GIẢI TRÍ

[Review] - ‘Người Nhện' 2021: sự trưởng thành đi cùng nỗi mất mát

Tạ Doãn • 21-12-2021 • Lượt xem: 1883
[Review] - ‘Người Nhện' 2021: sự trưởng thành đi cùng nỗi mất mát

Siêu anh hùng nhỏ tuổi của Marvel có bước trưởng thành đầy đau thương trong 'Người Nhện: không còn nhà' ('Spider-Man: No Way Home'). Công chiếu sau 3 ngày, bộ phim đang nhận về nhiều lời khen về giá trị nhân văn truyền tải.

Hành trình người nhện trưởng thành

“Người Nhện: không còn nhà” không chỉ xoay quanh câu chuyện hậu quả về sự rắc rối do Mysterio (Jake Gyllenhaal) gây ra từ phần phim “Spider-Man: Far from Home”, mà nội dung phần phim này còn đánh dấu sự thay đổi đầy chông gai của 'Người Nhện' Peter Parker (Tom Halland) khi mới kết thúc độ tuổi vị thành niên.


Ở các phần phim trước, Người Nhện Peter Parker (Tom Holland đóng) đã phải đối mặt với quá nhiều trọng trách dù chỉ đang trong lứa tuổi học sinh trung học

Tương tự người Nhện các bản khác, hành trình trưởng thành của 'Người Nhện' Tom Holland nhuộm màu bi thương và mất mát khi lần lượt chứng kiến người thân yêu phải rời xa

Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên, phim đã cho thấy bầu không khí ngột ngạt bao trùm 'Người Nhện' Peter Parker, khi danh tính của cậu bị công khai khắp nơi và công chúng lại cho rằng chính cậu đã tàn độc hại chết tên ác nhân Mysterio có vẻ ngoài tốt bụng. Hiểu lầm nối tiếp thảm họa, ác cảm của mọi người khiến cuộc sống năm cuối trung học của Peter Parker cùng nhóm bạn trải qua nặng nề. Tương lai của Peter Parker cùng bạn gái MJ (Zendaya) và bạn thân Ned Leeds (Jacob Batalon) chông chênh. Áp lực trước mọi thứ đã thúc đẩy chàng trai trẻ đưa ra quyết định sai lầm - nhờ Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) thay đổi thực tại, để rồi tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình.

Trong nửa đầu phim “Người Nhện: không còn nhà”, Peter Parker nhiều lần làm khán giả phải “dở khóc dở cười” bởi tính cách đôi khi còn quá “trẻ trâu” và hành động có phần “bộp chộp” đúng với lứa tuổi của mình. Sự ngây thơ cũng như niềm tin đặt không đúng chỗ của chàng trai mới bước vào đời đã vô tình khiến chính cậu và người thân phải trả giá đắt.


Từ nhiệm vụ cảm hóa dàn ác nhân, người Nhện cũng nhận ra bài học cho mình

Đến hơn nửa thời lượng còn lại, phim  xoáy sâu vào ý nghĩa: "Sức mạnh càng to lớn, trách nhiệm càng cao", câu nói đã từng được đề cập trong các phiên bản người Nhện trước và để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả. Lần này, trách nhiệm mà Peter Parker mang trên vai lại khiến anh lần lượt mất đi những người mà mình thương yêu và mất cả chốn thân thương để quay về.

Sau tất cả, thứ Peter Parker còn sở hữu có lẽ chính là niềm tin và tấm lòng bảo vệ lẽ phải. Không còn một Peter Parker hồn nhiên đáng yêu ngồi trên ghế nhà trường trung học, anh đã là một chàng trai cô độc chập chững vào đời, cân bằng giữa việc giải cứu thế giới và cuộc sống cơm áo gạo tiền. “Người Nhện: không còn nhà” một lần nữa cho thấy mỗi bước trong quá trình trưởng thành của 'Người Nhện' Peter Parker đều gắn liền với nỗi mất mát, đưa anh trở thành một trong những siêu anh hùng có nhiều góc khuất và gần gũi nhất với đời thật.

Bối cảnh hoành tráng, tình tiết bất ngờ

Tương tự các bom tấn siêu anh hùng khác, “Người Nhện: không còn nhà” có bối cảnh phim cực kỳ hoành tráng và hàng loạt phân đoạn hành động nghẹt thở. Song, điểm cộng lớn nhất của tác phẩm chính là áp dụng định luật đa vũ trụ một cách khéo léo, bước đệm cho vô số tình tiết cao trào thỏa sức tưởng tượng của fan phim người Nhện nói riêng và người hâm mộ Marvel nói chung.


Phim có nhiều cảnh hành động đẹp mắt

“Người Nhện: không còn nhà” quy tụ một dàn ác nhân từ tất cả các phiên bản người Nhện trước đây gồm Green Goblin/Norman Osborn (Willem Dafoe), Doc Ock/Otto Octavius (Alfred Molina), Sandman/Flint Marko (Thomas Haden Church), Lizard/Curt Connors (Rhys Ifans) và Electro/Maxwell Dillon (Jamie Foxx). Mỗi người đều có một “đất diễn” riêng để phát huy thế mạnh trong bộ phim.

Sự có mặt của toàn bộ nhóm ác nhân của vũ trụ người Nhện đem đến tai họa lẫn cho người dân nhưng lại là sự bất ngờ lớn cho người xem phim. Sự xuất hiện của nhóm ác nhân cũng đem thêm nhiều “khách mời” khác. Từ đó, hàng loạt tình tiết gay cấn giữa đa vũ trụ xảy ra dồn dập, không để khán giả rời mắt suốt hơn 2 tiếng rưỡi phim.


Một phân đoạn Doctor Strange dùng phép thuật trong “Người Nhện: không còn nhà”

Ngoài ra, số lượng ác nhân nhiều cũng tỷ lệ thuận với cảnh hành động trong “Người Nhện: không còn nhà”. Những cuộc giao đấu giữa các bên dàn trải đều và có cường độ liên tục, từ đánh đấm tay đôi công phu đến chiến “giáp lá cà” hoành tráng. Từng khung hình hành động giữa người Nhện bản mới nhất với các ác nhân các phiên bản trước được thực hiện một cách đẹp mắt, vừa đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc hồi tưởng vừa mãn nhãn. Kỹ xảo và hình ảnh góc rộng đẹp rực rỡ của “Người Nhện: không còn nhà” còn được khắc họa rõ nét qua những cảnh Doctor Strange dùng bùa phép.


Tác phẩm có nhiều khung cảnh tăm tối hơn các phần phim trước

Phim được khán giả đánh giá cao về mặt nội dung và hiệu ứng hình ảnh

Mở ra một chương mới của Marvel

“Người Nhện: không còn nhà” không chỉ là phần kết của bộ 3 sê-ri phim “Spider-Man” phiên bản của Tom Holland mà còn được xem như là tác phẩm tri ân 20 năm thương hiệu người Nhện kể từ Spider-Man (2002). Được đặt quá nhiều kỳ vọng từ fan truyện, fan phim, fan người Nhện, fan Marvel… nhưng “Người Nhện: không còn nhà” vẫn đáp ứng được tất cả.


Bộ ba Pete Parker, MJ và Ned Leeds có bước ngoặt lớn sau “Người Nhện: không còn nhà”

Sau bộ phim, khán giả đã có một người Nhện mới, vẫn là Tom Holland nhưng không còn dáng vẻ của một cậu nhóc mồm liến thoắng hay là cậu bé dựa dẫm vào 'Người Sắt' Tony Stark (Robert Downey Jr.), mà là một chàng trai chững chạc hơn và ý thức được gánh nặng trên vai của mình. Sự thay đổi của người Nhện lần này cho thấy anh sẽ có một vai trò mới trong vũ trụ Marvel.


Vai trò của Peter Parker trong vũ trụ Marvel hứa hẹn có nhiều thay đổi