ĐỜI SỐNG

Rác thải điện tử đã thật sự được xử lý đúng cách?

Thúy Vy • 05-08-2022 • Lượt xem: 368
Rác thải điện tử đã thật sự được xử lý đúng cách?

Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển cũng là lúc môi trường càng thêm ô nhiễm. Theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, hàng năm Việt Nam thải ra khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử.

Bình quân mỗi gia đình có tối thiểu 10 thiết bị điện tử đặt trong nhà. Mỗi năm người dân Việt Nam thải ra môi trường trung bình 1,3 kg chất thải điện tử/người. Lượng rác thải đưa ra môi trường càng nhiều khi các thiết bị công nghệ mỗi ngày một cải tiến. Những loại rác thải điện tử hiện nay đa phần là các sản phẩm có chứa pin hoặc phích cắm. Ngoài ra còn có các thiết bị điện tử như lò nướng bánh, máy cạo râu và nhiều nhất là đồ chơi trẻ em.

Các đồ vật điện tử thường được sản xuất từ những kim loại nặng, bán kim loại và nhiều hợp chất hoá học khác như chì, thuỷ ngân, niken, đồng, bari,… Uớc tính hằng năm có hơn 50 tấn thủy ngân trong các thiết bị như màn hình, bóng đèn điện… được thải ra bãi rác. Những chất như arsen hiện diện ở trong vô số sản phẩm điện tử. Khi các sản phẩm này hết hạn sử dụng và bị vứt ra bãi rác, chúng sẽ vỡ nát và phơi ra ngoài các thành phần kim loại và hóa chất độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, khi bị thải ra môi trường chúng có khả năng cao xâm nhập vào đất, mạch nước ngầm, ao hồ… và trở nên có hại.

Rác thải điện tử không những ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm hại đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các thiết bị điện tử chứa đựng nhiều thông tin quan trọng của người dùng, khi thải ra môi trường còn tiềm ẩn nguy cơ làm rò rỉ thông tin khó kiểm soát.

Tuy vậy, việc xử lý rác thải điện tử chưa thật sự được chú trọng. Ngày trước, việc xử lý rác thải điện tử thường do cá nhân hoặc các cơ sở tư nhân như những người thu mua ve chai, đồng nát, các cơ sở thu gom tự phát không đảm bảo an toàn và được tập kết về các làng nghề để tái chế. Từ đó gây nên tình trạng xử lý rác không đúng cách, vô hình chung trở thành một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Đến hiện tại, Việt Nam tuy đã có hơn 100 điểm thu gom và tái chế rác thải trên khắp cả nước nhưng quá trình thực hiện vẫn còn rất thô sơ và có không ít hạn chế. Tuy gọi là tái chế chất thải, nhưng việc xử lý chỉ mới dừng ở khâu tháo dỡ, phân loại tách các chất liệu và hầu như chỉ được thực hiện một cách thô sơ, chưa bài bản và không an toàn cho công nhân thực hiện. Thêm vào đó, có một số nơi buôn bán các chất thải điện tử bằng cách đốt cháy những sợi dây cáp máy tính hở nhầm thu về các kim loại đồng nằm bên trong. Việc đốt cháy vô tình làm giải phóng chất hydrocarbon vào không khí, cũng như tạo ra những chất thải dioxin và các kim loại nặng. Mặt khác, người dân không chú trọng đến việc xử lý rác thải điện tử, thường vứt cùng với rác thải sinh hoạt, gây khó khăn cho công tác phân loại và tái chế rác thải.