại. Thời gian ủ bệnh của chó nhà khi cắn thường là từ 3 – 10 ngày. Hồi tháng 8 năm nay đã có một trường hợp tử vong ở Quảng Ninh chỉ vì chó nhà bị dại liếm lên vết thương. Do vậy ngay cả khi bị chó nhà cắn, hoặc liếm lên vết thương cũng cần đi tiêm phòng.

Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp duy nhất cho bệnh dại

Bệnh dại cực kỳ nguy hiểm và hiện chưa có thuốc chữa. Khi đã có biểu hiện lâm sàng, nghĩa là lên cơn dai, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Hiện tiêm vắc xin là bệnh pháp phòng bệnh duy nhất.

Bác sĩ lưu ý, khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm... cần rửa liên tục vết thương bằng nước và xà phòng 15 phút, sau đó sát khuẩn cồn 70 độ (hoặc cồn iốt). Hạn chế làm dập vết thương, không băng kín. Đến ngay điểm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn, chỉ định tiêm phòng. Không dùng thuốc nam, không nhờ thầy lang chữa bệnh.