ĐỜI SỐNG

Tạo không gian ấn tượng với những điểm nhấn

Bài và ảnh: Hà Thành • 16-10-2023 • Lượt xem: 1872
Tạo không gian ấn tượng với những điểm nhấn

Trong mỗi ngôi nhà, mỗi không gian thường có một hay vài điểm nhấn. Đó là điều thường thấy, cũng như một sự trang điểm để cho ngôi nhà, không gian đó đẹp hơn, bắt mắt và duyên dáng hơn. Điểm nhấn đó có thể là hình khối, đường nét, chất liệu hay là màu sắc.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển đa dạng của vật liệu, đặc biệt là sơn tường và các loại vật liệu trang trí hoàn thiện khác, việc “nhấn” được chú trọng hơn và thực hiện cũng mạnh mẽ hơn. Những ngôi nhà hiện đại ở đô thị có một xu hướng dùng điểm nhấn “nóng” – là việc sử dụng các màu nóng, cụ thể là các màu đỏ, màu cam. Những điểm nhấn “nóng” này thực sự gây ấn tượng, cuốn hút thị giác và tạo nên sự mới mẻ, mạnh mẽ cho những không gian trong ngôi nhà.

Nhấn “nóng” ở đâu?

Xét về không gian, thì nhấn “nóng” ở đâu cũng được; có thể là ở sảnh, ở phòng khách, phòng bếp, khu vực cầu thang, trong phòng ngủ hay thậm chí cả trong phòng vệ sinh. Còn xét về vị trí cụ thể thì vị trí nhấn phải ở những chỗ “đắc địa” có thể tôn cho không gian đẹp thêm, nhấn mạnh những ý đồ hình khối, mảng miếng, vị trí chức năng trong không gian nội thất. Điểm nhấn “nóng” có thể ở trên trần hoặc trên các diện - mảng tường. Đó có thể là một mảng cột - dầm kết cấu, một khối kiến trúc, một khối tường xây, mảng tường sau kệ tivi, mảng tường ở đầu giường phòng ngủ… hay trang trí trong giếng trời…

Điểm nhấn ở khoảng thông tầng ngay cửa vào, làm mảng tường lớn bớt đơn điệu.

Nhấn mạnh mẽ tạo nên một ranh giới, như một chiếc cổng đón lên lầu

Nhấn “nóng” bằng giấy dán tường ở phía kệ tivi phòng khách

Khối phòng vệ sinh cạnh giếng trời xuyên suốt mấy tầng nhà

Điều cần lưu ý là điểm nhấn phải ở vị trí… xứng đáng là điểm nhấn, dễ nhìn, dễ thấy, không hoặc ít bị che khuất, nhận được ánh sáng đủ để “lên”màu đẹp, chuẩn.

Nhấn “nóng” bằng chất liệu gì?

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu hoàn thiện; có rất nhiều loại vật liệu có đa dạng về màu sắc – trong đó có những màu nóng, màu đỏ - cam; mà tiêu biểu là sơn tường (sơn nước). Ngoài sơn nước, các loại vật liệu khác cũng có màu nóng như sơn dầu (dùng cho sơn gỗ, sơn kim loại), các loại gạch ốp lát, giấy dán tường, kính trang trí, tấm nhôm ốp (aluminum composite)… Các hãng sơn có thể cung cấp tới hàng nghìn màu sắc và chỉ riêng dải màu nóng cũng tới hàng trăm màu, biến thiên qua các sắc độ và sắc tố, cho các nhà thiết kế và khách hàng thoải mái lựa chọn. Các loại vật liệu khác bảng màu có ít hơn hoặc giới hạn trong một số mẫu có sẵn song cũng đủ để làm điểm nhấn “nóng” trở nên đa dạng về chất liệu và phù hợp với từng vị trí công năng của ngôi nhà.

Mảng nhấn lớn ở trên, và các điểm nhấn nhỏ phụ họa linh hoạt ở dưới bằng đồ đạc, ghế, thảm…

Nhấn từ tường và đồ nội thất với chất liệu kính, gỗ, và nhắc lại trên trần bằng những điểm nhỏ bằng chất liệu sơn

Mảng nhấn bếp giữa tủ trên và tủ dưới bằng kính màu

Ngoài các chất liệu được lựa chọn và chủ động trong thiết kế - thi công thì cũng có thể nhấn “nóng” bằng các chất liệu khác ở công đoạn bố trí - sắp đặt nội thất. Các đồ gia dụng được bán sẵn trên thị trường cũng có rất nhiều gam màu nóng để nhà thiết kế có thể chủ động lựa chọn, hoàn thiện ý đồ thiết kế của mình. Ví dụ như các loại bàn, ghế, đèn… bán sẵn, có màu đỏ, màu cam có thể sử dụng như một điểm nhấn trang trí bên cạnh chức năng sử dụng. Chất liệu của các đồ này là nhựa tổng hợp, da, vải… Một số thiết bị của một số hãng cũng được thiết kế với những màu nóng, như một thứ đồ trang trí, như tủ lạnh, lò vi sóng, lò nướng, bình nước nóng… mà nếu khéo sử dụng, đặt đúng chỗ cũng là những điểm nhấn “nóng” trong các không gian của ngôi nhà. 

Nhấn “nóng” như thế nào?

Một trong những nguyên tắc cơ bản là điểm nhấn thì phải tiết chế, vì nếu tràn lan ra sẽ không phải là điểm nhấn nữa. Nhấn “nóng” càng phải tiết chế và phù hợp với không gian, các điều kiện có liên quan như khoảng cách, tỷ lệ, diện tích, vị trí, chất liệu, màu sắc cụ thể… Ngoài ra còn phải lưu ý tới tâm sinh lý của người sử dụng trong đó. Một ngôi nhà có nhiều người, có thể có người thấy đỏ là đẹp và hoàn toàn dễ chịu, nhưng người khác lại thấy nhức mắt, bức bối. Nếu mảng nhấn lớn (theo kiến trúc - nội thất) thì có thể cần điều chỉnh màu sắc - vẫn là màu đó nhưng sắc tố, cường độ màu giảm đi. Hoặc điểm nhấn “nóng” nếu ở nơi ánh sáng chiếu trực tiếp, thường xuyên thì không nên sử dụng chất liệu bóng phản quang - dễ gây chói lóa, khó chịu.

Hiện đại, và cổ điển với mảng nhấn sau lưng bộ sofa

Nhấn ở đầu giường ngủ bằng giấy dán tường. Màu mạnh nhưng được cân bằng bởi các màu trắng và nâu sẫm xung quanh

Cho giếng trời thêm sinh động.

Màu nóng (màu đỏ, màu cam) gây ấn tượng mạnh với thị giác và cảm xúc con người. Trong một khoảng thời gian ngắn, phạm vi hẹp thì có thể tạo cảm giác vui tươi hưng phấn. Song nếu nhìn lâu hoặc mảng nhấn quá lớn, màu quá tươi thì sẽ gây tâm lý bức bối như đã nói. Vì thế cần phải cân bằng lại tương quan màu bằng những màu khác nhẹ nhàng. Tốt nhất là điểm nhấn “nóng” đặt trên nền màu sáng, kết hợp với một số màu trung tính, sắc tố nhẹ/yếu như các màu trắng, đen, xám, nâu. Cần tránh tối đa việc sử dụng quá nhiều màu, với các màu cũng mạnh ở tông màu khác.

Nhấn trên cánh tủ bằng chất liệu sơn trên gỗ

Nhấn bằng mảng rèm cửa cho phòng trẻ em

Mảng nhấn “nóng” bằng đèn có chụp đỏ. Rất đơn giản, linh hoạt và vẫn hiệu quả.

Nhấn “nóng” có thể “chơi” cả mảng khối lớn, cũng có thể là những điểm xuyết nho nhỏ; đều tạo nên hiệu quả. Lý thuyết là vậy, nhưng đẹp hay không là do kiến trúc sư và cả sự… mạnh dạn của chủ nhà.