ĐỜI SỐNG

Tết là ngày nói lời hay ý đẹp, cần tránh những câu hỏi khó cho nhau

Hoa Vũ • 05-01-2023 • Lượt xem: 1033
Tết là ngày nói lời hay ý đẹp, cần tránh những câu hỏi khó cho nhau

Tết là dịp gia đình sum vầy bên nhau cùng chúc nhau sức khỏe, tốt đẹp, mong muốn mọi điều suôn sẻ trong năm mới. Bởi vậy, việc giao tiếp hay trò chuyện với những người xung quanh cũng trở nên tất yếu và cần có sự khéo léo để tránh những chủ đề tranh cãi, gây tổn thương cho người nghe, cũng như tránh khơi gợi những ký ức buồn là điều mà những người nhạy cảm về mặt cảm xúc không đề cập đến trong dịp Tết.

Người sáng lập Trường Nghi thức xã hội Beaumont New York, Myka Meier nói rằng những cách giao tiếp tốt sẽ giúp người khác thoải mái và có cảm giác được tôn trọng. “Vì vậy, trước khi hỏi hãy nghĩ đến người được hỏi sẽ cảm thấy thế nào, cũng như biết cách né tránh những chủ đề khiến họ không thích hay có cảm giác bị phán xét và gây ra những sự hiểu lầm không đáng có, nhất là đối với dịp lễ Tết”.

Sau đây, là những chủ đề cần tránh hỏi vào dịp lễ Tết.

Tình hình tài chính

Các vấn đề tài chính như tài sản, lương thưởng đã làm được bao nhiêu hay tích lũy được bao nhiêu, đã làm tròn trách nhiệm với bố mẹ chưa,... là những điều cần tránh đề cập đến trong dịp lễ Tết. Trong nền kinh tế xã hội khó khăn như hiện nay, đề cập đến vấn đề này sẽ khiến người được hỏi hay người nghe họ sẽ tỏ ra những thái độ khó chịu, gay gắt hay trả lời trong trạng thái chán nản bi quan.

Thay vì đề cập đến vấn đề về tài chính, hãy tinh tế quan sát cách những người xung quanh nói chuyện với nhau và nhìn những thứ tài sản vật chất đang sở hữu của đối phương bạn sẽ biết tài chính của họ thể nào.

Công việc

Đi làm cả một năm mong đợi dịp lễ Tết để có thể nghỉ ngơi, thoải mái gác lại những bộn bề trong công việc. Nên những người đi làm không thích bị hỏi về công việc ngoài giờ hành chính hay các dịp lễ Tết, vì đây được xem là khoảng thời gian để họ được nghỉ ngơi, thư giãn và tái tạo lại năng lượng sau những ngày mệt mỏi với những dự án, công việc của mình để chuẩn bị cho những mục tiêu khác trong năm mới. Vậy nên, đừng làm phiền đến người khác với những câu hỏi thiếu tinh tế như tương lai có thăng tiến không? Vị trí hiện tại là gì? Hay câu hỏi thường gặp nhất là công việc đó kiếm được nhiều tiền không?... Thay vì hỏi những câu hỏi đó bạn có thể hỏi về những đặc thù trong nghề nghiệp của họ hay nghe họ chia sẻ về những thành tựu họ đã đạt được trong năm qua.

Còn với những trường hợp bị thất nghiệp, bạn nên tránh hỏi họ về lí do nghỉ việc. Trường hợp bạn không chắc lắm về đối phương đã nghỉ việc hay còn đi làm, thì chỉ nên hỏi tình hình công việc và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Bạn cũng có thể quan sát họ trước khi hỏi bởi vì nét mặt là điều có thể dễ nhìn ra nhất.

Khơi gợi lại quá khứ

Những cuộc gặp gỡ trong dịp cuối năm hay trong dịp Tết, những người xung quanh thường sẽ có hướng nhắc đến những kỷ niệm cũ để nhìn nhận lại, những khoảnh khắc đầy cảm xúc mà họ đã từng trải qua. Ngoài những kỷ niệm đẹp, thì những ký ức không tốt hoặc xấu hổ cũng sẽ được nhắc tới như những điều làm sai, bị thầy giáo phạt, tỏ tình thất bại, những lần bị miệt thị ngoại hình, bị bạn bè bắt nạt hay có những câu chuyện từ lúc bé như tè dầm cũng bị đưa ra làm thú vui thay vì cần được “giữ bí mật”.

Những người xung quanh có thể cảm thấy những điều này thú vị và buồn cười cũng như phán xét, nhưng với những người là “nhân vật chính” của câu chuyện đó thì chưa chắc đã thấy như thế. Bởi vậy, trước khi nói về những vấn đề này cần suy xét kỹ lưỡng, vì nó có thể gây nên những điều bất hoà giữa những người xung quanh với nhau.

Tết là ngày mà chúng ta nên dành cho nhau những lời nói gợi lên sự may mắn, nhẹ nhàng - Hình minh họa

Gia đình và các mối quan hệ

Các câu hỏi về kết hôn, sinh con của những người xung quanh, đặc biệt là họ hàng luôn là những câu hỏi gây khó chịu đối với thế hệ trẻ. Vì những dạng câu hỏi thế này thường gây cho họ sự khó chịu, nhưng luôn tìm cách để trả lời để không bị đánh giá là thiếu lịch sự. Mặc dù đây là những điều không mới, nhưng nó cũng tạo ra sự khó chịu khi được hỏi, gây ra áp lực và được xem là lí do để người trẻ có xu hướng trốn tránh các cuộc gặp mặt gia đình nhất là vào dịp lễ Tết.

Để tránh những chủ đề này và gặp gỡ gia đình họ hàng trở nên thú vị hơn trong dịp Tết thì có thể hỏi những người còn đang độc thân về sở thích cá nhân, thành tựu trong công việc, đã đi du lịch những đâu hay là những lợi ích của việc độc thân. Còn với những người đã có đôi có cặp thì hãy gợi ý để họ chia sẻ về nửa kia của mình hay những dự định sắp tới cho năm mới.

Những câu hỏi kiểu "truy vấn" khiến người nghe khó chịu - Hình minh họa 

Ngoại hình

Với những người có cảm giác luôn tự ti về ngoại hình của mình, thì đây đúng là chủ đề khiến cho họ tổn thương ví dụ như: béo, gầy, mặt bị mụn... Để từ đó họ có xu hướng ghét những người hỏi. Bởi vì mỗi người sinh ra không ai là hoàn mỹ cả. Vậy nên để bạn tránh biến mình thành kẻ vô duyên trong mắt đối phương cũng như những người xung quanh trong dịp lễ Tết, hãy đặt những câu hỏi về động lực để duy trì sự kiên trì của đối phương, chế độ tập luyện và cách ăn uống khoa học hoặc về cách phối đồ.

Dịp lễ Tết để là để mọi người có thể quây quần bên nhau vậy nên hãy chú ý đến những điều mình nói để tránh ảnh hưởng đến cảm xúc của những người xung quanh cũng như bản thân mình.