ĐỜI SỐNG

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng ở Việt Nam

Lan Hương • 24-11-2022 • Lượt xem: 717
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng ở Việt Nam

Theo thống kê hiện nay, hơn nửa số người tiêu dùng Việt Nam đã sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến như ứng dụng chuyển tiền, ngân hàng trực tuyến, ví điện tử… để chi trả thay cho hình thức tiền mặt khi mua sắm.

Tiền mặt hiện nay không còn thống lĩnh toàn bộ thị trường khi thương mại điện tử phát triển và thanh toán số lên ngôi. Theo báo cáo ghi nhận từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, Việt Nam với lượng dân số trẻ và số người dùng internet đông đảo đang trở thành thị trường thương mại điện tử đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Các con số cho thấy Việt Nam hiện nay có số người dùng internet tăng nhanh qua từng năm và hiện tại chiếm khoảng 75 triệu người, trong đó rất nhiều người sẵn sàng tham gia mua sắm trực tuyến. Ước tính số người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam có thể chạm mốc 60 triệu, chiếm 74,8% số lượng người dùng internet.

Tính đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng 69,7% về số lượng và 27,5% về giá trị. Tương ứng với sự gia tăng của các hình thức quá internet, điện thoại di động, QR code… Tổng số ví điện tử được kích hoạt tăng 10,37% so với số liệu cuối năm 2021.

Hình thức thanh toán không tiền mặt đã mang đến nhiều lợi ích cho cuộc sống hiện đại. Nếu như bình thường chúng ta phải luôn mang theo tiền mặt khi đi mua sắm, ăn uống thì giờ đây bạn chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc chỉ với một tấm thẻ là đã có thể thanh toán được mọi thứ ở bất cứ đâu.

Các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng hay trung tâm mua sắm đều đã chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị cần thiết, phục vụ cho việc chi trả với nhiều phương thức khác nhau mà không cần tiền mặt. Việc này góp phần đơn giản hóa thanh toán, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người bán lẫn người mua.

Thanh toán không dùng tiền mặt vô cùng đa dạng

Có rất nhiều hình thức giao dịch diễn ra thông qua công nghệ thông tin không dùng tới tiền mặt hay tiền xu, bao gồm ví điện tử, ngân hàng điện tử, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, POS…

Thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng của các ngân hàng là hình thức được sử dụng phổ biến bởi nhiều lợi ích như thanh toán an toàn, thuận tiện. Người dùng có thể lưu thông tin trong các ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán một cách nhanh chóng. Ngoài ra thẻ ngân hàng còn được dùng để mua sắm qua mạng, thực hiện các giao dịch trực tuyến, thanh toán qua máy POS…

Ví điện tử hiện nay ngày càng đa dạng và phổ biến nhờ tính nhanh nhạy, thuận tiện và bảo mật. Nổi bật có thể kể đến như MoMo, Viettel pay, Zalo pay… Người dùng có thể nạp tiền vào ví bằng phương thức liên kết với tài khoản ngân hàng, chuyển tiền cho người khác thông qua số điện thoại, email hay mã QR. Ngoài ra còn có thể thanh toán trực tiếp qua app các dịch vụ như tiền điện, tiền nước hay nạp tiền điện thoại…

Mã QR cũng là một trong những phương thức thanh toán được ưa chuộng, chỉ cần quét mã qua điện thoại, người dùng đã trả tiền một cách nhanh chóng chỉ trong vòng vài giây.

Lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích lớn cho kinh tế xã hội cũng như cá nhân người tiêu dùng.

Việc chi trả không dùng tiền mặt giúp giảm thiểu chi phí trong việc in ấn, vận chuyển, kiểm soát và lưu trữ tiền của các cơ quan tài chính. Giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro như bị trộm tiền, tiền giả… Giảm lạm phát xảy ra khi đồng tiền mất giá, phòng chống rửa tiền hay giảm thiểu được các hành vi khủng bố.

Với người tiêu dùng, việc thanh toán sẽ vô cùng tiện lợi vì không phải đem theo tiền mặt để trả cho người bán. Nhờ đó có thể hạn chế được các rủi ro như rớt tiền, mất cắp…

Chỉ với vài thao tác đơn giản trên thiết bị điện tử là đã có thể thực hiện các giao dịch có giá trị, nhanh chóng và tiện lợi, kể cả khi khoảng cách người mua và bán xa nhau về vị trí. Ngoài ra người dùng không phải lo lắng đã thanh toán đúng và đủ tiền hay chưa vì các ứng dụng cho phép nhập số tiền chính xác đến từng đồng.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người dùng còn được trải nghiệm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, tiết kiệm từ mục đích kích cầu người tiêu dùng và mở rộng mạng lưới trên phạm vi toàn cầu.

Hưởng ứng mục tiêu thị trường không dùng tiền mặt, Chính phủ cũng đã đặt ra nhiều đề án nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt tăng gấp 25 lần GDP, 80% người dân từ trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch tại ngân hàng, tăng số điểm giao dịch không dùng tiền mặt lên hơn 450.000 điểm. Các chính sách nhằm gia tăng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và bắt kịp đà phát triển của thế giới.