ĐỜI SỐNG

Thói quen dùng điện thoại gây nguy hiểm cho tim của bạn

Thiện Thuật • 25-07-2023 • Lượt xem: 801
Thói quen dùng điện thoại gây nguy hiểm cho tim của bạn

Trong một ngày, chúng ta thường dành nhiều thời gian để nói chuyện trên điện thoại di động. Nhưng chúng ta không biết rằng, số phút mọi người dành để nói chuyện trên điện thoại di động có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, càng nhiều phút đồng nghĩa với rủi ro cho sức khỏe càng cao.

Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng điện thoại di động

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Tim mạch Châu Âu – Sức khỏe Kỹ thuật số cho thấy chúng ta dành nhiều thời gian cho các cuộc trò chuyện trên điện thoại di động nhiều hơn 30 phút mỗi tuần có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn 12% so với việc dành ít hơn 30 phút.

Theo tác giả nghiên cứu, Giáo sư Xianhui Qin thuộc Đại học Y khoa Phương Nam, Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết: "Số phút mọi người dành để nói chuyện trên điện thoại di động có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, càng nhiều phút đồng nghĩa với rủi ro càng cao". "Số năm sử dụng hoặc sử dụng thiết lập rảnh tay không ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tăng huyết áp. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những phát hiện này".

Hiện nay, khoảng 3/4 dân số thế giới có độ tuổi từ 10 tuổi trở lên sở hữu điện thoại di động. Trong khi đó, gần 1,3 tỷ người trưởng thành từ 30 đến 79 tuổi trên toàn thế giới bị bệnh tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một yếu tố chính gây nguy cơ đau tim và đột quỵ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. 

Điện thoại di động phát ra mức năng lượng tần số vô tuyến thấp, có liên quan đến việc tăng huyết áp sau khi tiếp xúc trong thời gian ngắn. Kết quả của các nghiên cứu trước đây về việc sử dụng điện thoại di động và huyết áp không nhất quán, có thể là do chúng bao gồm các cuộc gọi, tin nhắn, trò chơi,...

Mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại và bệnh tăng huyết áp

Để xem xét mối quan hệ giữa việc gọi và nhận điện thoại với bệnh tăng huyết áp mới khởi phát. Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Biobank Vương quốc Anh. Với sự tham gia của 212.046 người trưởng thành từ 37 đến 73 tuổi không bị tăng huyết áp được đưa vào cuộc nghiên cứu. 

Việc sử dụng điện thoại di động để thực hiện và nhận cuộc gọi được thu thập thông qua bảng câu hỏi màn hình cảm ứng tự báo cáo ở mức cơ bản, bao gồm số năm sử dụng, số giờ mỗi tuần và sử dụng thiết bị rảnh tay hay loa ngoài. Những người tham gia sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần một tuần để thực hiện hoặc nhận cuộc gọi được xác định là người dùng điện thoại di động.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối quan hệ giữa việc sử dụng điện thoại di động và bệnh tăng huyết áp mới khởi phát sau khi điều chỉnh độ tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, chủng tộc, hoàn cảnh khó khăn, tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, trình độ học vấn, tình trạng hút thuốc, huyết áp, lipid máu, viêm nhiễm, đường huyết, chức năng thận và việc sử dụng thuốc để giảm mức cholesterol hoặc đường huyết.

Kết quả của nghiên cứu

Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 54 tuổi, 62% là phụ nữ và 88% là người dùng điện thoại di động. Trong thời gian theo dõi trung bình 12 năm, 13.984 người tham gia bị tăng huyết áp chiếm hơn 7%. Người sử dụng điện thoại di động có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 7% so với người không sử dụng. Trong khi đó, những người nói chuyện trên điện thoại di động từ 30 phút trở lên mỗi tuần có khả năng mắc bệnh cao huyết áp mới khởi phát cao hơn 12% so với những người tham gia gọi điện dưới 30 phút. Kết quả tương tự đối với phụ nữ và nam giới.

Sau khi đánh giá chi tiết hơn, nghiên cứu cho thấy so với những người tham gia dành ít hơn 5 phút để gọi hoặc nhận cuộc gọi điện thoại di động mỗi tuần, thời gian sử dụng điện thoại di động hàng tuần là 30 - 59 phút, 1 - 3 giờ, 4 - 6 giờ và hơn 6 giờ có liên quan đến nguy cơ huyết áp cao tăng lần lượt là 8%, 13%, 16% và 25%. Trong số những người sử dụng điện thoại di động, số năm sử dụng và sử dụng thiết bị rảnh tay hay loa ngoài đều không liên quan đáng kể đến sự phát triển của bệnh tăng huyết áp.

Các nhà nghiên cứu cũng đã kiểm tra mối quan hệ giữa thời gian sử dụng điện thoại di động dưới 30 phút với việc sử dụng trên 30 phút trở lên và chứng tăng huyết áp mới khởi phát, tùy theo việc những người tham gia có nguy cơ di truyền phát triển chứng tăng huyết áp thấp, trung bình hay cao hay không. 

Giáo sư Xianhui Qin đánh giá: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng nói chuyện trên điện thoại di động có thể không ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển huyết áp cao miễn là thời gian gọi hàng tuần được giữ dưới nửa giờ. Cần nhiều nghiên cứu hơn để nhân rộng kết quả, nhưng cho đến lúc đó, có vẻ như nên thận trọng để giữ cho các cuộc gọi điện thoại di động ở mức tối thiểu để bảo vệ sức khỏe tim mạch".