ĐỜI SỐNG

Tại sao 'cú đêm' đang trở thành xu hướng của giới trẻ?

Trung Tú • 23-10-2022 • Lượt xem: 390
Tại sao 'cú đêm' đang trở thành xu hướng của giới trẻ?

Ngày nay có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn ban đêm là thời gian để làm việc và học tập. Vậy điều gì đã làm cho xu hướng “cú đêm” ngày càng phổ biến ở giới trẻ?

"Cú đêm” là một từ ám chỉ việc thức khuya, thậm chí là thức đến sáng. Nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là do khối lượng công việc, bài vở phải học quá nhiều nhưng không có đủ thời gian nên họ bắt buộc phải làm “cú đêm” để hoàn thành xong công việc.

Như trường hợp của bạn Bích Phượng, sinh viên năm 3 của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM, ngành ngôn ngữ Italia cho biết, do khối lượng công việc lẫn bài tập quá nhiều và cần phải giải quyết gấp nên phải thức khuya để học thêm và ôn lại bài giảng trên lớp. Bạn Phượng chia sẻ thường bạn thức rất khuya tới tận 2, 3 giờ sáng. Hậu quả là ngày hôm sau bạn đến lớp trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, đầu óc không được minh mẫn.

Tương tự là bạn Lê Hoàng Long - sinh viên ngành Điện tử - Viễn Thông của trường ĐH Bách Khoa TP. HCM nói do không thể sắp xếp được thời gian, buổi sáng bận đi làm để kiếm thêm thu nhập nên chỉ rảnh vào buổi tối để làm bài cho kịp deadline nên gần 2 tháng nay, mỗi đêm chỉ ngủ được có mấy tiếng. Ngoài ra, Long chia sẻ thêm lý do tại sao lại chọn làm “cú đêm” là vì khi làm việc vào buổi tối, bạn sẽ dễ tập trung hơn, vì ban ngày có quá nhiều chuyện làm cho bạn dễ bị phân tâm, xao nhãn.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến nhiều người thức khuya là do đặc thù của công việc, ngành học. Ví dụ như trường hợp của bạn Bùi Quốc Khánh - sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM chia sẻ, ngành học của bạn yêu cầu khả năng tự học hỏi, mày mò nên bạn tự biến mình thành “cú đêm” để tự tìm hiểu, trau dồi thêm những kiến thức mới vì ban đêm khá yên tĩnh nên bạn rất dễ tập trung và tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

Làm “cú đêm” giúp giải quyết công việc hiệu quả hơn?

Bạn Trần Ngọc Quang, ngụ tại quận 1 cho biết bạn rất hay thức khuya để làm việc và khoảng thời gian về đêm từ 22 giờ đến 2 giờ sáng là khoảng thời gian yên tĩnh, giúp cho não bộ bạn vận động hiệu quả nhất. Chưa hết, việc chọn thời gian về đêm để làm việc hoặc học tập sẽ đem lại hiệu quả cao gấp 1,5 – 2 lần so với khi não bộ làm việc vào buổi sáng.

Trường hợp khác là bạn Huỳnh Thị Thanh Cúc hiện đang làm công việc viết content. Với bạn ban đêm là thời gian thích hợp để bạn có thể tập trung sáng tạo, suy nghĩ ra được nhiều ý tưởng hay để làm việc. Làm “cú đêm” giúp cô giải quyết công việc hiệu quả hơn hẳn so với ban ngày.

Nhưng không phải lúc nào cứ làm “cú đêm” cũng sẽ mang lại kết quả tốt, trừ khi các bạn có một thể trạng tốt. Chuyện gì cũng sẽ có hai mặt của nó, tuy rằng việc thức khuya làm “cú đêm” sẽ đem lại cho chúng ta những hiệu suất cao hơn so với khi làm việc bên ngoài. Nhưng nếu số lượng ngày làm “cú đêm” càng lúc càng dày đặc thì nó sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Thức khuya gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe

Ban đêm là lúc để cơ thể nghỉ ngơi nhưng một số người vẫn thức khuya để cố hoàn thành công việc, điều này lâu dài dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Theo bác sĩ Trần Duy Quang ở bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chia sẻ, nhiều người muốn tận dụng sự yên tĩnh vào ban đêm để tập trung làm việc. Nhưng việc này sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cụ thể nếu thức khuya sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thiếu máu não. Bên cạnh đó, những người thường xuyên thức khuya thường có thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc là, nước uống chứa caffein để tỉnh táo, nếu tình trạng thức khuya kéo dài sẽ dễ gây nên những bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch.

Nếu do đặc thù công việc, ngành học mà bắt buộc phải thức khuya thì bạn nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống đủ nước và đặc biệt là phải dành thời gian ngủ bù để cơ thể lấy lại sức. Khi làm việc vào ban đêm cũng không nên ngồi một chỗ mà thỉnh thoảng nên vận động nhẹ.