ĐỜI SỐNG

Tham quan thị trấn Whittier, nơi người dân sống chung trong một tòa nhà

Lan Hương • 14-09-2023 • Lượt xem: 2422
Tham quan thị trấn Whittier, nơi người dân sống chung trong một tòa nhà

Có một điều đặc biệt ở Whittier mà ai nghe tới cũng đều cảm thấy thú vị, đó chính là việc người dân ở đây đều sống chung trong một tòa nhà. Tòa nhà lại giống như một thành phố thu nhỏ khi sở hữu đầy đủ các yếu tố cần thiết như sở cảnh sát, bệnh viện, bưu điện… và cả bể bơi.

Whittier là một thị trấn cảng nhỏ và hẻo lánh trên vùng duyên hải của eo biển Prince William ở bang Alaska của Mỹ, thời tiết ở đây khắc nghiệt quanh năm. Tuy nhiên nơi đây được biết đến như một điểm du lịch thú vị, một nơi kỳ thú cho những ai thích khám phá. Cái tên Whittier xuất phát từ dòng sông băng gần đó, và con sông này lại được đặt theo tên của nhà thơ người Mỹ - John Greenleaf Whittier.

Bến cảng Whittier

Whittier là một thị trấn chứa nhiều điều thú vị

Thị trấn Whittier gần như bị cô lập với các vùng còn lại của Alaska khi nó bị tách rời bởi nhiều ao hồ và những dãy núi lớn. Nếu bạn đang tưởng tượng rằng người dân ở đây sống tụm lại trong các ngôi nhà nhỏ tạo thành khu dân cư đông đúc thì sự hình dung này lại khác xa thực tế tại đây. Cư dân thị trấn Whittier không sống riêng lẻ mà quây quần trong một tòa nhà cao 14 tầng có tên Begich Tower (BTI). Và hầu hết mọi người khi dọn vào ở trong đó, hiếm có ai bước chân ra khỏi tòa nhà.

Thời tiết ở Whittier vô cùng khắc nghiệt, từ năm này qua năm khác cư dân sẽ trải qua 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa đông với tuyết và gió lạnh. Gió mùa đông ở đây có thể thổi mạnh đến vận tốc 128km/giờ và tuyết phủ dày lên tới 6 – 7 mét. Việc đi lại là rất khó khăn vì thế không có gì ngạc nhiên khi bạn đến Whittier vào mùa đông mà chẳng thấy ai trên đường phố.

Thời tiết ở Whittier vô cùng khắc nghiệt

Được biết sau trận chiến Trân Châu Cảng, quân đội Mỹ đã dựng nên Whittier như một căn cứ quân sự nhưng nó đã bị đóng cửa và trở nên hoang phế vào cuối những năm 1950 khi cắt giảm quốc phòng. Nhiều năm sau đó, nơi này được hợp nhất thành một thành phố và Whittier bắt đầu hồi phục vào cuối những năm 1980.  

Dân số tại thị trấn này vào 2015 ước tính khoảng 214 người, do cùng chung sống trong một tòa nhà nên dân cư ở đây gắn bó như gia đình của nhau và sẵn sàng chia sẻ thực phẩm, vật dụng và quan tâm nhau mỗi khi đau ốm. Hầu như người dân chẳng phải đi đâu khi mọi thứ mà người ta cần cho cuộc sống đều tập trung ở đây như cửa hàng, quán cà phê, thư viện, đồn cảnh sát, nhà thờ, văn phòng làm việc… hay bệnh viện. Cũng vì thế mà người ta gọi tòa nhà như một “thành phố thu nhỏ” hay “thị trấn trong một tòa nhà”.

Tòa nhà Begich, nơi được người ta gọi là “thành phố thu nhỏ” hay “thị trấn trong một tòa nhà”.

Thị trấn Whittier nổi tiếng là nơi có đồn cảnh sát nhỏ nhất nước Mỹ với một cảnh sát trưởng và hai sĩ quan cảnh sát. Người dân có thể đi dép lê đến chỗ làm bởi công ty chỉ cách nhà của họ ở vài bước chân hay vài tầng thang máy. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trong tòa nhà cao 14 tầng bằng cách bấm các nút khác nhau của thang máy mà thôi.

Trẻ em đến trường cũng không phải bước ra ngoài vì trường học được nối với tòa nhà thông qua một đường hầm trong lòng đất. Giờ cao điểm ở đây bạn không lo phải đối mặt với việc kẹt xe, khói bụi mà là ùn thang máy, thang máy ở đây luôn dừng lại ở mỗi tầng một cách đều đặn.

Thú vị hơn cả, tòa nhà còn có khu vực dành cho khách du lịch. Hầu hết các căn phòng cho du khách đều hướng ra biển và được trang bị ống nhòm để dễ dàng quan sát cá voi bơi lội. Ở một số phòng bạn có thể nhìn ngắm đàn dê ăn cỏ trên sườn núi.

Thị trấn không dễ tiếp cận

Không phải lúc nào bạn cũng có thể vào được thị trấn bởi Whittier tương đối biệt lập, mọi người có thể đến đây bằng đường biển hoặc lái xe thông qua đường hầm xuyên núi dài khoảng 4km, đường hầm chỉ mở cửa đến 22 giờ 30 phút giờ địa phương.

Chỉ có một làn đường duy nhất ở đây và các phương tiện cũng chỉ được lưu thông một chiều, tuy nhiên đường hầm sẽ đổi chiều sau mỗi 30 phút. Bởi thế nếu muốn ra vào thị trấn, người dân cần sắp xếp công việc sao cho phù hợp với thời gian hoạt động của đường hầm.

Đường hầm xuyên núi kết nối thị trấn với thế giới bên ngoài

Có thể thấy rằng các cư dân ở đây đều nhận thức được nơi họ đang sống thực sự thú vị với người ngoài. Rất nhiều người yêu thích nơi này vì cuộc sống ở đây có được sự gắn kết mang tính xã hội, một số người lại gắn bó với nó vì đời sống ẩn dật và tách biệt. Một số người khác lại thấy cuộc sống khép kín lại trở thành vấn đề và học chuyển ra ngoài để có cảm giác thoải mái hơn.

Tuy nhiên với đông đảo du khách, điều thu hút mọi người khi đến đây chính là nét độc đáo rất riêng không nơi nào có được về nét sinh hoạt và những điều thú vị mà chỉ có Whittier mới đem đến cho họ.