ĐỜI SỐNG

'Sóng nhiệt quái vật' càn quét khắp châu Á và hiện tượng El Niño trở lại

Thi Thơ • 30-04-2023 • Lượt xem: 983
'Sóng nhiệt quái vật' càn quét khắp châu Á và hiện tượng El Niño trở lại

Các nước châu Á trong thời gian gần đây bị ảnh hưởng nặng nề bởi “làn sóng nhiệt chưa từng có”, nắng nóng khắc nghiệt bao trùm cuộc sống người dân. 

Theo The Independent, khoảng 3 tuần qua, người dân Châu Á liên tục phải hứng chịu đợt nắng nóng khủng khiếp khi nhiệt độ ở các quốc gia liên tục phá kỷ lục. Chỉ mới đầu tháng 4, tháng đầu tiên của mùa hè nhưng nắng nóng gay gắt đã lan rộng khắp các khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Bangladesh, Turkmenistan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Điển hình như Lào ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong lịch sử với 42,9 độ C tại vùng nông nghiệp Sainyabuli, và 42,7 độ C ở Luang Prabang. Mặt khác, 2 đất nước Nhật Bản và Hàn Quốc - nằm trong khu vực khí hậu ôn đới cũng ghi nhận nhiệt độ cao bất thường trong năm lên đến 30 độ C. Hay như Turkmenistan lập kỷ lục nhiệt tháng 4 mới với 42,2 độ C.

Người dân ở các nước phải tìm mọi cách tránh nóng nhất có thể. Một ví dụ điển hình như ở Kolkata, Ấn Độ, nhiều tài xế taxi phải chuẩn bị các bình nước 1,5 lít để tiêu thụ trong một buổi vì cái nắng nóng gây ra. Nghiêm trọng hơn khi có ít nhất 13 người thiệt mạng ở Ấn Độ vì say nắng sau khi tham dự một sự kiện trên cánh đồng trống không có mái che vào tuần vừa qua.

Tại Việt Nam, khí hậu thay đổi bất thường nên nhiều người lao động làm việc ngoài trời dễ bị say nắng, sốc nhiệt, trẻ nhỏ đổ bệnh như các bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa mà "thủ phạm gián tiếp" là thời tiết nắng nóng gây nên. 

Nhà khí hậu học Maximiliano Herrera cho biết đây là đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử châu Á. Dù các nước dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu ở châu Á đã quen với các đợt nắng nóng nhưng các nhà khoa học cho rằng sự nóng lên toàn cầu đã kéo dài lâu hơn và nhiệt độ cũng cao hơn gấp nhiều lần. 

Ông Herrera liên tục đưa ra những cảnh báo về đợt nắng nóng mà ông gọi là “sóng nhiệt quái vật” này. Tại Việt Nam, nhà khí hậu học cho biết nhiệt độ ở quần đảo Trường Sa lên tới hơn 35 độ C trong ngày 23/4, là mốc nhiệt độ cao cực kỳ hiếm.

Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, quy mô của đợt nắng nóng này chủ yếu cho biến đổi khí hậu. Sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra là nguyên nhân chủ yếu khiến các đợt nắng nóng ngày càng gia tăng mức độ trầm trọng. 

Giáo sư David Karoly của Đại học Melbourne cũng cho biết bản chất khắc nghiệt là do biến đổi khí hậu. Vì lẽ đó chính phủ các quốc gia cần suy nghĩ về giải pháp để thích ứng với nắng nóng, không để người dân chịu tình trạng này quá lâu. Các quốc gia cần trồng thêm các loại cây cao để có bóng râm, nhiều thảm thực vật hơn ở các môi trường, đặc biệt là ở khu đô thị. 

Ngoài ra, các nhà khoa học khí hậu cũng nhận định thêm hiện tượng thời tiết El Nino sẽ trở lại. Đây là hiện tượng thời tiết toàn cầu khi nhiệt độ nước ở Thái Bình Dương ấm hơn so với mức bình thường. Vì lẽ đó, các chuyên gia dự báo thời tiết, khí hậu dự báo El Niño sẽ phát triển vào mùa hè này và kết hợp với biến đổi khí hậu do con người gây ra, điều này sẽ đẩy nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu lên cao hơn.