Trái đất đang nóng lên khiến những con sông băng đã hình thành cách đây hàng trăm năm bắt đầu tan chảy. Theo cảnh báo từ các nhà khoa học, việc các con sông băng lâu năm tan chảy sẽ giải phóng hơn 100.000 tấn vi khuẩn ra môi trường bên ngoài và có nguy cơ sẽ gây ra những trận đại dịch đe dọa đến sức khỏe con người.
Những nguy hại từ việc băng tan
Theo thông tin từ hãng tin Sputnik, các nhà khoa học ở châu Âu đã tìm thấy hàng tấn vi khuẩn trong các mẫu nước thu thập được từ những con sông băng tan chảy. Qua đó, các nhà khoa học khẳng định việc các con sông băng tan chảy sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến môi trường, khí hậu và sức khỏe nhân loại. Băng tan sẽ giải phóng rất nhiều vi khuẩn và số vi khuẩn này hoàn toàn có khả năng rò rỉ vào các sông, hồ gây nên những dịch bệnh nguy hiểm giống như dịch Covid-19 vừa qua.
Việc các con sông băng bắt đầu tan chảy sẽ trở thành mối đe dọa mới đối với con người. Theo ước tính của các nhà khoa học, mỗi năm các con sông băng ở Bắc bán cầu có thể sẽ giải phóng ra môi trường hơn 100.000 tấn vi khuẩn và 650.000 tấn carbon.
Ý kiến của các chuyên gia
Một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu là tiến sĩ Arwyn Edwards cho rằng hiện có rất nhiều vi khuẩn đang tồn tại trên bề mặt hoặc bị “đông lạnh” dưới lớp sông băng, trong đó có những vi khuẩn mà chúng ta vẫn chưa biết đến có thể gây hại đến sức khỏe con người. Khi các sông băng tan chảy sẽ tác động đến những vi khuẩn này, khiến chúng có nguy cơ bị giải phóng ra môi trường bên ngoài qua các sông, hồ, vịnh, gây ảnh hưởng đến những khu vực xung quanh, nguy hiểm hơn nữa là có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân toàn cầu.
Hiện nay có khoảng hơn 200.000 lưu vực sông phụ thuộc vào lượng nước tan ra từ các con sông băng. Nếu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, tốc độ tan chảy các con sông băng càng nhanh thì lượng vi khuẩn đổ ra các con sông càng nhiều.
Tiến sĩ Edwards cho biết ông nhận được rất nhiều câu hỏi về việc sông băng tan chảy giải phóng vi khuẩn ra bên ngoài. Trong số đó, câu hỏi được hỏi nhiều nhất là “sông băng tan chảy có thể gây ra một mầm bệnh khiến cả trái đất tận thế không?”. Đây là một câu hỏi khó trả lời vì hiện tại ông và các nhà khoa học khác vẫn chưa thật sự hiểu rõ về các loại vi khuẩn này. Nhưng theo ông nguy cơ này là rất thấp, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta chủ quan. Vì vậy vấn đề cấp bách lúc này là chúng ta phải nghiên cứu xem những loại vi khuẩn đó là gì.
Một số chuyên gia khác cũng cho rằng những vi khuẩn được giải phóng ra từ những con sông băng có thể sẽ mang những mầm bệnh nguy hiểm. Họ hy vọng rằng đây là những loại vi khuẩn vô hại và có thể sử dung để làm các phân tử sinh học tạo ra các loại kháng sinh mới.
Còn các nhà khoa học tại Đại học Aberystwyth cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vì hiện nay các con sông băng đang tan chảy rất nhanh. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), trước sự nóng lên toàn cầu, các con sông băng lâu năm tại Dolomites (Ý) công viên Yosemite và Yellowstone (Mỹ) và núi Kilimanjaro (Tanzania) sẽ hoàn toàn tan chảy vào năm 2050.