GIẢI TRÍ

Thông điệp nữ quyền của bộ phim Việt lọt Top 15 Oscar 2023

Cẩm Chi • 25-03-2023 • Lượt xem: 963
Thông điệp nữ quyền của bộ phim Việt lọt Top 15 Oscar 2023

Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” (Children of the Mist) của đạo diễn Hà Lệ Diễm vén bức màn chân thực về cuộc đời cô gái người H’Mông từ khi còn là cô bé ngây thơ cùng bạn bè chơi trò kéo vợ, đến khi chính cô phải vùng vẫy tự cứu mình trong một hủ tục truyền thống thực sự.

Những số phận bị "mắc kẹt" và khát khao tự chủ 

“Những đứa trẻ trong sương” là một tác phẩm cho thấy được sự tương phản rõ nét giữa tuổi thơ và sự trưởng thành, giữa truyền thống và hiện đại, cũng như các định kiến giới hà khắc vẫn còn trói buộc cuộc sống của người phụ nữ vùng cao

Di, cô bé 12 tuổi người dân tộc H’Mông sống trong một ngôi làng ở vùng núi Sa Pa. Khi tới tuổi dậy thì, cô trở nên sành điệu hơn, dùng smartphone, nghe nhạc pop, mang giày bata, dùng son môi… và còn có một đời sống tình cảm vô cùng phong phú. Cô bé chớm biết yêu, biết ghen, biết giận hờn, biết làm các chàng trai phải theo đuổi. Di cùng đám bạn hay chơi trò cướp vợ mà không biết phong tục đó có thể hoàn toàn thay đổi số phận của mình.

Di được khắc họa là cô gái trẻ cá tính, năng động so với bạn bè cùng trang lứa

Một ngày mùa xuân, Di đi chơi hội và bị một chàng trai bắt về làm vợ. Di không muốn cuộc đời mình phó mặc trong tay người khác, cô cố gắng chống cự và muốn được tiếp tục đi học. Thế nhưng cô cũng sợ cha mẹ phải xấu hổ với làng xóm khi đi ngược nét văn hóa cổ truyền. Cuối cùng, cô dõng dạc nói lời từ chối và uống ly rượu chia tay với anh ta. 

Sự vùng vẫy của Di cũng giống như bao cô gái khác khi đối mặt với những lời ép buộc kết hôn, và luôn khát khao khẳng định bản thân, vượt qua sự sắp đặt của số phận. Bộ phim mở ra hình ảnh lề luật về việc thách cưới, cũng như cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, giữa hiện đại và truyền thống, giữa văn minh và cổ hủ xoay quanh phong tục tập quán và quyền con người. 

Tục "bắt vợ" trói buộc ước mơ và hạnh phúc của người dân tộc H'Mông 

Ngoài hình ảnh Di, chị Say - mẹ của cô bé được khắc họa như một thân phận phụ nữ điển hình nơi vùng cao. Bà nhiều lần cay đắng than phiền về cuộc hôn nhân không hạnh phúc, về người chồng nát rượu luôn chửi mắng, đánh đập bà. Những lời dặn dò kỹ lưỡng của người mẹ ấy như thể thấu hiểu được những gì có thể xảy ra khi cô dâu trẻ phải về nhà chồng,… Từ đó, hoàn cảnh của người phụ nữ đặt trong khuôn mẫu truyền từ đời này sang đời khác đã hiện lên một cách chân thật, sống động.

Tâm huyết của nữ đạo diễn 9x

90 phút trên màn ảnh chỉ là phần nhỏ từ những thước phim mà Hà Lệ Diễm ghi lại trong hơn 3 năm ròng rã đồng hành cùng nhân vật.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết gặp Di năm 2017, thấy cô bé có nhiều điểm giống bản thân hồi trẻ. Là người dân tộc Tày ở Bắc Kạn, Hà Lệ Diễm từng chứng kiến nhiều bạn bè đánh mất tuổi thơ vì lập gia đình sớm. Cô thuyết phục Di để ghi lại những dấu mốc trưởng thành của em suốt hơn ba năm. Để hiểu hơn cuộc sống của người dân nơi đây, đạo diễn không ngần ngại dành nhiều thời gian ăn ở, sinh hoạt như người trong gia đình nhân vật.

Nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm tự tay ghi hình trong các thước phim đầu tay

Vì vậy, những thước phim rất “đời” về cuộc sống của người Mông hiện lên mộc mạc từ cảnh lao động, sinh hoạt thường nhật, vui chơi cho đến các mối quan hệ giữa người với người. Bên cạnh đó, những góc nhìn tinh tế về số phận của phụ nữ cũng được cài cắm ẩn ý qua nhiều chi tiết: ngôi nhà của Di đứng giữa rừng sương, cô bé ngồi yên một mình phía trên mỏm đá, đứa bé sơ sinh giữa ruộng lúa, mẹ Di may vá từ trong khe cửa chỗ thịt gác bếp …

Cô cũng đã phá vỡ khá nhiều định kiến có phần cố hữu về phim tài liệu như tính khô khan, nặng nề. Góc nhìn của Hà Lệ Diễm hoàn toàn tôn trọng nhân vật của mình với sự khách quan, không chê trách, thiên vị… Tác phẩm có nhiều phân đoạn đắt giá là các cuộc phỏng vấn ngắn giữa đạo diễn và các nhân vật. Nữ đạo diễn 9x đã thể hiện được sự đồng cảm với nhân vật cũng như cho người xem thấy rằng, họ cũng không thể làm khác đi nếu ở trong tình huống tương tự.

Chinh phục thế giới

Ít ai biết rằng, trước khi ra rạp ở Việt Nam, “Những đứa trẻ trong sương” đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan, Hà Lan và Singapore. Phim cũng nhận được sự đánh giá cao khi giành được 34 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế trong hơn 2 năm qua.

Tháng 11/2021, “Những đứa trẻ trong sương” đã có buổi chiếu chính thức ra mắt thế giới lần đầu tiên tại “Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam” (IDFA) - Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới. Hà Lệ Diễm đã đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” và giải Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất.

Hà Lệ Diễm chiến thắng giải "Đạo diễn xuất sắc" nhờ việc thổi hồn vào một câu chuyện cá nhân độc đáo nhưng mang tính phổ quát và đại chúng

Bộ phim của nữ đạo diễn 9x thuộc danh sách 20 bộ phim tài liệu năm 2022 của tạp chí Paste Magazine; giải thưởng của Liên Hợp Quốc tại Thụy Sĩ và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Nhật Bản; giải thưởng của Liên hoan phim Giáo dục tại Pháp, Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại Liên hoan phim Balimakarya; Phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Quốc tế TEL AVIV (Israel)... Năm 2023, “Những đứa trẻ trong sương” đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc. 

“Những đứa trẻ trong sương” cũng trở thành bộ phim được các trường Đại học tại Mỹ mời chiếu cho sinh viên và được chiếu tại các hệ thống trường Đại học ở Pháp. Tại Việt Nam, bộ phim nhận được nhiều tình cảm từ  người nổi tiếng và giới làm phim như hoa hậu H'Hen Niê, diễn viên Tăng Thanh Hà...