GIẢI TRÍ

Thời trang từ tảo, ý tưởng mới cho công nghiệp thời trang bền vững

Lan Hương • 15-02-2023 • Lượt xem: 8112
Thời trang từ tảo, ý tưởng mới cho công nghiệp thời trang bền vững

Tảo biển - loại thực vật không chỉ bổ dưỡng cho sức khỏe, nguyên liệu này còn mở ra nhiều ý tưởng mới cho công nghiệp thời trang bền vững.

Thời trang và những ảnh hưởng với môi trường

Công nghiệp thời trang mang lại cho thế giới doanh thu đến hàng nghìn tỷ đô mỗi năm. Tuy nhiên theo các số liệu thống kê cho biết, thời trang cũng đem đến cho môi trường rất nhiều tác động tiêu cực.

Theo Bloomberg, mỗi năm ngành công nghiệp thời trang tạo ra hơn 100 tỷ bộ quần áo, và trung bình mỗi người trên thế giới sẽ sử dụng khoảng 14 bộ. Theo tính toán, các hoạt động công nghiệp thời trang đã thải ra 10% lượng khí carbon dioxide trên toàn cầu, chúng gây ra hiệu ứng nhà kính còn nhiều hơn cả ngành vận chuyển quốc tế và du lịch hàng không cộng lại.

Hơn thế nữa khi không còn giá trị sử dụng, phần lớn các rác thải thời trang không được tái chế mà sẽ bị đốt hoặc đưa đến các bãi rác để chôn lấp. Một số trôi dạt, ùn ứ trên các con sông hay bãi biển. Ở Mỹ, chỉ 15% trong tổng số các hàng dệt may thời trang được tái chế.

Tảo biển cùng những ứng dụng thiết thực

Tảo biển là một loại sinh vật sống, cũng là thực vật vô cùng phong phú về chủng loại và chúng được ví như lá phổi xanh của đại dương.

Tảo biển được xem là lá phổi xanh của đại dương.

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, tảo được xem như một loại protein thay thế và được các tín đồ sức khỏe vô cùng ưa chuộng. Từ thời xa xưa, tảo đã được con người khắp nơi trên thế giới sử dụng làm thực phẩm trong bữa ăn. Bên cạnh đó tảo còn được chiết xuất làm thành phần mỹ phẩm, làm thuốc và là vật liệu cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu vì môi trường khác.

Ngoài công dụng đem lại giá trị sử dụng cho ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, nhiên liệu sinh học… tảo biển cũng bắt đầu được ứng dụng trong ngành công nghiệp dệt may thời trang và tạo nên những bước tiến mới mẻ.

Ngành thời trang đang nỗ lực thay đổi vì môi trường

Có đến 60% các sản phẩm dệt may thông thường được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, thuốc nhuộm đen màu vải cũng được chế biến bởi nhiên liệu liên quan đến dầu thô, chính điều này khiến tình trạng khí hậu toàn cầu trở nên tồi tệ. Từ đó, nhằm giảm tác động của ngành may mặc đến môi trường, rất nhiều ý tưởng thời trang với tảo đã được thực hiện và mang đến nhiều niềm tin khởi sắc.

Sở dĩ người ta chọn tảo cho ý tưởng công nghiệp thời trang bền vững vì tốc độ phát triển của tảo rất nhanh, giá thành rẻ, không tiêu hao nhiều nước, chúng có thể hút CO2 từ không khí và qua quá trình quang hợp dưới nước, tảo có thể sản sinh đến khoảng 70% oxy cho bầu khí quyển.

Một trong những thiết kế nổi bật là chiếc áo mưa được làm hoàn toàn từ tảo do Charlotte McCurdy – nhà thiết kế đến từ New York. Năm 2018, cô đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm, đã áp dụng rất nhiều công nghệ để tạo ra loại polymer sinh học dẫn xuất từ tảo biển. Chiếc áo mưa được thiết kế theo tiêu chí carbon negative (carbon âm tính), đáp ứng nhu cầu giảm tỷ lệ CO2 trong không khí. Chiếc áo sau đó được trưng bày tại Bảo tàng thiết kế Cooper Hewitt (New York) năm 2019.

Chiếc áo mưa trong suốt từ nguyên liệu hoàn toàn bằng tảo biển.

Với mong muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, thời trang cũng có thể tạo nên những điều kỳ tích cho sự phát triển bền vững. Cô cũng đã kết hợp với nhà thiết kế thời trang Phillip tại New York và cho ra đời chiếc váy màu xanh lá cũng từ nguyên liệu tảo biển.

Chiếc váy màu xanh lá từ tảo biển được Charlotte McCurdy thực hiện cùng nhà thiết kế thời trang Phillip tại New York.

Một công ty khởi nghiệp của Israel cũng đã tạo ra loại vải từ tảo có thể phân hủy sinh học, sử dụng năng lượng thấp và thân thiện với môi trường. Vào năm 2016, Renana Krebs đã thành lập Algaeing và phát triển thành công chất từ tảo có thể thay thế cho thuốc nhuộm từ hóa chất.

Tảo của Algaeing được trồng trong nước biển tại các trang trại thẳng đứng, khép kín, chạy bằng năng lượng mặt trời. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình sản xuất nguyên liệu không tiêu tốn đất nông nghiệp, không tiêu thụ năng lượng, không sử dụng phân bón và không thải ra CO2. Các sản phẩm của Algaeing có thể phân hủy sinh học và không độc hại với môi trường.

Với một chiếc áo thun thông thường bằng sợi bông, theo ước tính để sản xuất có thể tiêu tốn đến 2.700 lít nước ngọt. Tương đương với lượng nước một người uống trong 2 năm. Nhưng với sợi từ tảo của Algaeing sẽ cắt giảm ít hơn 80% lượng nước sử dụng. Các thuốc nhuộm từ tảo cũng không gây độc hại hay dị ứng cho người tiêu dùng.

Thuốc nhuộm chiết xuất từ tảo biển an toàn cho người sử dụng.

Ngoài Algaeing, Vollebak – một công ty khởi nghiệp khác của Anh cũng đang tập trung đến các sản phẩm bền vững. Năm 2015, Vollebak sản xuất ra sản phẩm áo thun dệt từ sợi gai dầu, nhuộm màu bằng tảo và phân hủy dễ dàng chỉ sau vài tuần.

Bên cạnh các công ty khởi nghiệp với các sản phẩm bền vững kể trên, còn có hàng loạt các thiết kế thời trang từ tảo được kể đến như giày thể thao đúc phun thương hiệu Native của Canada, các trang phục sinh học từ nhà thiết kế Roya Aghighi…

Tính thực tế của thời trang làm từ tảo không có gì phải bàn cãi, tuy nhiên thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này vẫn là chi phí sản xuất. Hiện tại các loại sợi dệt từ tảo vẫn có giá cả đắt hơn các loại sợi thông thường, nhưng Krebs luôn tin tưởng rằng, việc tập trung tạo ra các sản phẩm bền vững sẽ góp phần gia tăng giá trị cho thương hiệu.