ĐỜI SỐNG

Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, nguyên nhân do đâu?

Thanh Mai • 28-08-2022 • Lượt xem: 244
Sốt xuất huyết tăng mạnh tại Hà Nội, nguyên nhân do đâu?

Với ảnh hưởng từ tình trạng mưa nhiều gần đây gây gia tăng mầm bệnh, trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội đã ghi nhận tình trạng đáng báo động khi số ca sốt xuất huyết tăng nhanh. Một số khu vực thậm chí đang ở mức cao vượt ngưỡng, nhiều ca biến chứng nặng. Tuy là căn bệnh quen thuộc nhưng cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần chủ động thực hiện các phòng bệnh hiệu quả.

Chỉ số BI tăng cao

Chỉ số BI (Breteau index) là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra. Để xác định được khu vực có nguy cơ sốt xuất huyết hay không sẽ căn theo chỉ số BI ở cột mốc là 30 trở lên. Theo kết quả ghi nhận gần đây, CDC cho biết báo cáo giám sát chỉ số BI tại miền Bắc hiện đang ở ngưỡng cao. Đặc biệt, thời điểm cao trào của tình trạng dịch rơi vào tháng 9 và 10. Trong đó, một số khu vực ở mức cao là xã Khánh Hoà (Thường Tín) có BI = 46, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) có BI = 54, xã Kim Nỗ (Đông Anh) có BI = 100… Do vậy, dựa vào chỉ số bọ gậy có thể nhận thấy rằng nguy cơ lây truyền bệnh trong cộng đồng rất cao, dễ dàng bùng phát và phát triển thành ổ dịch.

Tiếp nhận nhiều ca sốt xuất huyết nặng

Hiện tại, chủng virus Dengue đang lưu hành là D1 và D2. Số liệu thống kê từ đầu năm đến nay cho thấy Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng hơn gấp đôi so với năm 2021 vào cùng một thời kì. Các bệnh viện không ngừng tiếp nhận những trường hợp bệnh trở nặng, phát hiện trễ do nhầm lẫn với triệu chứng bệnh khác. Bởi cộng đồng đang đối diện với 3 dịch bệnh lưu hành chồng nhau là sốt xuất huyết, cúm và Covid-19 biến chủng mới.

Đáng nói, viện Nhiệt đới Trung ương hiện đang đối mặt với 30 ca, trong đó có 10 ca nặng. Ở tuần nhập viện này, có hai ca nặng ở độ tuổi trung niên. Đơn cử ở bệnh nhân 38 tuổi đối mặt tình trạng hết sức nguy cấp khi sang ngày thứ 4 nhiễm bệnh, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như phổi tổn thương, thiếu máu, khó thở, lượng tiểu cầu giảm, suy thận, nhiễm acid máu và rối loạn đông máu nặng. Bác sĩ giải quyết bằng phương pháp thở oxy nhưng không hiệu quả đành phải đổi sang thở máy, kèm theo đó là liên tục lọc máu.

Theo ghi nhận chung, đa số các trường hợp nặng thường là người cao tuổi và có bệnh nền. Tình trạng chung gặp phải khi sốt xuất huyết bắt đầu trở nặng là thoát dịch liên tục gây mất sức, cô đặc máu, tràn dịch màng bụng, màng phổi, giảm tiểu cầu. Thậm chí còn có cả sốc sốt xuất huyết.

Tích cực phòng chống, kiểm soát và phát hiện kịp thời

Vào ngày 28/7 trước đó, Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội – Chử Xuân Dũng đã tích cực đưa ra chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, ký ban hành Công văn số 2427/UBND-KGVX.

Dấu hiệu bệnh của sốt xuất huyết thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với các loại bệnh thông thường. Do vậy, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo rằng người dân cần lập tức đi khám ở các cơ sở y tế gần nhất khi gặp các dấu hiệu như sốt, đau nhức cơ thể, đau bụng, bồn chồn, chảy máu chân răng… để được chẩn đoán chính xác nhất. Tuyệt đối không chủ quan, tự chữa trị sốt xuất huyết tại nhà bởi bệnh thường trở nặng vào ngày thứ tư, xuất hiện các triệu chứng nặng hết sức nguy hiểm.

Mặt khác, để phòng ngừa sốt xuất huyết hiệu quả, Bộ Y Tế khuyến cáo các hộ dân nên dành 10 phút mỗi tuần cho công tác diệt lăng quăng, bọ gậy. Có thể thực hiện bằng một số phương pháp hữu dụng như: thả cá diệt lăng quăng, bỏ muối và dung dịch diệt bọ ở các nơi chứa nước phục vụ cho mục đích trang trí, dọn sạch các hốc nước đọng lâu ngày, loại bỏ rác thải thường xuyên… Bên cạnh đó, để diệt cũng như tránh muỗi đốt hiệu quả, người dân cần trang bị thêm màn ngủ, bình xịt, hương đuổi muỗi, vợt điện…