GIẢI TRÍ

Review phim ‘Inventing Anna’: phản ánh thực trạng ‘sống ảo’ hay lãng mạn hóa thói lừa đảo?

Tạ Doãn • 21-03-2022 • Lượt xem: 2063
Review phim ‘Inventing Anna’: phản ánh thực trạng ‘sống ảo’ hay lãng mạn hóa thói lừa đảo?

Chuyển thể từ câu chuyện có thật ngoài đời, "Inventing Anna" (Tạm dịch: "Anna: Tiểu thư dựng chuyện") xoay quanh cuộc sống sang chảnh đầy dối lừa của Anna Delvey, một cô gái tự nhận là tiểu thư quyền thế giàu có nhưng thực chất chỉ là kẻ lừa đảo.

Nội dung mang tính khám phá, mạch phim dồn dập

“Anna: Tiểu thư dựng chuyện” mở màn bằng cách không giới thiệu dài dòng về nhân vật mà nhanh chóng cho khán giả len lỏi vào cuộc sống như thiên đường của cô tiểu thư dựng chuyện Anna Delvey (Julia Garner). Từ lúc mới lộ diện, Anna Delvey khoác lên ánh hào quang rực rỡ với danh nghĩa là con gái của một tỷ phú người Đức đang chuẩn bị nhận thừa kế khối tài sản kếch xù. Từ danh tiếng ảo do bản thân nguỵ tạo nên, Anna Delvey tự tin gây chấn động giới nhà giàu nước Mỹ với hình tượng: ăn xài không tiếc tiền, sống sang chảnh ở khách sạn cao cấp và lối ăn mặc thời thượng. Đáng tiếc, ở thực tại, Anna Delvey lại là kẻ luôn tìm cách để không phải trả tiền các dịch vụ, quần áo mình sử dụng.


Từng bước từng bước, Anna Delvey cho hàng loạt tên tuổi đình đám “vào tròng” để lừa đảo

Đặc biệt, từ đầu đến cuối phim, Anna Delvey luôn nhắc đến kế hoạch lập nghiệp hoành tráng nhưng đầy phù phiếm: thành lập một câu lạc bộ cho giới thượng lưu mang tên Anna Delvey Foundation. Lấy đây là mục tiêu của mình, Anna Delvey với tài ăn nói xuất sắc đã có thể lấy lòng tin nhiều người máu mặt ở giới kinh tế tài chính.


Mỗi tập phim là một bước trong kế hoạch đầy mưu mô và tham vọng của cô nàng 26 tuổi

9 tập phim “Anna: Tiểu thư dựng chuyện” mở ra cho người xem đi từ mánh khoé này đến trò lừa mới của Anna Delvey, không chiêu nào giống chiêu nào và cứ diễn ra liên tục khiến khán giả đôi lúc có cảm giác ngộp thở. Việc Anna Delvey luôn thực hiện chiêu trò lừa đảo một cách trót lọt cũng gây phản cảm vì phi lô gíc, thiếu thực tế và có phần “tô hồng” hành vi sai trái của cô.

Do đó, để mang cảm giác bao quát và trung lập hơn, ê kíp quyết định mạch phim cũng như câu chuyện “Anna: Tiểu thư dựng chuyện” được dẫn dắt thông qua hành trình tìm kiếm sự thật của một nhân vật khác - nữ nhà báo Vivian Kent (Anna Chlumsky). Song, chính nhân vật Vivian Kent cũng đôi khi khiến người xem xao nhãng cũng như bị quá tải vì phải theo dõi thêm cả câu chuyện riêng về công việc, gia đình, con cái của nữ phóng viên này.

Bối cảnh xa hoa, đẹp mắt

Theo chân hành trình “săn mồi” quốc tế của Anna Delvey, “Anna: Tiểu thư dựng chuyện” đã đem đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ các bang ở nước Mỹ đến tận sang Ma rốc, châu Âu. Ê kíp tận dụng tốt góc quay xa, gần và gây ấn tượng bằng màu phim đẹp tựa như phim điện ảnh.


So với thực tế, êkíp phóng đại và thêm nhiều chi tiết giả tưởng

Nhân vật nữ phóng viên Vivian đóng vai trò đi tìm câu trả lời về sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng của Anna Delvey

Trên nền khung cảnh lộng lẫy, hàng loạt thương hiệu thời trang từ cao cấp như YSL, Dior, Celine… cho đến thường dân H&M được “lăng xê” một cách hợp lý trong “Anna: Tiểu thư dựng chuyện”, giúp Anna Delvey hoàn thiện hình tượng “phông bạc” gian dối và nực cười.

Đáng chú ý, bối cảnh quê nhà thật sự của Anna Delvey hay trại giam cô cũng được đoàn làm phim cũng khắc họa chi tiết, nhằm phản ánh rõ được độ chênh lệch giữa cuộc sống ảo tưởng xa hoa và thực tế phũ phàng của nữ quái kiệt lắm chiêu. Đồng thời, sự đầu tư về hình ảnh của “Anna: Tiểu thư dựng chuyện” một lần nữa chứng minh độ chăm chút của nền tảng Netflix vào mỗi đứa con tinh thần của hãng.


Bối cảnh lộng lẫy là điểm cộng lớn của “Anna: Tiểu thư dựng chuyện”

Phản ánh thực tế hay chiêu trò hút khách?

Suốt bộ phim, Anna Delvey nói dối không chớp mắt. Cô hay lấy lý do thẻ tín dụng bị lỗi hoặc ngân hàng từ châu Âu chuyển tiền chậm, bố mẹ cắt tiền chi tiêu để người yêu và bạn bè thường xuyên phải đứng ra trả tiền giúp cô. Thậm chí, đến lúc bị phán án tù, Anna Delvey thực chất vẫn không nhận ra bản thân sai ở đâu hoặc ảo tưởng chỗ nào. Cô nàng lừa đảo 26 tuổi vẫn bám víu vào niềm tin gia đình giàu có, kế hoạch thành lập một câu lạc bộ cho giới thượng lưu nhưng không hề có bất cứ đồng tiền nào trong tay.

Tình trạng của Anna Delvey dễ dàng bắt gặp ở xã hội hiện nay. Nhiều cô gái trẻ có sở thích và trung thành với lối sống ảo, sẵn sàng tìm mọi cách và có thể không ngại phạm tội để được hưởng dịch vụ sang chảnh và khoác lên quần áo hào nhoáng nhưng thu nhập chỉ ở mức trung bình. Lối sống thực dụng đáng lên án này lại có xu hướng dần tăng cao tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa hiện nay.


Anna Delvey luôn cố gắng tạo dựng hình ảnh cô gái hiện đại, sành điệu và chăm chỉ làm việc

Tuy nhiên, “Anna: Tiểu thư dựng chuyện” chưa thực sự là một bộ phim phản ánh thói lừa đảo của Anna Delvey để đánh thức giới trẻ. Bởi tác phẩm cuối cùng cũng không cho cô nàng này một bài học thích đáng. Những án tù giam được đặt ra vẫn chưa đủ răn đe một nữ quái ngông cuồng và ngạo mạn, xem tòa án là sàn catwalk để trình diễn thời trang.


Anna Delvey mang nhiều đặc điểm của những phụ nữ trẻ hiện đại

“Anna: Tiểu thư dựng chuyện” là một sê ri mang tính giải trí cao, tình tiết diễn ra liên tục và các nút thắt được giải quyết trọn vẹn. Dàn diễn viên đẹp, hợp vai và ăn ý giúp phim được đón nhận dễ dàng hơn. Đứa con tinh thần của nhà sản xuất Shonda Rhimes bị điểm trừ vì kịch bản còn “sạn”, khâu truyền tải thông điệp chưa trọn vẹn.