GIẢI TRÍ

Quyền Linh: Tôi luôn cảm ơn người nghèo

Lữ Đắc Long • 27-08-2020 • Lượt xem: 502
Quyền Linh: Tôi luôn cảm ơn người nghèo

Từ một chàng nông dân mê cải lương, anh quyết chí lên Sài Thành học nghề để trở thành nghệ sĩ. Ngày tốt nghiệp chính là ngày anh… thất nghiệp. Cái khổ của chàng sinh viên vừa ra trường nhiều lúc là anh hoang mang tưởng chừng như phải bỏ nghề.

Cuối cùng bằng một nghị lực phi thường đã giúp anh vươn lên trở thành một MC quốc dân như ngày nay. Gặp được anh, nghe anh trò chuyện, chúng tôi mới hình dung được phần nào chặng đường gian nan, đã trui rèn anh trở thành một MC được nhiều người yêu thích.  

Thành danh từ chương trình người nghèo

Thành danh từ nghề diễn, nhưng thành đạt là nhờ vào chương trình Vượt lên chính mình với kỷ lục đoạt 5 giải Mai vàng. Anh bảo: “Theo tôi điều đó ấn tượng nhưng không quan trọng bằng việc khán giả luôn luôn nhớ đến Quyền Linh, vì thông qua chương trình này đã có hàng ngàn gia đình được giúp sức, vươn lên khẳng định được chính mình”.

Lúc đầu anh chỉ làm MC thôi, nhưng sau đó chương trình đi xa quá, nhiều đạo diễn chịu không nỗi, thế là Quyền Linh kiêm nhiệm nhiều vai trò, thậm chí có ngày anh ví mình như một ô-sin, làm tất cả các khâu từ đạo diễn cho đến phục vụ hiện trường chỉ với một mong mỏi: Làm chương trình thật nhất, để người xem cảm nhận được cái nghèo của người… chơi!

Anh tâm sự: “Năm 2004, dù chương trình đã có nguời làm trước rồi, nhưng trục trặc điều gì đó “gãy”, thế là tôi được mời đến casting". Lúc đó, anh vẫn chưa biết thế nào là một MC, một người dẫn chương trình, bởi vốn dĩ anh chỉ là diễn viên.

Đang hồi lưỡng lự, đạo diễn Xuân Cường nói với anh: “Thôi mày cứ làm, cái nào sai thì sửa, cái nào đúng thì phát huy… lo gì”.  

Ngày khởi quay, anh vào việc cứ như một đứa con nít, không cảm được gì nhiều, bị đạo diễn mắng té tát. Nhưng sau vài số quay hình, tình hình có vẻ ăn ý hơn, cái cảm của Quyền Linh với người nghèo bắt nhịp nhanh hơn, cứ như người một nhà. Với anh, chương trình như thấm vào máu, vào thịt của chính mình. Rất nhiều người xem xong đã thốt lên: Chương trình này là của Quyền Linh, nó gắn liền cá tính của một nông dân chính hiệu.

Nhìn người nghèo để… học hỏi

Anh kể: “Có lần tôi nhìn người đàn ông bị liệt 2 chân, lại thêm người vợ bị… tâm thần, vậy mà ra thu hình, họ cứ nhìn anh cười hoài. Để giải lời đáp này, người chồng dẫn Quyền Linh đi vào phòng đóng cửa lại, với khoảng tối âm u đáng sợ, người chồng nói nhỏ: “Thật ra tôi buồn lắm chú Linh, nhưng nếu tôi tự tử thì người thân tôi sẽ buồn và biết đâu họ sẽ chết theo tôi! Thôi thì, nhìn lại tôi vẫn hơn họ mà. Dù rằng, mỗi tháng tôi chỉ kiếm được tầm 2 – 3 triệu đồng, phải lo tiền ăn cho cả nhà rồi tiền học cho con tôi. Thiếu quá buộc tôi phải vay ngân hàng 4 triệu đồng, vậy mà đã mấy năm rồi tôi vẫn chưa trả nổi… Tôi là trụ cột gia đình, nếu tôi không cố gắng thì sẽ làm sao đây? Tôi chỉ còn một con đường duy nhất là phải lạc quan để mọi người nhìn vào mà cố gắng sống".

"Với Quyền Linh, các nhân vật của chương trình đã rèn luyện cho anh sự bản lĩnh. Mới nhìn, các nhân vật này tưởng chừng như đang bế tắt trong cuộc sống, nhưng họ luôn có một nghị lực phi thường mà tôi cần phải học hỏi. Thử hỏi, một cô gái 16 tuổi từ 3 giờ sáng đã phải bơi thuyền thúng ra biển câu cá đến 6 giờ sáng về nhà nấu cơm, lo cho mấy em đi học, lo cái ăn cho cha mẹ, ông bà mình. Cô ấy bản lĩnh như thế, mình là trai tráng, tại sao lại thất vọng, buồn chán… đời mình vẫn còn tươi đẹp lắm mà. Tôi đã học ở họ sự nhiệt tình bằng cả trái tim, nếu như tôi không tham gia chương trình như thế, có lẽ tôi sẽ không thành đạt như ngày nay".

 

Mặc cảm trong hào quang… ảo

Học 5 năm mới tốt nghiệp trường Điện ảnh, nhưng ngày tốt nghiệp Quyền Linh nhận thêm cái bằng… thất nghiệp! Bởi lúc đó, anh không thể nào đương đầu với những ngôi sao như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Huỳnh Anh Tuấn, Thiệu Ánh Dương… vì mình chỉ là một sinh viên mới ra trường, ngơ ngác với mọi điều trong nghề nghiệp.

Sau đó vài năm, với dăm ba vai diễn, anh được nhiều người gọi là ngôi sao điện ảnh Quyền Linh. Trước các điểm diễn, hình anh trên băng rôn to đùng, nghe giới thiệu kêu lắm, nhưng Quyền Linh vẫn đi xe đạp, thậm chí vẫn đi bộ… Nhiều đêm ngẫm lại rất ư đau lòng. Có thời gian dài anh rơi vào… tự kỷ vì nghĩ lại mình chẳng là gì cả.

Có lúc đang đứng hát, khán giả bên dưới cứ la lên Quyền Linh, Quyền Linh… trong lòng phấn khởi lắm, nhưng về nhà thì ăn mì gói, túi thì không tiền. Cứ mỗi lần đóng phim về là thiếu nợ, nguyên con đường Cống Quỳnh trước ngôi trường Linh học, gần như các quán ăn anh đều có sổ nợ.

Thời gian này anh chỉ cố nghĩ làm sao có vai diễn, không bao giờ anh dám nghĩ đến tiền bạc. Có người hỏi, nghèo đói như thế nhưng vì sao anh lại có nhiều vai diễn thành công? Anh cười: Có lẽ mỗi lần nhận vai là tôi không hề nghĩ đến tiền, cũng không bao giờ tôi chê vai lớn hay nhỏ, cứ có vai là đóng phim ngay.…

Từng mơ làm kép… cải lương

Năm lớp 11, trong trường ai cũng biết biệt danh Quyền Linh ống hút vì anh ốm nhom đen thùi lùi. Ăn một bữa, nhịn một bữa đi lòng thòng gió thổi là xém… bay.

Thời đó, Quyền Linh mê Minh Vương, Lệ Thuỷ, Tấn Tài, Thanh Kim Huệ…vì thấy họ hát hay, xinh đẹp lại giàu có. Thế là anh cứ mơ mình sẽ làm nghệ sĩ để thoả chí hát ca và cũng sẽ kiếm được nhiều tiền về lo cho gia đình. Thời đó anh có thể hát bất cứ ở đâu, cầm cây cuốc, hoặc cây chổi cũng tự mình hoá thân thành ông vua, tướng cướp để tự nghêu ngao mấy câu vọng cổ.

Thế rồi khi có đoàn Sân khấu từ Sài Gòn về Tiền Giang tuyển sinh. Quyền Linh được thầy cô khuyến khích đi thi, anh nhiệt tình biểu diễn và trúng tuyển. Mừng lắm, vì cứ tưởng mình là nghệ sĩ rồi, sẽ được diễn với Minh Vương, Lệ Thuỷ trong nay mai… Nhưng không phải đó chỉ là sơ tuyển thôi. Phải học thêm một khoá đào tạo để tìm ra 10 người giỏi nhất, Quyền Linh được đậu… vớt, vậy mà anh mừng đến không ngủ được, luôn sống trong sự chờ đợi bồn chồn, cứ tưởng như mình sắp vào thiên đường vậy. Lúc đó mẹ chuẩn bị cho anh cái mùng có nhiều lổ vá, rồi cái nồi móp méo tùm lum. Vậy mà anh lên Sài Gòn với tâm thế rất… tự hào.

Sau ngày trở thành diễn viên, Quyền Linh có chăm chút vẻ ngoài, anh để râu quay nón, tóc hai mái bồng bềnh cứ giống như tài tử ngoại quốc. Anh bảo: “Thật ra lúc đó do không có tiền hớt tóc nên chơi phong cách ngầu ngầu như vậy cho tiện.

Lúc đó mặc quần jean ống loa, cột hai lai áo lại cho nó phong trần giống vẻ nghệ sĩ một chút. Lúc đó ở trường anh lại có thêm một biệt danh: Linh sida, vì anh mua toàn quần áo sida vừa rẻ tiền vừa độc lạ không giống ai.

Từng bế tắc đến… tận cùng

Tốt nghiệp xong, thấy nghề không ổn định, cuộc sống gần như bế tắc vì không có lối thoát suốt một thời gian dài khiến Quyền Linh rất chán nản. Anh bảo: “Tôi có người bạn thân còn hơn người yêu của mình đó là cái bóng của chính anh. Ngày đó tôi nghèo lắm, luôn tự ti vì cái gì cũng thiếu nên không dám gặp ai. Lúc nào cũng có cảm giác người ta không thích mình, nên về đêm cứ như người tự kỷ, tự nói với mình như một thằng khùng. Đói quá hỏng có gì ăn thì tự nói với cái bóng: “Tao với mày nói chuyện cho đỡ buồn để quên đói nhe. Với tôi, giữa một thành phố xa hoa này, tôi luôn cảm thấy sự cô đơn và tự khóc với bản thân. Chỉ khi ra đường, tôi mới vui cười như tự che giấu sự mặc cảm của mình”.

Những lúc bí bách như vậy, anh mơ ước: Có ai đó mời mình đóng phim, đợi ai đó giúp mình có việc làm. Nhưng cuối cùng, làm gì có.  Chỉ còn cách tự đứng lên đi xin việc, xin khắp nơi. Anh sẵn sàng năn nỉ: "Chú ơi, cho con vào làm nha, cho con ăn thôi, không có lương cũng được..”.

Có lần không có tiền mà anh vẫn đi xem bóng đá, đến nơi thấy có chiếc xe Honda drem, anh bèn leo lên để ngó vào. Đang xem ngon lành, tự nhiên nghe mộ cái bóp từ một người đàn ông đập thẳng vào lưng anh. Ông ấy hét lớn: “Mày có đủ tiền đền cái yên xe của tao không mà dám leo lên như vậy”.

Đau lắm, nhưng anh vẫn xin lỗi và đêm về nằm nhà tự khóc với cái bóng của mình: "Mày thấy chưa Linh chỉ một cái yên xe mà cũng không có tiền đền!”.

Thế là anh thề phải tự kiếm tiền, tự xem câu chuyện “xấu hổ” đó để làm động lực cho mình vươn lên. Anh kể tiếp: “Có hôm lấy gạo nấu cơm, nhưng múc trong lu hoài mà hỏng thấy gạo. Nghĩ đến cảnh chiều về cả nhà không có cơm ăn mà hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Thế là quyết định phải đón xe lên thành phố với một suy nghĩ: Phải vươn lên để thay đổi số phận của mình".

Toả sáng từ những vai diễn

Năm 1995 tham gia phim Nguời Hà Nội gây tiếng vang lớn, kế đến Quyền Linh nhận vai Huy đóng chung với Trương Ngọc Ánh trong phim Đồng tiền xương máu của đạo diễn Đinh Đức Liêm. Phim phát sóng, anh và Ánh trở thành một cặp đôi được báo chí và khán giả khen ngợi. Vai diễn này anh nhận được giải thưởng: Diễn viên được yêu thích nhất của HTV, vì tạo hiệu ứng lan toả cực kỳ lớn. Lần đó, anh nhịn đói một tuần mà vẫn còn vui vì vai diễn dữ dội quá, và lúc đó, cùng với Chi Bảo, cái tên Quyền Linh được xem là thế hệ vàng của phim truyền hình sau những cái tên đình đám như: Lý Hùng, Lê Tuấn Anh…

Để có thành công này, anh vẫn luôn nhớ cái thuở lần đầu tiên anh từng đi đóng vai quần chúng. Anh bảo: “Tôi đóng vai quần chúng nhiều đến nỗi đạo diễn chỉ vào mặt hét lên: Tại sao cái thằng này ở đâu tao cũng thấy nó hết vậy!”. Anh giải thích: Lúc đó, tôi đóng chỉ để mong có được 2 ổ bánh mì, ăn được hôm nay và ăn luôn cho cả ngày mai. Cứ mỗi lần đóng, anh tranh thủ phụ mấy anh thiết kế, đẩy doly, hất sáng… để lấy lòng cả đoàn phim.

 

Lúc đó không ai dám mời anh đóng vai chính cả, vì cái tên anh không bán vé được thì làm sao mà mời? Nhà sản xuất chỉ mời Lý Hùng, Lê Tuấn Anh, Thiệu Ánh Dương… thôi, vì họ là vua phòng vé mà! 

Có lần đạo diễn Lê Hoàng nói nhỏ với Linh: “Lần này anh mời em đóng xuyên suốt nguyên phim luôn…”. Nghe xong Quyền Linh háo hức không ngủ để chờ vai diễn đặc biệt này. Ngày nào anh cũng ngồi ở hãnh phim Giải phóng để chờ vai diễn. Đến khi ra phim trường, cầm kịch bản đọc thấy mình xuất hiện suốt phim nên mừng lắm.

Ai ngờ, đọc kỹ thì mới biết vai này không nói câu nào, đó là vai gián điệp chỉ thấy rõ đôi mắt đang rình mò theo dõi đối phương mà thôi!

Quay suốt 7 – 8 ngày, ngày nào cũng y chang như vậy. Tức quá anh nói nhỏ với đạo diễn: "Anh ơi, lần đầu em đóng vai chính, anh cho người ta thấy cái mặt em với, chứ lên phim không ai thấy thì kỳ lắm..”. Lê Hoàng nghe qua phán luôn, ngày mai sẽ thấy mặt, cứ an tâm.

Mừng quá, tôi năn nỉ cô hoá trang: “Chị ơi, hôm nay anh Lê Hoàng nói sẽ quay thấy mặt em, chị ráng trang điểm cho em đàng hoàng nhe…”. Thế là mặt mày sáng trưng, râu tóc ngon lành, hiên ngang bước ra phim trường, nhưng tổ hoá trang lại cho úp cái bao đen lên đầu, chỉ để lồi hai con mắt để quay hình. Tôi thắc mắc tiếp thì đạo diễn bảo: “Sẽ thấy mặt mà, lo gì…”.

Thì ra đó là cảnh quay tôi đang rình mò đối phương, bị một người phía sau đập vô đầu một cái bốp… té lăn ra chết, hắn bước tới kéo bao che đầu lộ nguyên cái mặt cận cảnh “chà bá” của tôi. Đây có thể xem là vai diễn điện ảnh đầu tiên của tôi có được cái mặt trêm màn ảnh lớn.

Sau đó thì đến phim Thời đại đàn ba con gái, đạo diễn Đinh Đức Liêm nói: "Vai này tao dành cho Thành Lộc, mày không thể nào đóng nổi đâu, nhưng giờ Lộc kẹt rồi, thôi thì mày đóng nhe  Sau đó, đạo diễn kêu tôi cạo lông tay, nhổ lông mày rậm thành lông mày lá liễu, mặc đồ con gái… Nói thiệt, lúc đó kêu cái gì tôi cũng làm, miễn sao được đóng phim thì thôi". Sau đó Quyền Linh còn đi thi Diễn viên triển vọng, anh đoạt giải tư nên hàng loạt phim mời anh tham gia nhiều đến nỗii không nhớ hết.

Kết câu chuyện, anh tự rút ra cho mình: “Mình học nghề diễn lại thành công ở nghề MC. Bây giờ, có thèm diễn cỡ nào cũng không còn thời gian trống. Ở cái đất Sài Thành này, có rất nhiều cơ hội, nhiều con đường để mình phát triển. Chỉ cần mình phấn đấu tích cực, nhiệt huyết nỗ lực thì mình sẽ thành công thôi.