ĐỜI SỐNG

Tác nhân khiến cho trẻ bị viêm hô hấp tăng cao tại TP.HCM

Ngân Nguyễn • 27-11-2023 • Lượt xem: 1188
Tác nhân khiến cho trẻ bị viêm hô hấp tăng cao tại TP.HCM

Theo số liệu của các bệnh viện chuyên khoa nhi tại TP.HCM, số trường hợp điều trị ngoại trú, nội trú và ca tử vong của nhóm bệnh viêm hô hấp trong tháng này có tăng nhẹ so với các năm 2021, 2022 (năm bùng phát của dịch COVID-19).

Mới đây, Sở Y tế TP.HCM công bố nguyên nhân chính gây bệnh là do các vi rút phổ biến nhiều năm qua, không có tác nhân bất thường. Kết quả được ghi nhận qua Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện, tác nhân lớn nhất là virus họ enterovirus và human rhinovirus, kế đến là các vi rút cúm và á cúm, vi rút hô hấp hợp bào (RSV) và có thể là một số loại vi khuẩn thường gặp.

Khi thời tiết chuyển giao, trở lạnh, mưa nhiều, bệnh thường tăng cao vào tháng 10-12 hàng năm. Cùng với đó, các chuyên gia về bệnh hô hấp trẻ em của Đại học Oxford đã nhận định các vi rút vẫn là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm hô hấp cấp tính cùng với thời tiết chuyển mùa đã dẫn đến hiện tượng này. 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca đến khám tại các cơ sở y tế có gia tăng trong các tháng cuối năm 2023 (tăng mạnh vào tháng 10 so với các tháng trước đó), tuy nhiên hệ thống giám sát chưa ghi nhận ổ dịch viêm hô hấp tại các trường học trong đợt này, chủ yếu độ tuổi mắc bệnh là ở các trẻ nhỏ hơn. May mắn là phần lớn ca bệnh đều nhẹ, có thể điều trị ngoại trú. 

Sở Y tế TP.HCM đã họp các chuyên gia và kết luận hiện tượng tăng số ca bệnh viêm hô hấp trong những tháng gần đây tại các bệnh viện nhi của TP.HCM là hiện tượng tăng theo chu kỳ hằng năm của các bệnh thường gặp ở trẻ em. Tác nhân gây bệnh chủ yếu vẫn là các loại vi rút thường gặp, trong đó vi rút cúm đã có vắc xin dự phòng. 

Đa số các bệnh viêm hô hấp do vi rút chỉ cần điều trị triệu chứng và tự khỏi, tuy nhiên những trường hợp viêm phổi hoặc có bệnh nền cần đến bệnh viện chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời để ngăn triệu chứng trở nên nặng hơn và hạn chế tử vong ít nhất có thể. Các bệnh viêm phổi nên chú ý hơn khi có bệnh nền như tim bẩm sinh, bại não, xuất huyết não, teo đường mật, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, lupus đỏ hệ thống, suy dinh dưỡng…

Để phòng bệnh viêm hô hấp cho trẻ nhỏ, Sở Y tế khuyến cáo rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho trẻ em và người lớn. Thường xuyên đeo khẩu trang, không khạc nhổ bừa bãi, luôn luôn che miệng, mũi khi ho, khi hắt hơi. Phụ huynh nên cho con nhỏ tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng, khuyến khích tiêm các vắc xin cúm, phế cầu nếu có đủ điều kiện. Trẻ em có bệnh nền cần được theo dõi, điều trị ổn định để giảm nguy cơ chuyển nặng khi bị viêm hô hấp.

Người lớn, đặc biệt là phụ nữ có thai, người già và người có bệnh nền, cần tiêm chủng vắc xin cúm hàng năm. Luôn giữ ấm cơ thể, duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý theo tuổi, đặc biệt các mẹ nên tranh thủ nguồn sữa mẹ ở giai đoạn trẻ vào giai đoạn đầu đời sau giai đoạn sơ sinh. Bên cạnh đó, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát cũng góp phần phòng ngừa bệnh.