ĐỜI SỐNG

Thiếu thuốc - bệnh nhân ung thư đứng trước nguy cơ 'ngàn cân treo sợi tóc'

Hoài Nhung • 26-07-2023 • Lượt xem: 6970
Thiếu thuốc - bệnh nhân ung thư đứng trước nguy cơ 'ngàn cân treo sợi tóc'

Các bệnh nhân ung thư đang phải đứng trước nguy cơ trì hoãn việc điều trị vì tình trạng thiếu thuốc trầm trọng trong nhiều năm tới. 

Mới đây, Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho biết đất nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị ung thư tồi tệ nhất trong lịch sử. Vấn đề này nếu không được giải quyết thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều trị ung thư của hàng ngàn bệnh nhân trên khắp đất nước. Không những vậy, việc thiếu thuốc còn gây trở ngại đối với các nghiên cứu y tế trong nhiều năm tới.

Chia sẻ với CNN, Viện Ung thư Quốc gia cho biết có ít nhất 174 trong số 608 thử nghiệm bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt này. Tuy nhiên, con số đó chưa kể đến nhiều thử nghiệm khác dựa trên các loại thuốc này hoặc các thử nghiệm mà những nhà nghiên cứu muốn bắt đầu nhưng không đủ điều kiện và khả năng.


Việc thiếu hụt thuốc trong điều trị ung thư đã gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bệnh nhân lẫn sự phát triển của y tế. 

Các chuyên gia cho biết, vì những lý do phức tạp nên nhiều loại thuốc trị ung thư đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trong nhiều năm. Hiện tại thì có ít nhất 25 loại đang bị thiếu hụt, theo Hiệp hội Dược sĩ Hệ thống Y tế Hoa Kỳ. Hai loại đặc biệt - Carboplatin và Cisplatin - có thể gây tổn hại nhất cho các nghiên cứu vì chúng được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Theo đó, Cisplatin là loại thuốc được kê đơn cho 10% đến 20% bệnh nhân ung thư. Vào năm 2016, khi Phó Tổng thống Joe Biden đưa ra Cancer Moonshot - liệu pháp miễn dịch dựa trên vắc xin chống lại bệnh ung thư, nghiên cứu tiên tiến này trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Nhưng với số lượng thuốc điều trị ung thư thiếu hụt kỷ lục, các nghiên cứu này trở nên vô cùng khó khăn. 

Quá trình điều trị bị ngưng trệ 

Tiến sĩ Shadia Jalal, phó giáo sư y khoa tại Khoa Huyết học/Ung thư của trường Y khoa IU chia sẻ: "Với tình trạng thiếu thuốc, các cuộc thử nghiệm gần như trở thành một nhiệm vụ bất khả thi". Tại Trung tâm điều trị ung thư Melvin và Bren Simon của Đại học Indiana, tiến sĩ Jalal đã giám sát một số thử nghiệm lâm sàng giúp cải thiện cơ hội đánh bại ung thư của bệnh nhân. Đồng thời, cô cũng chỉ đạo các ưu tiên nghiên cứu cho Mạng lưới Nghiên cứu Ung thư Hoosier, một tổ chức phi lợi nhuận độc lập chuyên về các thử nghiệm lâm sàng ung thư giai đoạn đầu. 

Tiến sĩ Mark Fleury, đại diện Mạng lưới Hành động vì Ung thư của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, một tổ chức phi lợi nhuận cho biết: "Chúng tôi đã nghe nói về việc các tổ chức đóng cửa, nhiều thử nghiệm lâm sàng mới liên quan đến tình trạng thiếu các loại thuốc đều tạm dừng. Rõ ràng, nếu bạn không tiếp tục thực hiện nghiên cứu về loại thuốc tốt nhất thì điều đó sẽ gây ra sự nguy hiểm đối với ngành Y tế trong vài năm tới"


Quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư có thể bị ngưng trệ thời gian dài. 

Dmitry Walker, đại diện WVU Medicine cho biết tổ chức của ông rất muốn cung cấp một thử nghiệm cho những người bị ung thư bàng quang bằng cách sử dụng Bacillus Calmette-Guérin (BCG), một phương pháp điều trị có triển vọng nhưng phải kéo dài nhiều năm. ''Chúng tôi thực sự không thể mở một thử nghiệm lâm sàng như vậy, bởi vì bạn phải đảm bảo rằng bạn sẽ có đủ chu kỳ điều trị cho họ. Và chúng tôi không nhận được đủ phân bổ từ nhà sản xuất thậm chí để đáp ứng nhu cầu thường xuyên của bệnh nhân'', Walker chia sẻ.  

Lý do thiếu hụt vẫn là ... một ẩn số 

Các loại thuốc mới thường không phải là vấn đề đối với các nhà nghiên cứu, bởi vì các công ty dược phẩm thường có thể cung cấp chúng. Vấn đề nằm ở các loại thuốc mà các nhà khoa học thường sử dụng để so sánh hoặc kết hợp với phương pháp điều trị mới. Chúng là những loại thuốc mà các bác sĩ hiện đang sử dụng để điều trị cho bệnh nhân và chúng thường là thuốc gốc.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 93% không thể tìm thấy đủ Carboplatin và 70% bị thiếu Cisplatin. Vào đầu tháng 6, chính quyền Biden đã làm việc với Trung Quốc về một khoản trợ cấp đặc biệt để nhập khẩu Cisplatin nhằm giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt, nhưng loại thuốc này vẫn nằm trong danh sách thiếu hụt của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). 


Bệnh nhân ung thư là đối tượng dễ bị tổn thương, chính vì vậy, mọi chính sách y tế đối với họ cần phải được quan tâm. Hiện tại, các cơ quan y tế  ở nhiều quốc gia đang cấp thiết cân nhắc, đưa ra những biện pháp kịp thời để có thể giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc điều trị. 

Bên cạnh đó, FDA đang hợp tác chặt chẽ với một số nhà sản xuất, đại lý và những người khác trong chuỗi cung ứng để giảm thiểu, ngăn chặn, và giảm tác động của việc thiếu nguồn cung. Cơ quan này cho biết họ cũng đang làm việc với chính phủ để tìm ra các chính sách tiềm năng có thể đảm bảo chất lượng trong điều trị ung thư.

Tình trạng điều trị ung thư ở Việt Nam 

Số ca mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng cao, đạt mức báo động. Hiện tại nhiều khó khăn trong nguồn cung như thuốc, trang thiết bị y tế là những rào cản lơn khiến bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ quá trình điều trị, dẫn đến bệnh ngày một nghiêm trọng hơn. Theo bác sỹ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết tình trạng cung ứng thuốc về Việt Nam khó khăn do dẫn đến thiếu thuốc nghiêm trọng. Một số thuốc ung thư thuộc loại hiếm. ''Việc không cung ứng kịp thời thuốc thường xuyên xảy ra, khiến bác sỹ phải thay đổi phác đồ điều trị cho bệnh nhân'', bác sỹ Thịnh thẳng thắn.

Nguồn: CNN.com