GIẢI TRÍ

Sau 36 năm, Mộ Đom Đóm của Ghibli Studio vẫn là kiệt tác lấy đi nhiều nước mắt

Mie • 05-10-2024 • Lượt xem: 2326
Sau 36 năm, Mộ Đom Đóm  của Ghibli Studio vẫn là kiệt tác lấy đi nhiều nước mắt

Khi nghĩ đến Ghibli Studio, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những câu chuyện kỳ ​​diệu, hân hoan và đầy màu nhiệm về sự phi thường, cứu thế và gắn kết. Danh tiếng này hoàn toàn có cơ sở, vì Ghibli Studio đã có một khởi đầu thuận lợi vào giữa những năm 80 với hai bộ phim giả tưởng kinh điển, cụ thể là Nàng công chúa ở Thung Lũng Gió (Nausicaa of the Valley of the Wind) và Laputa: Lâu đài trên không (Castle in the Sky). Tuy nhiên, vào năm 1988, hãng phim đã đánh cược và trao cơ hội cho đạo diễn trẻ Isao Takahata phụ trách một bộ phim hoạt hình chiến tranh, dựa trên tiểu thuyết tự truyện xuất bản năm 1967 của Akiyuki Nosaka. Kết quả là bộ phim Mộ Đom Đóm, hiện được coi là tác phẩm bi kịch vĩ đại nhất của Takahata.

Một trong những bộ phim hoạt hình đẹp đẽ và đau thương nhất mọi thời đại, Mộ Đom Đóm kể về câu chuyện của Seita Yokokawa 14 tuổi và Setsuko Yokokawa 4 tuổi, hai đứa trẻ sống ở Kobe vào những tháng cuối của Thế chiến thứ II. Cha của chúng, ông là một vị thuyền trưởng trong lực lượng hải quân đế quốc Nhật Bản, đang xa nhà chiến đấu với Lực lượng Đồng minh, thì gặp thảm kịch khi máy bay ném bom của Mỹ trút mưa bom từ trên trời xuống.

Khi quê hương bị tàn phá và mẹ mình đã ra đi, Seita và Setsuko không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến sống với một người dì họ hàng xa và cố gắng để được sống sót. Tuy nhiên, người dì ấy là một người cay nghiệt, liên tục mắng mỏ Seita không ngừng, và vì lòng kiên nhẫn của cậu bé bị thử thách, nên cậu đã đưa Setsuko và vơ lấy một khoản tiền để chạy trốn đến một bờ biển bình dị, nơi chúng đã có những ngày tháng hạnh phúc hơn địa ngục tại nhà người dì kia của mình. Seita quyết tâm sống tách biệt và mong cầu được tồn tại, nhưng thực tế phũ phàng đã xảy ra với bọn trẻ theo cách đau lòng nhất.

Mặc dù Mộ Đom Đóm có nội dung liên quan trực tiếp đến lịch sử Nhật Bản, nhưng bộ phim vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì chủ đề chung về lòng kiêu hãnh, sự hủy diệt và cái chết của những người vô tội. Nhật Bản không phải là quốc gia đầu tiên hoặc duy nhất tham gia chiến tranh, và thật không may, điều đó đã chứng minh rằng, họ cũng không phải là quốc gia cuối cùng. Các cuộc không kích có khả năng đến từ dân Mỹ – đặc biệt là những quả bom hạt nhân tàn khốc thả xuống Hiroshima và Nagasaki – tuy nhiên, hình ảnh “kẻ thù” của đất nước này hầu như không được nhấn mạnh và khắc họa rõ nét. Không giống như những bộ phim khác lấy bối cảnh Thế chiến II, Mộ Đom Đóm được kể theo góc nhìn của hai đứa trẻ, đặc biệt là của cậu thiếu niên Seita.

Mộ Đom Đóm thường được gọi là một bộ phim theo “phong trào phản chiến”. Điều này có thể hiểu được, khi xét đến cách Takahata và nhóm nghệ sĩ của ông mô tả những nỗi kinh hoàng và thương vong của chiến tranh một cách chân thực nhất. Xác thịt cháy đen, cơ thể khô quéo, những “cơn mưa” lửa, người dân đói khát, bất mãn và phải vật lộn để kiếm sống. Từng hình ảnh của bộ phim được khắc họa cực kỳ tàn khốc, và không thể nào có thể vẽ cuộc chiến này bằng ánh sáng huy hoàng. Đây chắc chắn là một vở kịch chiến tranh – hậu quả và cái giá phải trả về con người của chiến tranh được phơi bày rõ ràng, ngay cả trong những khung cảnh yên bình và giản dị hơn.

Trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc xung đột với quân Đồng minh, ngay cả khi chúng không phải là người tham gia tích cực vào cuộc chiến. Trẻ em cũng là nạn nhân trong chính bối cảnh câu chuyện và các sự kiện trên thế giới có liên quan đến chúng, nhưng chúng lại chẳng góp dù chỉ một cái ngón tay vào đó. Các cuộc không kích và tấn công hạt nhân là nền tảng cho một thông điệp tinh vi hơn nhưng không kém phần quan trọng. Không có động cơ chính trị nào đằng sau tác phẩm Mộ Đom Đóm, nhưng nó đem đến ẩn ý về mặt đạo đức. Thực ra, Mộ Đom Đóm nói về cái giá phải trả của lòng kiêu hãnh, lòng tự tôn.

Lòng tự tôn – dù là chủ nghĩa dân tộc, cá nhân hay bất kỳ thứ gì khác – chính là động lực thúc đẩy cốt truyện của Mộ Đom Đóm. Chính lòng tự tôn đã thúc đẩy Đế quốc Nhật Bản gia nhập phe Trục (Axis Powers) và lan ra khắp châu Á, gây ra nỗi kinh hoàng cho các quốc gia xung quanh khác. Chính lòng tự tôn đã dẫn tới những sự kiện khiến quân Đồng minh và đặc biệt là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phẫn nộ sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Chính lòng tự tôn đã khiến chính phủ thời chiến của Nhật Bản thuyết phục cả một quốc gia gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em rằng: Họ chẳng quan trọng và sẵn sàng bị bỏ rơi, miễn là quốc gia và hoàng đế có thể duy trì được sự vĩ đại hão huyền của họ. Chính lòng tự tôn đã khiến quân đội đế quốc nói dối người dân về diễn biến thực sự của cuộc chiến. Hậu quả là, cả trong và ngoài nước, đều có kết cục thật bi thảm.

Chủ đề này đã được khai thác trong nhiều bộ phim của Nhật Bản sau chiến tranh. Thông qua nghệ thuật, đất nước đã vật lộn với những hậu quả mà lòng tự tôn gây ra cho họ. Điều này bao gồm (nhưng không giới hạn) chiến tranh hạt nhân, những mất mát không thể tính toán được về phía Nhật Bản, sự hy sinh vô ích của người dân, sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo, và vai trò cũng như hình ảnh mới của đất nước trên trường thế giới. Godzilla, lần đầu tiên được phát hành vào thời kỳ hậu chiến năm 1954, là ví dụ điển hình cho quan điểm này. Bản thân Godzilla là hiện thân rõ nét cho nỗi sợ hãi và kinh hoàng mà đất nước Nhật Bản cảm nhận được, khi ​​tận mắt chứng kiến sự ra đời của chiến tranh hạt nhân. Gần 70 năm sau, Godzilla Minus One sẽ xem xét lại những chủ đề này theo hướng tích cực và rõ ràng hơn. 

Ngược lại, Mộ Đom Đóm lại có cách tiếp cận trầm ổn và suy tư hơn. Bộ phim được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông dưới góc nhìn của những người dân thường dễ bị tổn thương nhất, hơn là những người nắm quyền lực của đất nước, hay những người hăng hái chiến đấu vì đất nước trong chiến tranh. Đây là góc nhìn tường thuật với rất ít, hoặc không có chút phẫn nộ với chính trị nào. Đây là lý do tại sao, ngay cả khi xã hội tiếp tục phát triển và Thế chiến II đã lùi vào dĩ vãng, nỗi đau và tính nhân văn của Mộ Đom Đóm vẫn mang đến cảm giác mới mẻ và siêu việt đến vậy.

Có thể, lòng tự tôn dân tộc đã đẩy Seita và Setsuko vào tình huống tàn khốc này, đặc biệt là khi chúng trở thành trẻ mồ côi ở một vùng đất bị tàn phá bởi cái chết và sự hủy diệt. Nhưng chính lòng tự tôn cá nhân – cụ thể là của Seita – đã khiến cả Setsuko và chính cậu phải chịu số phận bi thảm. Thật khó để đổ lỗi cho cậu, vì tuổi còn trẻ, còn ngây thơ, công thêm sự tuyệt vọng và xuất thân từ một gia đình quân nhân. Cậu ấy là điển hình của mẫu anh hùng bi kịch; giống như nhiều nhân vật kinh điển trước cậu, họ đều có chung động cơ đáng thương, tính cách và hoàn cảnh ngặt nghèo của Seita bị đè nặng bởi sự tự tôn kiêu ngạo. Có thể hiểu được, nhưng thật thiếu khôn ngoan khi cậu rời bỏ sự chăm sóc đầy oán giận của người dì độc ác của mình, và cố gắng sống xa lánh với Setsuko vì lòng tự tôn của cậu đã vượt ngưỡng chịu đựng. Cậu và em gái của mình phải đi trộm cắp và tranh giành thực phẩm để sinh tồn. Những nỗ lực của cậu đều vô ích khi Setsuko chết dần chết mòn vì đói.

Khán giả vừa cảm thông, vừa tỏ ra thất vọng với Seita. Điều này là có chủ ý, vì cuốn tiểu thuyết của Nosaka là cách anh dung hòa cái chết của em gái mình và cảm giác tội lỗi của người sống sót. Đối tác văn học của Nosaka – nguồn cảm hứng cho nhân vật Seita – qua đời ngay sau khi em gái ông qua đời. Đáng buồn thay, đây lại là cách Nosaka tự trừng phạt mình vì cái chết của em gái ông. Ông ấy thậm chí còn mô tả câu chuyện của mình như là một “vụ tự tử kép”. Tình cảm này vẫn còn hiện diện trong bản chuyển thể hoạt hình, nhưng giống như một anh hùng bi kịch kinh điển, Seita có thể khơi gợi được lòng trắc ẩn của khán giả đối với sự tổn thương và mất mát thực sự của con người, khi đối mặt với những đau khổ không thể vượt qua.

Lòng tự tôn của Seita khiến ông từ bỏ xã hội, và đến lượt mình, xã hội dường như cũng bỏ rơi ông. Ngay sau hậu quả của chiến tranh, Nhật Bản trong Mộ Đom Đóm là một thế giới mà mọi người đều sống vì chính mình. Lòng tự tôn cá nhân và sự tuyệt vọng muốn tồn tại hơn là sống đã phá hủy lợi ích chung của các nhóm người cơ bản, chứ chưa nói đến toàn thể xã hội. Bản thân dì của Seita và Setsuko cũng đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng, nhưng lòng tự tôn của bà đã đem đến sự oán giận, nhẫn tâm và sự hèn hạ không cần thiết đối với hai đứa trẻ, chúng còn quá nhỏ để tự chăm sóc được cho bản thân. Điều này khiến Seita phải đưa Setsuko ra đi và để lại sự chăm sóc miễn cưỡng của dì mình cho một hầm trú bom bỏ hoang, về cơ bản là đẩy họ vào chỗ diệt vong. Không có gì ngạc nhiên khi người dì này là một trong những nhân vật bị ghét nhất trong tác phẩm, cả cho đến thời điểm hiện tại.

Biểu tượng của Đom Đóm ăn sâu vào các nhân vật và bối cảnh

Hình ảnh đom đóm có nguồn gốc sâu xa từ văn hóa dân gian và ngôn ngữ Nhật Bản, đồng thời nó là xương sống của chủ đề và ý nghĩa ẩn dụ trong tác phẩm Mộ Đom Đóm. Từ đom đóm - hotaru - khi được dịch theo nghĩa đen, là “giọt lửa”. Điều này gợi lên hình ảnh rùng rợn về các cuộc không kích và những quả bom được thả xuống từ trên trời của quân Đồng minh. Đó là một sự tương phản rõ rệt và sâu sắc với vẻ đẹp thanh bình và ngây thơ của những con đom đóm, thứ mang đến cho Seita và Setsuko ánh sáng và niềm vui trong khoảnh khắc bình yên và tĩnh lặng hiếm hoi.

Trong thần thoại Nhật Bản, đom đóm gắn liền với cái chết, sự tái sinh và kiếp sau. Chúng gắn liền với linh hồn người chết. Trong một số trường hợp, đom đóm thậm chí còn được cho là linh hồn của những người lính đã hy sinh trong chiến tranh. Đây là một mối liên hệ khác với bối cảnh chiến tranh đau thương của bộ phim, và quan trọng hơn là gia đình của những đứa trẻ của gia đình Yokokawa. Mộ Đom Đóm cũng đề cập đến tuổi thọ ngắn ngủi của đom đóm, làm rõ mục đích chủ đề của loài côn trùng này trong phim. Đom đóm rất rực rỡ và xinh đẹp, nhưng cuộc sống của chúng lại nhanh chóng tàn lụi, giống như Setsuko và Seita.

Mặc dù ít được quảng bá hơn so với những bộ phim khác của Ghibli Studio, Mộ Đom Đóm đã để lại dấu ấn to lớn trong nền văn hóa đại chúng và cộng đồng người hâm mộ anime. Không nơi nào điều này được thể hiện rõ ràng hơn di sản của Setsuko. Setsuko – với thiết kế đáng yêu, đôi má ửng hồng và tính cách ngọt ngào, trong sáng và ngây thơ – đã trở thành biểu tượng của tuổi thơ, cũng như những thương vong vô nghĩa của chiến tranh và bạo lực. Có lẽ chúng ta sẽ nhận ra ngay khi thấy hình ảnh cô bé cầm chiếc ô rách nát, hoặc đưa tay chào khi đội chiếc mũ sắt chiến tranh mà cha mình để lại.

Những hình ảnh này, đặc biệt là khi được xem từng chuyển động và lắng nghe âm thanh lồng tiếng một cách sống động, sẽ thu hút được trái tim khán giả mỗi lần xem. Setsuko chắc chắn chính là trái tim và linh hồn của Mộ Đom Đóm. Trong thế giới nhỏ bé và bị tàn phá của mình, cô bé không thể hiểu được bản chất xấu xa của loài người và sự công phá tàn bạo mà họ gây ra. Mẹ cô bé mất rồi, đom đóm cũng sắp chết, và cô bé thì không hiểu tại sao. Sẽ chẳng hề cường điệu khi nói rằng, khi Setsuko mất đi, người xem cũng chết ở trong lòng một chút. Không có gì ngạc nhiên khi hiếm người dám xem Mộ Đom Đóm đến lần thứ hai.

Hannah Rose, Mai Anh dịch