Theo Forbes, giọng ca “You Belong With Me” vừa trở thành tỷ phú mới nhất của nước Mỹ, với khối tài sản ước tính trị giá 1,1 tỷ USD. Nhưng điều khiến thành tích của nữ ca - nhạc sĩ 33 tuổi trở nên khác biệt là cách mà cô xây dựng “đế chế” của mình.
Theo đó giá trị tài sản ròng của Taylor Swift phần lớn không xuất phát từ những hoạt động kinh doanh kiếm lời thường thấy, như đến từ các thương hiệu làm đẹp, sản phẩm thời trang, đầu tư vào nước hoa, rượu vang… vốn là con đường điển hình để các nghệ sĩ giải trí trở thành tỷ phú trong những năm gần đây.
Chẳng hạn rapper và nhà sản xuất âm nhạc Jay-Z từ lâu lọt vào danh sách tỷ phú nhờ một phần lớn vào thương hiệu rượu Armand de Brignac và D'usse, các công ty giải trí Tidal và Roc Nation cũng như cổ phần mà anh sở hữu trong Uber. Rihanna cũng tương tự thế, với thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty và thương hiệu thời trang Savage X Fenty nổi tiếng.
Với Taylor Swift, thành tích của cô đạt được phần lớn nhờ vào âm nhạc. Theo các phân tích, khối tài sản hơn 500 triệu USD của Swift đến từ tiền bản quyền âm nhạc và các chuyến lưu diễn. Cô đã kiếm được khoảng 190 triệu USD (sau thuế) từ giai đoạn đầu của chuyến lưu diễn quốc tế "The Eras Tour".
Tour diễn nói trên cũng đã mang đến 92,8 triệu USD trong tuần đầu công chiếu bộ phim âm nhạc "Taylor Swift: The Eras Tour" ghi lại hình ảnh các đêm diễn này. Doanh thu này cũng được dự đoán sẽ không ngừng tăng, khi từ ngày 3.11 tới, nhiều thị trường sẽ bắt đầu công chiếu bộ phim nói trên, trong đó có cả Việt Nam.
Theo Bloomberg, "The Eras Tours" đã mang đến doanh thu gần 4,3 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Nó cũng tạo nên một cơn địa chấn xét về kinh tế ở cả quê nhà cũng như những nước cô đã đi qua.
Ngoài số tiền trên, một nửa doanh thu còn lại đến từ “thư viện” âm nhạc của cô. Tuy bản gốc của 6 album đầu tiên đã bị Scooter Braun mua lại trong năm 2019, thế nhưng nữ ca sĩ cũng đang giành quyền làm chủ các master của mình, bằng việc thu lại các album này và cho ra mắt phiên bản "(Taylor’s Version)" của riêng mình.
Sau sự kiện đó, nữ ca sĩ cũng chia tay Big Machine Label Group để gia nhập vào Republic Records của Universal Music Group. Được biết thỏa thuận mới này đem về cho cô quyền sở hữu hoàn toàn cho các sáng tác và bản ghi âm của mình.
Kể từ khi đổi hãng đĩa, Taylor đã phát hành 4 album mới là "Lover", "Folklore", "Evermore" và "Midnights", đồng thời thu âm lại 4/6 các album cũ đã bị chiếm dụng bản quyền. "1989 (Taylor’s Version)" vừa được phát hành vào cuối tuần rồi, và là bằng chứng cho thấy Taylor đang muốn đẩy nhanh tiến độ phát hành các bản tái thu âm, mở đường cho các dự án và đĩa nhạc mới.
Cuối tuần trước đó, bộ phim âm nhạc của nữ ca sĩ cũng đã đánh bại tác phẩm "Killers Of The Flower Moon" (tựa Việt: "Vầng trăng máu") của đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese. Tại Việt Nam, tuy mới mở bán số vé đặt trước, thế nhưng tác phẩm nói trên cũng đã thu được gần 3 tỷ đồng.
Những tiết lộ này được Bloomberg lưu ý là những đánh giá “thận trọng”, chỉ dựa trên “tài sản và thu nhập có thể được xác nhận hoặc truy tìm được từ các số liệu được tiết lộ công khai”.
Ngoài những số liệu nói trên, con số này cũng bao gồm giá trị ước tính 5 ngôi nhà của nữ ca sĩ (110 triệu USD), thu nhập từ các giao dịch phát trực tuyến (120 triệu USD từ YouTube và Spotify), doanh thu âm nhạc (80 triệu USD), vé hòa nhạc và vật phẩm cho người hâm mộ (370 triệu USD)…
Tờ báo này cũng ca ngợi: “Taylor Swift đã phát triển bản thân từ một hiện tượng nhạc pop – country tuổi teen trở thành người nổi tiếng nhất thế giới, trong khi vẫn duy trì hình ảnh một cô gái nghiêm túc với cây đàn guitar, bất chấp cỗ máy kinh doanh đằng sau cô ấy”.
Bloomberg cũng đã dự đoán về thu nhập trong tương lai của Taylor Swift với một bức tranh tài chính vô cùng sáng lạng, dựa trên giá trị danh mục âm nhạc của cô. Họ lưu ý rằng số tiền bản quyền trong tương lai gần có thể đạt tới 1 tỷ USD, và là mức giá đạt đến kỷ lục so với hầu hết các đồng nghiệp của nữ ca sĩ.