"Góa phụ đen" Scarlett Johansson đã có hành động pháp lý chống lại một ứng dụng AI sử dụng tên và chân dung của cô trong một quảng cáo do AI tạo ra mà không có sự cho phép.
Theo The Guardian, một quảng cáo dài 22 giây đã được đăng trên X (mạng xã hội trước đây gọi là Twitter) bởi một ứng dụng tạo hình ảnh có tên “Lisa AI: 90’s Yearbook & Avatar”, đã sử dụng các cảnh quay thật của Johansson để tạo hình ảnh và lời thoại giả mạo. Được biết đây là ứng dụng được dùng để tạo hình đại diện và những bức ảnh kỷ yếu thập niên 90 hiện rất phổ biến trên nền tảng TikTok.
Đại diện của nữ diễn viên 38 tuổi xác nhận với Variety rằng nữ minh tinh không phải gương mặt đại diện cho ứng dụng này, và các hành động pháp lý đã được thực hiện kể từ khi ekip phát hiện sự việc vào ngày 28.10. “Chúng tôi không xem nhẹ vấn đề nói trên. Vể cách xử lý, chúng tôi vẫn sẽ giải quyết bằng tất cả các biện pháp pháp lý mà chúng tôi có thể”, luật sư của cô, Kevin Yorn, nói với Variety.
Nữ diễn viên Scarlett Johansson trong vai diễn Black Widow nổi tiếng.
Sau đó đoạn quảng cáo này đã bị gỡ xuống. Theo đó nó được mở đầu bằng đoạn video hình ảnh hậu trường của Johansson trên trường quay bộ phim "Black Widow" của vũ trụ siêu anh hùng Marvel. Sau đó một giọng nói khác bắt chước nữ diễn viên tiếp tục quảng cáo ứng dụng: “Nó không chỉ giới hạn ở hình đại diện. Bạn cũng có thể tạo ra hình ảnh bằng văn bản và thậm chí cả video AI của mình. Tôi nghĩ bạn không nên bỏ lỡ nó”, lời tường thuật giả mạo nói.
Dòng chữ bên dưới đoạn quảng cáo cũng chú thích thêm: “Hình ảnh này do Lisa AI tạo ra. Không phải người thật”. Nhiều ứng dụng của Lisa AI vẫn còn trên App Store và Google Play.
Theo đó Johansson không phải diễn viên duy nhất lên tiếng công khai phản đối việc bị lạm dụng tên tuổi và hình ảnh vốn được tạo ra bởi công nghệ AI. Tháng trước, tài tử của phim "Forrest Gump" - Tom Hanks cũng đã lên Instagram để cảnh báo người hâm mộ về một quảng cáo nha khoa sử dụng hình ảnh AI tạo ra. Nam tài tử tweet: “Hãy coi chừng!… Tôi không liên quan gì đến nơi nha khoa này”, ông viết trên câu chuyện Instagram của mình.
Hình ảnh giả mạo được làm từ công nghệ AI (bên phải) của Tom Hanks.
Gần đây rất nhiều nhà văn cũng như diễn viên trong ngành phim ảnh đã kiện nhà phát triển ChatGPT - OpenAI và công ty mẹ của Facebook - Meta, vì vi phạm bản quyền đối với những phát sinh mà các mô hình trí tuệ nhân tạo đã tạo ra mà không có sự đồng ý.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Johansson chứng kiến hình ảnh của mình bị sử dụng mà không được cho phép. Vào năm 2018, nữ diễn viên đã nói với tờ The Washington Post về việc hình ảnh của mình bị sử dụng trong các video “deepfakes” do máy tính tạo ra, trong đó khuôn mặt của cô đã được thêm vào một cách giả tạo và không được phép trong các video khiêu dâm.
Cô nói: “Không gì có thể ngăn cản ai đó cắt và dán hình ảnh của tôi hoặc của bất kỳ ai khác lên một cơ thể và khiến nó trông thực tế đến kỳ lạ như mong muốn. Về cơ bản không có quy tắc nào trên Internet vì nó là một vực thẳm hầu như vô pháp, bất chấp các chính sách của chính phủ hiện nay”.
Việc sử dụng AI để tái tạo giọng nói và dáng hình của những người nổi tiếng đang trở nên ngày càng phổ biến. Khả năng sáng tạo của các công cụ AI ngày càng phức tạp đã giúp việc tạo âm thanh deepfake từ các mẫu giọng nói có sẵn hoặc tạo ra hình ảnh của những người nổi tiếng trở nên tương đối dễ dàng.
Trước sự lớn mạnh của công nghệ này, nhiều tiểu bang của Mỹ đã bổ sung thêm luật nghiêm ngặt khi nói đến quyền riêng tư, trong đó California đưa ra khiếu nại dân sự về việc sử dụng trái phép “tên, giọng nói, chữ ký, hình ảnh hoặc chân dung” của người nào đó cho mục đích quảng cáo mà không có sự cho phép.
Trong khi một số người nổi tiếng có thể khởi kiện những người sử dụng tên và chân dung của mình mà không được phép nhằm tạo tiền lệ, thì hầu hết các trường hợp khác đều bỏ qua hoặc im lặng vì quá trình pháp lý thường kéo rất dài.