ĐỜI SỐNG

Tái chế da cá thành sản phẩm sang trọng đắt tiền

Nguyễn Hậu • 19-07-2023 • Lượt xem: 789
Tái chế da cá thành sản phẩm sang trọng đắt tiền

Một công ty của Pháp đã đưa việc tái chế lên một tầm cao mới khi biến da cá bị bỏ đi tại các nhà hàng thành da thuộc để làm các sản phẩm da sang trọng đắt tiền.

Da cá loại da tưởng chừng chỉ là đồ bỏ đi giờ lại có thể tái chế trở thành những món đồ thời trang xa xỉ. Đó là câu chuyện của công ty Ictyos nằm ở miền Trung nước Pháp với 3 năm nghiên cứu để biến loại rác thải hữu cơ này thành da thuộc. Hiện tại công ty đã góp phần tiết kiệm 20 tấn da cá và cho ra mắt các sản phẩm như ví, dây đeo đồng hồ, túi xách, giầy... Công ty Ictyos thu thập da cá hồi từ những nhà hàng sushi địa phương với nguyên tắc duy nhất: cá phải được ăn nếu không Ictyos sẽ không sử dụng da của chúng.

Da cá hồi được thu gom để tái chế.

Anh Benoit Jassaume, quản lý một nhà hàng sushi tại Pháp cho biết: “Mỗi tuần nhà hàng bỏ đi 60 tấm da cá hồi vào thùng rác và đáng buồn là không có một giải pháp nào khác. Tuy nhiên giờ đây chúng được cấp đông và chờ Ictyos tới lấy hàng tuần”.

Tại Ictyos, da cá hồi sẽ được đội ngũ phân loại da theo kích cỡ rồi tái cấp đông chúng. Sau đó thả vào một chiếc máy để làm sạch và loại bỏ vảy. Đây là khâu quan trọng nhất vì mỡ ở lớp da là nguyên nhân gây mùi tanh ở cá. Tiếp theo da sẽ được quay trong lồng một lần nữa với Tannin – loại hợp chất hữu cơ tạo liên kết protein nhằm gia tăng độ bền và độ bám màu của thành phẩm. Các mảng da được làm phẳng rồi treo lên chờ hợp chất được thấm hoàn toàn. Khi da khô sẽ được cho vào máy để làm mềm và thêm màu sắc cho chúng. Da được ngâm trong màu nhuộm sau đó sẽ được làm phẳng một lần nữa. Tiếp theo da sẽ được kéo giãn hết mức để có kích thước lớn nhất có thể. Công đoạn hoàn thiện cuối cùng sẽ bằng một vài lớp màu và lớp phủ bóng nhằm bảo vệ và giữ độ bền màu cho da.

Da cá hồi có vân độc đáo. 

Người đồng sáng lập Benjamin Malatrait cho biết da cá hồi có độ mềm mại và tinh tế, nó dày chưa đến nửa milimet nhưng có độ bền gần tương đương với da bò. Nó có vân độc đáo có thớ nổi rõ hơn, với vảy hơi gợi nhớ đến thằn lằn. Nhìn bề ngoài nó khá kỳ lạ. Với ưu điểm trên, hiện tại da cá có giá thành đắt hơn một chút so với các loại da thuộc thông thường. Nhưng chúng vẫn rẻ hơn so với da cá sấu và da rắn. Khách hàng có thể chọn màu theo thiết kế riêng, ví dụ như có thể phủ vàng thật 22 carat cho da cá.

Dây đeo đồng hồ được làm bằng da cá hồi.

Tương lai Ictyos muốn mở rộng mô hình hoạt động và tái chế được nhiều da cá hơn nữa. Trên nguyên tắc đầy nhân văn là không sử dụng bất kỳ loại cá nào chỉ được nuôi để lấy da mà không được tiêu thụ hay tiêu thụ theo một cách có vấn đề vi phạm đạo đức.

Benjamin Malatrait (giữa) và hai thành viên sáng lập của công ty Ictyos.

Benjamin Malatrait cho biết công ty muốn sử dụng tài nguyên một cách thông minh với sự đổi mới, ý nghĩa và tác động. Trước đó da cá chưa được tái chế mà chỉ một số ít chuyển thành dầu hoặc collagen, còn lại phần lớn kết thúc trong thùng rác quá lãng phí. Mỗi năm Pháp thải ra 50.000 tấn và 500.000 tấn ở châu Âu nếu không xử lý nó sẽ tạo ra carbon dioxide và tự phân hủy, do đó để lại tác động môi trường rất lớn.

Ngoài da cá hồi tại các quán sushi, Ictyos cũng sẽ làm việc với những người nuôi cá tầm để lấy trứng ở vùng Aquitaine và những người nuôi cá chép ở phía Bắc Lyon làm phi lê cá bán ở siêu thị nhà hàng để thu thập da cá bị bỏ đi mang về tái chế chúng thành những sản phẩm sang trọng với các giá trị về môi trường, đạo đức và đổi mới.