ĐỜI SỐNG

Thảm họa 'sóng thần trên cạn' đe dọa cuộc sống của hàng triệu người

Võ Hoàng Tuấn • 13-02-2023 • Lượt xem: 824
Thảm họa 'sóng thần trên cạn' đe dọa cuộc sống của hàng triệu người

Sự biến đổi khí hậu đã làm cho nhiệt độ Trái Đất nóng dần lên, dẫn đến việc các con sông băng lớn trên thế giới bắt đầu tan chảy với tốc độ báo động. Theo các chuyên gia, nếu những con sông băng lớn vỡ ra sẽ gây ra thảm họa “sóng thần trên cạn” đe dọa đến cuộc sống của hàng triệu người, đặc biệt là những người dân sống ở hạ nguồn và gần khu vực sông băng.

Mối nguy hiểm từ sông băng tan chảy

Hiện tượng các con sông băng trên thế giới tan chảy được gọi là vỡ hồ sông băng. Các chuyên gia khuyên người dân không nên chủ quan vì đây là hiện tượng hết sức nguy hiểm. Vỡ hồ sông băng cũng giống như một con đập đột ngột bị vỡ sẽ tạo nên “sóng thần trên cạn”. Sông băng có thể bị vỡ bất kỳ lúc nào tạo nên những “cơn sóng thần” mà không có dấu hiệu nào có thể nhận biết trước. Những vụ vỡ hồ sông băng trước đây đã hủy hoại những tài sản, cơ sở hạ tầng và lấy đi mạng sống của hàng nghìn người sống trong khu vực gần hồ băng.

Theo thông tin từ tờ Nature Communications, những người dân sống trong khu vực bán kính 50 km sẽ phải đối mặt với hiểm họa vỡ hồ sông băng. Hiện nay, đa phần các con sông băng lớn đều nằm ở các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Peru và Pakistan. Trong đó, dãy núi Cordillera Blanca ở Peru là khu vực được các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ vỡ hồ sông băng cao nhất. Trong quá khứ, khu vực này đã từng xảy rất nhiệu vụ vỡ hồ sông băng, tuyết lở khiến hơn 15.000 thiệt mạng.

Sông băng tan chảy do khủng hoảng khí hậu

Những khu vực có nguy cơ đối mặt “sóng thần trên cạn”

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, người dân ở các nước Nepal, Pakistan và Kazakhstan nằm ở khu vực High-Mountains Asia có nguy cơ đối mặt với thảm họa vỡ hồ sông băng lớn nhất do vị trí họ sống rất gần với hồ sông băng.

Ngoài ra, các quốc gia Peru và Bolivia nằm ở dãy Andes cũng nằm trong khu vực “báo động đỏ”. Trong vòng hai thập kỷ qua, rất nhiều con sông băng lớn tại đây đã tan chảy do khủng hoảng khí hậu.

Vùng Alps châu Âu và khu vực Bắc Mỹ tuy cũng có nhiều hồ sông băng nhưng do không có nhiều người dân sinh sống gần khu vực hồ băng nên hai vùng này được đánh giá là có “điểm nguy hiểm thấp”.

Vỡ hồ sông băng là hậu quả nghiêm trọng của việc khủng hoảng khí hậu. Các chuyên gia cho rằng, nếu nhiệt độ Trái Đất có giảm đi chăng nữa thì đến cuối thế kỷ này, hơn một nửa số sông băng trên hành tinh này sẽ biến mất.

Hiện nay, các chuyên gia vẫn đang nỗ lực nghiên cứu, xác định xem khu vực nào có nguy cơ đối mặt với vỡ hồ sông băng, để các quốc gia trong khu vực đó có những biện pháp phòng chống và cảnh báo về sự nguy hiểm của thảm họa này cho người dân trong khu vực biết.