ĐỜI SỐNG

Sự tiến bộ về công nghệ AI sắp cho phép tái tạo người thân đã mất

Võ Hoàng Tuấn • 05-11-2022 • Lượt xem: 707
Sự tiến bộ về công nghệ AI sắp cho phép tái tạo người thân đã mất

Sự đột phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI đã giúp mọi người có thể tạo ra phiên bản kỹ thuật số của mình, của những người thân xung quanh và cả những người thân đã mất từ rất lâu.

Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ AI và tái tạo giọng nói, viễn cảnh tái tạo lại những người đã mất với giọng nói và ký ức giống hệt lúc còn sống giờ nay đã thành hiện thực.

Charlotte Jee lần đầu nói chuyện với “bố mẹ” do công nghệ AI tái tạo lại đã không khỏi ngạc nhiên vì mọi thứ rất giống thật. Họ kể lại cho cô nghe những câu chuyện về thời thơ ấu, đưa ra những lời khuyên chân thành cho cô về cuộc sống. Tất cả mọi thứ giống hệt như lúc bố mẹ cô lúc còn sống.

Phiên bản “bố mẹ” này do công ty HereAfter AI tái tạo lại dựa trên những dữ liệu thu thập được từ việc phỏng vấn người thật. Phiên bản “bố mẹ” AI này sẽ chỉ tồn tại được trên điện thoại tương tự như trợ lý ảo Siri hay Alexa.

Công nghệ tái tạo người đã mất

Grief tech hay còn được gọi là công nghệ đau buồn bao gồm tất cả sản phẩm công nghệ được tạo ra để xoa dịu nỗi buồn cho mọi người, đặc biệt là trong trường hợp họ mất người thân.

Các công ty grief tech phục vụ nỗi buồn của mọi người bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra một phiên bản kỹ thuật số với giọng nói và ký ức của người đã mất. Một ông lớn khác trong lĩnh vực này là You, Only Virtual cũng áp dụng phương pháp tương tự, với khẩu hiệu "Không bao giờ phải nói lời tạm biệt"

Ông Blake Lemoine - cựu kỹ sư của Google phân tích rằng các mô hình AI ngôn ngữ lớn (LLM) hiện nay có thể trò chuyện thông qua văn bản như người thật, thậm chí là chúng có cả tri giác. Những LLM hiện đại như GPT-3 hoặc LaMDA có thể được điều chỉnh để tự thay đổi phong cách soạn thảo văn bản và tin nhắn giống với bất kỳ người nào.

Bên cạnh đó, công nghệ bắt chước giọng nói của AI cũng có những bước phát triển vượt bậc. Vừa qua, Amazon đã có thể tái tạo lại giọng đọc chính xác của một người bà đã mất dựa trên đoạn ghi âm chưa đầy 1 phút.

Những phiên bản đầu tiên được áp dụng vào cuộc sống

Để có thể tạo ra phiên bản kỹ thuật số giống với người thật nhất, kỹ thuật viên của HereAfter đã phỏng vấn trực tiếp đối tượng khi còn sống. Thông tin thu thập được càng chi tiết thì phiên bản kỹ thuật số sẽ càng giống thiệt nhất.

Vài tuần sau khi thu thập đầy đủ dữ liệu, “bố mẹ” kỹ thuật số của Jee đã “ra đời” và được giao qua tệp đính kèm email. Khi giao tiếp với họ mọi thứ rất giống thật song cũng có những lúc “bố mẹ ảo” có những câu nói nghe hơi khó hiểu.

Một ông lớn khác trong lĩnh vực này là StoryFile vẫn đang tìm cách để “nâng câp” công nghệ này. Ông muốn người đã mất phải được tái tạo lại dưới dạng video thay vì giọng nói như hiện nay. Để làm được điều này, đối tượng được tái tạo khi còn sống sẽ được ghi hình trong lúc phỏng vấn thu thập dữ liệu, chất lượng ghi hình càng tốt thì người khi được tái tạo lại sẽ càng giống thực.

Ông Stephen Smith - Giám đốc điều hành của StoryFile cũng đã áp dụng công nghệ này vào đám tang của mẹ mình. “Người mẹ ảo” của ông được tái tạo lại bằng video rất chân thực, bà với mái tóc bồng bềnh không ngừng trò chuyện với những người khách đến đám tang của chính bà.

Tuy nhiên theo nhà sáng lập You, Only Virtual ông Justin Harrison thì những người được tái tạo lại đều mang những đặc điểm giống nhau, chưa có sự khác biệt quá rõ ràng. Ông muốn mỗi phiên bản được tái tạo lại phải đem đến những trải nghiệm thật riêng biệt, giống như mỗi chúng ta ai cũng sở hữu một tính cách khác nhau.

Ông Harrison còn cho rằng chỉ lưu trữ những kỷ niệm thôi là chưa đủ. Ông còn muốn thu thập tất cả dữ liệu, thông tin về người sống và người đã mất để khi phiên bản kỹ thuật số được tái tạo lại sẽ sở hữu tất cả những thói quen và cách giao tiếp của người đã mất.

Đây cũng là cách mà Harrison đã áp dụng để tái tạo lại người mẹ Melodi của mình. “Người mẹ” ảo của ông biết sử dụng những cụm từ, biểu tượng cảm xúc và mắc những lỗi chính tả hệt như người mẹ thật của ông.

Một số hạn chế

Nhà tâm lý học chuyên trị liệu về đau buồn Erin Thompson cho rằng một phiên bản kỹ thuật số với giọng nói và ký ức hệt như lúc còn sống là một cách hiệu quả để chữa lành những nỗi buồn, giúp vơi đi phần nào nỗi nhớ người đã khuất. Nhưng Thompson cũng nhắc nhở mọi người rằng đây chỉ là những chatbot không có tri giác và chúng không thể nào thay thế được mối quan hệ giữa người và người với nhau.

Hiện nay chi phí để sở hữu người thân đã mất phiên bản kỹ thuật số vẫn còn khá cao. Một phiên bản kỹ thuật số không giới hạn cuộc trò chuyện hiện tại của HereAfter là 8,99 USD/tháng, StoryFile thu phí một lần là 499 USD còn You, Only Virtual sẽ có giá 10-20 USD/tháng.