ĐỜI SỐNG

Sẽ thế nào khi gia đình 3 thế hệ cùng chung sống

Lan Hương • 19-05-2022 • Lượt xem: 3543
Sẽ thế nào khi gia đình 3 thế hệ cùng chung sống

Bạn nghĩ thế nào về một gia đình sống chung nhiều thế hệ? Ông bà, cha mẹ và con cái quây quần tụ họp bên nhau. Sự khác biệt khoảng cách về tuổi tác, tư tưởng đôi khi cũng sẽ có bất đồng, có lúc không tìm được tiếng nói chung. Nhưng hơn hết, gia đình lớn chính là nền tảng tốt cho thế hệ trẻ hoàn thiện từ những điều nhỏ nhất.

Xã hội ngày càng hiện đại khiến nhiều gia đình có xu hướng lựa chọn cuộc sống riêng tư, để thoải mái trong sinh hoạt và phù hợp với nhịp bận rộn của công việc thường ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hiện diện rất nhiều gia đình lớn “tam đại đồng đường” cùng chung sống dưới một nếp nhà, lan tỏa yêu thương và đem đến nhiều giá trị tốt đẹp cho các thành viên trong chính tổ ấm của mình.

Quả thực không thể phủ nhận những bất tiện trong đời sống hàng ngày với gia đình nhiều thế hệ. Do cách biệt về tuổi tác, lối sống, quan điểm các cá nhân có lúc sẽ không tương đồng. Sống chung trong một gia đình lớn chắc chắn sẽ có nhiều thành viên, thế nên không tránh khỏi việc nảy sinh va chạm, đôi lúc là những phiền phức và khó chịu trong sinh hoạt thường ngày.

Thế nhưng bên cạnh những “khó khăn chung” của mọi gia đình nhiều thế hệ, khi đã khéo vun vén và tìm được sự hòa hợp giữa các thành viên thì chính gia đình lớn là nơi mang lại nhiều giá trị quý giá.

Lan tỏa những giá trị yêu thương

Với gia đình 3 thế hệ cùng chung sống, có ông bà, cha mẹ và con trẻ thì đây chính là cái nôi của tình yêu, là sợi dây gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn cả. Trẻ con nhận được chăm sóc yêu thương từ ông bà, chúng sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn, ngược lại là cảm giác vô cùng an toàn và ấm áp. Chắc hẳn bạn sẽ luôn mong chờ giây phút bình yên bên gia đình vào bữa cơm chiều, khi cả nhà quây quần bên nhau và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.

Lưu giữ những giá trị truyền thống và kết nối với cuộc sống hiện đại

Không chỉ với vai trò nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, gia đình lớn chính là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam, được hình thành từ rất lâu qua hàng ngàn năm lịch sử. Các thành viên sẽ luôn được nhắc nhở về tình yêu quê hương đất nước, lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sự hoà thuận anh em một nhà, sự thủy chung tình nghĩa vợ chồng…

Bên cạnh những giá trị truyền thống thì với gia đình lớn trong cuộc sống hiện đại sẽ có rất nhiều sự kết nối giao thoa. Ông bà sẽ luôn nhắc nhở con cháu biết phát huy nét đẹp truyền thống cao cả, con cháu sẽ giúp ông bà tiếp cận với những thông tin mới, hiểu hơn về đời sống giới trẻ hiện nay. Cũng từ đó, người lớn trong gia đình sẽ chia sẻ và hướng dẫn lớp trẻ những điều đúng đắn và phù hợp. Sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau giúp gia tăng thấu hiểu và gắn kết các thành viên trong gia đình.

Gia đình lớn là nền tảng cho thế hệ trẻ

Gia đình chính là xã hội thu nhỏ, khi được lớn lên trong chính ngôi nhà thân yêu của mình, trẻ con sẽ hình thành nhân cách tốt và học hỏi được những kỹ năng cần thiết khi giao tiếp ngoài xã hội. Dựa trên cách ứng xử qua lại giữa ông bà với cha mẹ, cha mẹ với con cái, ông bà với cháu chắt, trẻ sẽ nắm được cách ứng xử với mọi người xung quanh. Trẻ sẽ biết được thế nào là tôn trọng, lễ phép và biết giúp đỡ người lớn tuổi, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người xung quanh, biết kính trên nhường dưới, biết nhường nhịn, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Chính gia đình là môi trường tốt để con trẻ được thể hiện và phát triển những đức tính xã hội và hình thành nhân cách cho con từ nhỏ.

Khi được nuôi dưỡng trong một gia đình lớn, trẻ em được hướng dẫn, dạy bảo từ ông bà cha mẹ. Bên cạnh đó, trẻ cũng được phép nói lên ý kiến của riêng mình, trẻ sẽ học được cách giao tiếp cởi mở và trung thực. Khi bản thân được lắng nghe và được chia sẻ, trẻ sẽ cảm thấy quanh mình lúc nào cũng hiện diện tình yêu thương, đồng cảm và được tôn trọng. Từ đó, trẻ sẽ dễ dàng hơn khi giao tiếp và không còn gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với tất cả mọi người.