GIẢI TRÍ

Review phim ‘Mến gái miền Tây’: còn nhiều sạn, tình tiết gượng gạo

Tạ Doãn • 02-04-2022 • Lượt xem: 1667
Review phim ‘Mến gái miền Tây’: còn nhiều sạn, tình tiết gượng gạo

Bộ phim điện ảnh của Võ Đăng Khoa mắc phải nhiều lỗ hổng, tình tiết chưa hợp lý. Tuy nhiên, “Mến gái miền Tây” có điểm cộng lớn nhờ diễn xuất của chân thật của dàn diễn viên chính Võ Đăng Khoa, Hoài Linh, Anh Tú…


“Mến gái miền Tây” khai thác chủ đề LGBT, chuyển giới

Nội dung phim quen thuộc, tình tiết luẩn quẩn

“Mến gái miền Tây” là tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ “Ghe bẹo ghẹo ai” - webdrama ăn khách năm 2019. “Mến gái miền Tây” khai thác giới LGBT, đề tài không còn quá xa lạ trên màn ảnh rộng Việt Nam. Trước đó, nhiều dự án Việt Nam về LGBT từng gây chú ý là “Hoyboy nổi loạn”, “Tao không xa mày”, “Lô tô”…

Chọn chủ đề quen thuộc, nhưng “Mến gái miền Tây” chưa biết cách tự làm mới hấp dẫn khán giả. Phim lặp lại những chi tiết cũ kỹ và từng được đưa lên màn ảnh trước đó, như: tình tay ba, nam chính chuyển giới yêu đơn phương cậu bạn thân và không được chấp nhận, nhóm hát lô tô thân thiết… Hướng đi nhàm chán của tác phẩm dễ dàng bị người xem “bắt bài”, đoán trước kết thúc.
Tình tiết “Mến gái miền Tây” chủ yếu xoay quanh nam chính Mến (Võ Đăng Khoa đóng) và quá trình từ trưởng thành, trải qua nhiều khó khăn từ thưở còn là cậu học sinh quậy phá đến khi chín chắn. Suốt hơn 100 phút, “Mến gái miền Tây” mải mê luẩn quẩn trong vòng tròn về Mến: bị biến cố - ra đi có cuộc sống mới - tiếp tục gặp bước ngoặt lớn - một lần nữa ra đi - lại bị “sóng gió” và cuối cùng mới đi đến hạnh phúc.


Chuyển biến tâm lý của nam chính Mến (Võ Đăng Khoa) chưa được làm kỹ

Từng giai đoạn cuộc đời không hề bình yên của nam chính Mến được thể hiện chưa mượt, thiếu sự gắn kết hợp lý. Điển hình như trong quãng thời gian 12 năm, Nhớ (Phạm Hoàng Nguyên) từ bạn thân bỗng trở thành chồng Mến mà không có lời giải thích rõ ràng, hay vụ Mến thay Nhớ nhận tội hành hung bạn học rồi bỏ nhà đi cũng chẳng có lời giải đáp cụ thể.


Phim có nhiều cảnh quay nên thơ

Bên cạnh đó, “Mến gái miền Tây” còn có nhiều cảnh sến sẩm, quá “kịch” và mất chất điện ảnh cần thiết. Phim lạm dụng nhiều cảnh mưa để thể hiện tâm lý và tình trạng quẩn bách của nhân vật. Mỗi lần Mến có quyết định lớn, buông bỏ quá khứ, sống thật với chính mình hay u buồn hát trong gánh lô tô đều ở dưới con mưa nặng hạt.

Cách xây dựng nhân vật còn thiếu logic

Kịch bản “Mến gái miền Tây” lủng củng khiến hình tượng nhân vật cũng không tròn trịa. Đầu phim, Mến xuất hiện là một chàng trai quậy phá, trượng nghĩa và có phần cục súc. Anh từng khẳng định là “con trai” và chỉ đến nhóm LGBT cho vui. Song, vài cảnh sau, Mến đã đội tóc giả, trang điểm thành con gái và cư xử dịu dàng. Sự thay đổi nhanh chóng của Mến khiến khán giả ngỡ ngàng.

Còn Nhớ, vốn là bạn thân lại bỗng dưng trở thành chồng của Mến. Tiến triển trong quan hệ của Mến và Nhớ trong 12 năm không được đề cập trong phim “Mến gái miền Tây”. Do đó, người xem chưa thấu hiểu được lý do Nhớ ngoại tình và có bồ nhí bên ngoài. Đến cuối phim, việc Mến thoải mái chấp nhận Nhớ cưới vợ và chúc phúc cho họ càng đem đến cảm giác gượng gạo.

Nhân vật ấn tượng nhất có lẽ là Bình An (Anh Tú). Từ đầu đến cuối, Bình An thể hiện rõ sự quan tâm dành cho Mến. Đáng tiếc, tâm lý của nhân vật này và tuyến tình cảm với Mến lại chưa được khai thác kỹ.

Diễn xuất tốt, đồng đều

“Mến gái miền Tây” ăn điểm nhờ diễn xuất đồng đều của dàn sao tài năng. Không phải là một nhà làm phim điện ảnh xuất sắc, nhưng Võ Đăng Khoa lại là một diễn viên tốt. Mỹ nam sinh năm 1994 thể hiện tốt những sắc thái của vai chính Mến, bộc lộ thành công những nỗi khổ tâm và niềm khát khao được mọi người chấp nhận xu hướng tính dục của Mến.

Tương tác ăn ý giữa Võ Đăng Khoa và nghệ sĩ Hoài Linh (vai Bảy Tình) cũng là điểm sáng lớn của “Mến gái miền Tây”. Những đoạn hội thoại tâm sự của cả hai trong phim giúp khán giả hiểu được hơn về thế giới nội tâm của người LGBT. Ngoài ra, các cảnh quay tung hứng hài hước của họ cũng tạo nhiều tiếng cười thú vị.


Bảy Tình là dạng vai quen thuộc của Hoài Linh

Hoài Linh có màn trở lại ấn tượng cùng Bảy Tình trong “Mến gái miền Tây”. Nam nghệ sĩ điều tiết được nhịp phim mỗi khi xuất hiện, khi bi kịch và lúc hóm hỉnh vừa phải. Biểu cảm gương mặt và ánh mắt giúp Hoài Linh thể hiện sống động hơn vai Bảy Tình.

Anh Tú cũng xứng đáng nhận được nhiều lời khen khi truyền tải được tính cách bồng bột thời trẻ và chững chạc lúc đã trưởng thành của Bình An trong “Mến gái miền Tây”.. Dàn diễn viên phụ như Đại Nghĩa, Ngọc Phước, Lê Giang, Su Su… dù không lộ diện nhiều nhưng cũng đóng tròn vai.


Anh Tú có duyên với những phim về LGBT

Võ Đăng Khoa là đạo diễn kiêm diễn viên chính “Mến gái miền Tây”

“Mến gái miền Tây” là một bộ phim điện ảnh còn nhiều khuyết điểm. Song, tác phẩm đáp ứng được mặt giải trí, đem đến tiếng cười nhẹ nhàng và một chút sự xúc động. Các câu chửi như đọc rap của Mến trong phim cũng có thể gây sốt mạng xã hội.