ĐỜI SỐNG

Sinh viên thực tập cần quan trọng thái độ hay trình độ?

Bá Phúc • 14-10-2023 • Lượt xem: 1903
Sinh viên thực tập cần quan trọng thái độ hay trình độ?

Để có thể chuẩn bị cho quá trình thực tập, ngoài kiến thức được học ở trường lớp, sinh viên cần chuẩn bị thêm một số kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc linh hoạt và cần phải nỗ lực hết mình, thái độ làm việc tích cực thì mới có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp.

Thực tập sinh cần gì để trở thành nhân viên chính thức?

Bạn Võ Ngọc Chí Hiếu, sinh viên năm cuối của ngành truyền thông đa phương tiện của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, các bạn sinh viên ngày nay cần tự giác, chủ động trong việc rèn luyện tư duy, thái độ. Thêm vào đó, sinh viên cần đăng ký thêm một vài khóa học bên ngoài để trao đổi dồi thêm cho bản thân những kỹ năng cần thiết như là ngoại ngữ để phát triển, nâng cao năng lực. 

Bản thân đang thực tập tại mảng marketing tại Tập đoàn VNG, bạn Chí Hiếu chia sẻ, để có thể gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng, sinh viên cần tập trung đầu tư vào CV cá nhân theo cá tính riêng khi ứng tuyển. Bên cạnh đó, các bạn cần phải tự phân tích, đánh giá bản thân xem có phù hợp với vị trí muốn ứng tuyển hay không. Và để làm được điều đó, sinh viên cần phải dựa trên những tiêu chí mà công ty tuyển dụng đang hướng đến, như tầm nhìn, sứ mệnh và lời cam kết. 

Thực tập sinh cần có thái độ làm việc nghiêm túc dựa trên tiêu chí tuyển dụng của doanh nghiệp, công ty.

Bạn Hiếu nói thêm, với vị trí thực tập sinh, công ty không đòi hỏi quá nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ để ý đến thái độ của các bạn khi làm việc để có thể suy xét và chọn lựa nhân viên một cách phù hợp để gắn bó lâu dài với công ty. 

Hiện đang làm tại ngân hàng số Timo Bank được 2 năm, anh Tiến chia sẻ bí quyết để trở thành một nhân viên chính thức sau kỳ thực tập. Anh cho biết, khi sinh viên có nhu cầu thực tập tại một đơn vị nào đó, các bạn cần xác định và tìm hiểu rõ nhu cầu tuyển dụng của công ty hay đơn vị đó, và nếu cảm thấy bản thân thực sự phù hợp thì hãy tận dụng cơ hội qua việc thể hiện thái độ trong phong cách làm việc. 

Anh Tiến cho biết thêm, hầu hết các doanh nghiệp đều cần những nhân viên mang lại giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm có lợi nhuận cao. Tất nhiên, kỹ năng chuyên môn là yếu tố bắt buộc, vì vậy thực tập sinh cần chú trọng và không ngừng học hỏi, phát triển thông qua các khóa học từ Internet hay từ anh chị đồng nghiệp để nhanh chóng hoạt động công việc dễ dàng hơn. 

Những lưu ý khi sinh viên tham gia thực tập

Bạn Chí Hiếu cho rằng, để có kỳ thực tập hiệu quả, sinh viên cần trao đổi cụ thể với người hướng dẫn để hiểu chuyên sâu vào những yêu cầu cần thiết từ phía doanh nghiệp và cần chủ động xin ý kiến, nhận xét từ quản lý để rút kinh nghiệm.  Ngoài ra, các bạn cần cân nhắc trong việc lựa chọn doanh nghiệp vì một số ít sẽ không dành thời gian để hướng dẫn cho sinh viên thực tập. 

Bên cạnh đó, anh Tiến đưa ra lời khuyên, sinh viên khi thực tập cần lưu giữ những sản phẩm của mình để trình bày trong hồ sơ xin việc. Ngoài ra, theo anh Tiến, ngoài sự cố gắng và nỗ lực không là chưa đủ, bởi trong các khóa thực tập, sinh viên phải giao tiếp để mở rộng thêm mối quan hệ trong công ty để tiện trao đổi thông tin và giúp phát huy tối đa hiệu suất trong công việc. 

Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Thạc sĩ Trần Nam lưu ý, giai đoạn bước từ môi trường giảng đường sang môi trường làm việc là cả một quá trình, sinh viên cần phải có sự đầu tư, nắm rõ thông tin, các kiến thức chuyên ngành liên quan đến vị trí thực tập. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất mà sinh viên chú tâm đến là thông tin về văn hóa của doanh nghiệp. 

Sinh viên thực tập cần chú trọng vào thái độ làm việc, phát triển kỹ năng giao tiếp và cần quan tâm đến thông tin, văn hóa và yếu tố cần của công ty tuyển dụng.

Giám đốc Công ty Đào tạo và Tư vấn Enso Việt Nam, chị Huỳnh Hữu Trúc Phương cho biết, không một doanh nghiệp, công ty nào muốn tiếp nhận những thực tập sinh thiếu kỹ năng mềm dù cho kết quả học tập có tốt đến đâu đi chăng nữa. 

Theo chị Phương, thái độ làm việc trong khi thực tập sẽ là yếu tố then chốt về cơ hội làm việc của sinh viên sau này. Chị cho biết, nhiều doanh nghiệp, công ty rất thích các thực tập sinh có tinh thần học hỏi, biết cách áp dụng kiến thức vào công việc thực tiễn. 

Tuy nhiên, bao nhiêu đó là chưa đủ, sinh viên cần phải có thái độ nghiêm túc, đề cao tính quan trọng của công việc. Ngoài ra, cần phải mạnh dạn đề xuất, bày tỏ nguyện vọng, ý tưởng muốn đóng góp cho công ty phát triển. Có như vậy, sinh viên mới tạo được tiền đề cho bản thân về cơ hội làm việc chính thức.