ĐỜI SỐNG

Tạp hóa xanh tạo việc làm trên tinh thần vì cộng đồng

Võ Hoàng Anh Thư • 05-10-2022 • Lượt xem: 544
Tạp hóa xanh tạo việc làm trên tinh thần vì cộng đồng

Trong những năm gần đây, lựa chọn lối sống xanh đang là xu hướng được rất nhiều người hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt là giới trẻ. Bên cạnh rèn luyện những thói quen tốt cho môi trường, nhiều người cũng chọn sử dụng những sản phẩm xanh từ chất liệu tái chế, dễ phân hủy. Đó cũng là một trong những lý do để tiệm tạp hóa xanh Limart - Zero waste của chị Phạm Kim Hằng ra đời để lan tỏa hơn nữa lối sống xanh đến cộng đồng và tạo thêm việc làm cho người yếu thế.

Theo nhiều thống kê cho biết, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng hơn 30 tỉ túi nilon, nhưng chỉ 17% trong số đó được tái chế đúng quy trình. Bạn có biết, những chiếc túi nilon đã qua sử dụng tưởng chừng bỏ đi lại hoàn toàn có thể tạo ra những chiếc túi xách, hay những chiếc đế ly xinh xắn và nhiều nhiều những món đồ hữu dụng khác.

Đây đều là tâm huyết của chị Phạm Thị Kim Hằng, 28 tuổi ở TP.HCM. Chị Hằng tốt nghiệp Học viện Hàng không, năm 2019, chị đã chọn từ bỏ công việc trợ lý giám đốc với mức lương khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng để bắt đầu theo đuổi giấc mơ xây dựng nên một tiệm tạp hóa xanh cho riêng mình. Giấc mơ này bắt đầu từ mong muốn được sử dụng các sản phẩm xanh và đau đáu vấn nạn ô nhiễm môi trường vẫn còn nhức nhối. Chị Hằng cho biết, thời gian đầu khi mới thành lập dự án này chị đã gặp không ít khó khăn. Thời điểm đó, chị đã nhận được lời mời làm việc tại nước ngoài với mức lương cao hơn, nhưng chị vẫn chọn từ chối để tiếp tục theo đuổi mục tiêu bản thân ấp ủ. Chị cũng cho biết những áp lực của thương trường hay gánh nặng kinh tế không làm chị đắn đo bằng việc tạo dựng niềm tin cho những người thân xung quanh mình. Vì thời điểm đó, sống xanh vẫn còn là cái gì đó khá mới mẻ nên, để thuyết phục gia đình tin vào những điều chị đang làm là rất khó, và chị không muốn những người thân phải buồn hay thất vọng về mình.

chân dung chị phạm kim hằng

Nói về lý do chọn các bạn khuyết tật để đồng hành cùng mình trên hành trình lan tỏa lối sống xanh, chị Hằng chia sẻ rằng chính cha ruột của chị cũng là một người khiếm thị, chị hiểu được nỗi đau những người khuyết tật như cha mình phải chịu không hoàn toàn là nỗi đau của thể xác, mà đó còn là nỗi đau trong chính tinh thần. Những ngày tháng ấu thơ sống cùng cha, chị cũng nhiều lần bị bạn bè trêu chọc. Chính những lý do ấy đã thúc đẩy chị phải làm một điều gì đó để thay đổi hình ảnh người khiếm thị nói chung và người khuyết tật nói riêng trong mắt cộng đồng. Chị cho biết mặc dù nhân viên của chị là các bạn khiếm thị, nhưng mọi người đều có thể sử dụng các thiết bị thông minh như laptop, điện thoại thông minh để liên hệ với khách hàng và giải quyết các công việc khác, các bạn có thể tự duy chuyển bằng xe buýt và sinh hoạt bình thường như tất cả mọi người, điều mà xã hội luôn cho là không thể khi nói đến những người khiếm khuyết.

Ở tiệm tạp hóa xanh của chị Kim Hằng hiện nay có cả các bạn khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động,… từ khâu sản xuất sản phẩm, thiết kế hình ảnh cho đến trả lời tin nhắn khách hàng. Tất cả các bạn khuyết tật đều được trả mức lương cơ bản từ 5 triệu đồng cho nhân viên đang học việc và 12 triệu đồng mỗi tháng đối với nhân viên chính thức. Tuy vậy, để có thể đào tạo và xây dựng một đội ngũ các bạn khuyết tật như hiện nay cũng từng là một thách thức đối với chị Hằng. Vì người khuyết tật thường không cởi mở, lại rất tự ti, luôn mang tâm thế phòng vệ với người lạ, nên để trò chuyện và giúp họ mở lời là không dễ. Chị Hằng đã chọn cách kiên nhẫn, từ tốn, nhẹ nhàng cầm tay chỉ việc để giúp họ mở lòng và tiếp tục đồng hành cùng Limart. 

Tập thể nhân viên limart

Đến nay, tạp hóa xanh của chị Kim Hằng đã có hơn 200 sản phẩm với 50% sản phẩm Limart tự nghiên cứu sản xuất và 50% sản phẩm nhập từ các nguồn hàng bên ngoài. Tuy nhiên mục tiêu chị Hằng đặt ra trong tương lai phải là 30% sản phẩm nhập bên ngoài và 70% sản phẩm tự sản xuất. Các sản phẩm tập trung vào ba mảng chính gồm chăm sóc cơ thể là các sản phẩm như tẩy trang, nước hoa, dầu gội thiên nhiên,… chăm sóc nhà cửa như tô chén, nước rửa chén, nước lau nhà,… những món quà lưu niệm xinh xắn như sổ tay, bút viết, túi xách,… Đây hoàn toàn là các sản phẩm xanh được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên hoặc tái chế từ túi nilon để giảm thiểu rác thải ra môi trường.

túi dệt từ nilon

nước hoa khô thuần chay

nến thơm từ sáp đậu nành

Nhằm tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu đầu vào để tiếp tục tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, chị Hằng cùng cả nhóm đã tổ chức nhiều chiến dịch như đổi nilon lấy nông sản,… vừa có thêm nguyên liệu là những chiếc túi nilon được mọi người mang đến, vừa giúp tạp hóa xanh của chị được biết đến nhiều hơn.

chiến dịch đổi nilông lấy nông sản

Hiện nay, tạp hóa xanh Limart - Zero waste đã có ba chi nhánh ở TP.HCM với trạm chính đặt tại đường Nguyễn Trãi, quận 1. Chị Hằng mong muốn trong tương lai, mô hình tạp hóa xanh của chị sẽ có thêm nhiều chi nhánh ở khắp cả nước để tiếp tục chung tay nhân rộng lối sống xanh và trao đi thêm nhiều mầm thiện trong cuộc sống.