Không gì sánh bằng niềm vui trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, có sự chào đón của một người bạn đồng hành trung thành. Tình yêu vô điều kiện của thú cưng có thể làm được nhiều hơn bạn nghĩ ngoài việc bầu bạn với người nuôi chúng. Thú cưng có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khoẻ tim mạch và thậm chí là giúp trẻ em phát triển các kỹ năng xã hội và kỹ năng quản lý hoặc bộc lộ cảm xúc.
Theo ước tính, có 68% các hộ gia đình ở Mỹ nuôi thú cưng. Nhưng trong việc có thêm “một miệng ăn trong nhà” này, ai là người được lợi? Và việc nuôi thú cưng thật sự có thể mang lại lợi ích gì hay chỉ là quả bong bóng được thổi phổng?
10 năm qua, Viện y tế Quốc gia (NIH – thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ) đã hợp tác với Viện dinh dưỡng vật nuôi WALTHAM thuộc Tập đoàn Mars để trả lời cho những câu hỏi như vậy, bằng cách tài trợ cho các nghiên cứu khoa học về thú cưng. Các nhà khoa học đang tìm kiếm và phân tích các lợi ích tiềm tàng về sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần đối với các loài động vật khác nhau – từ cá, chuột lang, đến chó, mèo.
TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC RÕ RỆT ĐẾN SỨC KHOẺ
Nghiên cứu về sự tương tác giữa người và động vật vẫn còn tương đối mới. Dù đã có một số nghiên cứu chỉ ra những được những tác động sức khoẻ tích cực, nhưng kết quả lại không được đồng nhất.
Việc tương tác với động vật đã được chứng minh là có khả năng làm giảm mức độ cortisol (một loại hormone liên quan đến căng thẳng) và hạ huyết áp. Một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng động vật có thể làm giảm cảm giác cô đơn, tăng cảm giác hỗ trợ xã hội và cải thiện tâm trạng theo chiều hướng tốt lên. NIH đang tài trợ một loạt các nghiên cứu tập trung về mối quan hệ của con người và động vật. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu động vật có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Họ đang nghiên cứu các tương tác của động vật với trẻ tự kỷ, rối loại tăng động giảm chú ý (ADHD) và các tình trạng khác.
Nguồn: Internet
“Không có câu trả lời chính xác cho việc làm thế nào mà một loại thú cưng có thể giúp ai đó trong từng trường hợp riêng biệt.” – Lời giải thích từ tiến sĩ Layla Esposito, người giám sát Chương trình Nghiên cứu Tương tác giữa Người và Động vật của NIH. Bà chia sẻ thêm: “Nếu mục tiêu của bạn là tăng cường hoạt động thể chất, bạn có thể đạt được điều đó khi sở hữu một chú chó. Bạn phải dắt chó đi dạo nhiều lần trong ngày, điều đó giúp bạn được tăng cường hoạt động thể chất theo đúng ý muốn. Nếu bạn muốn giảm căng thẳng, thì việc thỉnh thoảng ngắm đàn cá bơi uyển chuyển, thong thả trong hồ có thể giúp bạn tìm lại cảm giác tĩnh tại, bình yên. Vì vậy, không có loại nào là phù hợp với tất cả mọi nhu cầu.”
NIH đang tài trợ các cuộc khảo sát với quy mô lớn nhằm tìm ra các loại thú cưng mà con người đang ưa chuộng, cũng như hiểu được mối quan hệ giữa người nuôi và vật nuôi có tác động như thế nào đến sức khoẻ. “Chúng tôi đang cố khai thác chất lượng chủ quan của mối quan hệ với động vật – một phần trong mối liên kết khi con người có cảm giác kết nối với động vật – và cách mà điều đó chuyển đổi thành một số lợi ích sức khoẻ,” Tiến sĩ James Griffin, một chuyên gia về sự phát triển của trẻ em tại NIH cho hay.
ĐỘNG VẬT CỨU GIÚP CON NGƯỜI
Động vật có thể được xem như nguồn an ủi và hỗ trợ con người trong cuộc sống. Chó trị liệu đặc biệt giỏi trong vấn đề này. Thỉnh thoảng, chúng được đưa đến bệnh viện hoặc các viện dưỡng lão để giúp bệnh nhân giảm căng thẳng và chứng lo âu.
Đến từ Trung tâm lâm sàng NIH ở Bethesda, Maryland, Tiến sĩ Ann Berger – một nhà nghiên cứu kiêm bác sĩ cho biết: “Chó rất nhạy cảm và thấu hiểu. Nếu ai đó gặp khó khăn, chúng biết cách ngồi cạnh và thể hiện sự yêu thương. Sự tập trung của chúng luôn được đặt để chính xác vào người cần chúng.”
Nguồn: Internet
Berger làm việc với những người mắc bệnh ung thư và nan y. Cô dạy họ về chánh niệm nhằm làm giảm căng thẳng và kiểm soát cơn đau. Berger nói: “Nền tảng của chánh niệm bao gồm sự chú ý, tác ý, lòng trắc ẩn và nhận thức. Tất cả những điều đó là những thứ tích cực mà động vật mang lại. Con người phải học điều đó từ chúng, vì chỉ có động vật mới có thể làm điều này một cách bẩm sinh.”
Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về tính an toàn của việc đưa động vật vào hệ thống bệnh viện vì chúng có thể khiến con người tăng rủi ro tiếp xúc vi khuẩn nhiều hơn. Esposito cho biết một nghiên cứu hiện tại cũng đang xem xét tính an toàn khi đưa chó đến thăm trẻ em ung thư. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra tay của bọn trẻ để xem liệu có tồn tại bất kỳ dấu hiệu vi khuẩn nguy hiểm nào được truyền từ chó sau chuyến thăm không.
Chó còn có thể hỗ trợ trong lớp học. Một nghiên cứu đã cho thấy những chú chó có thể giúp trẻ mắc chứng ADHD tập trung hơn. Các nhà nghiên cứu đã ghi danh hai nhóm trẻ em được chuẩn đoán mắc chứng ADHD vào các buổi trị liệu kéo dài 12 tuần. Nhóm đầu tiên đọc sách cho chó trị liệu một lần một tuần, mỗi lần 30 phút. Trong khi đó, nhóm thứ hai đọc cho những con rối nghe – những con rối có hình thù chó.
Kết quả là những đứa trẻ đọc sách cho chó “thật” thể hiện các kỹ năng xã hội tốt hơn và dần biết chia sẻ, hợp tác và làm tình nguyện tích cực hơn. Chúng cũng gặp ít vấn đề về việc bộc lộ thái độ và hành vi hơn.
Nguồn: kali9/Getty Images
Một nghiên cứu khác phát hiện ra trẻ em mắc chứng tự kỷ (ASD) sẽ bình tĩnh hơn khi chơi cùng chuột lang trong lớp học. Khi trẻ em dành 10 phút chơi với lũ chuột lang theo nhóm được giám sát, mức độ lo lắng của chúng giảm xuống, có tương tác xã hội tốt hơn và chịu hoà đồng với chúng bạn hơn. Các nghiên cứu cho rằng các con vật này sẵn sàng hợp tác vô điều kiện, khiến chúng trở thành nguồn an ủi, xoa dịu tuyệt vời cho trẻ em.
Griffin cho biết: “Động vật có thể trở thành cầu nối cho những tương tác xã hội đang gặp trở ngại đó”. Ông còn chia sẻ thêm rằng các nhà nghiên cứu đang cố gắng hiểu rõ hơn những tác động này và những đối tượng mà chúng có thể giúp đỡ.
Động vật còn có thể giúp đỡ bạn theo một cách không ngờ khác. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nuôi cá giúp thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường kiểm soát bệnh tốt hơn. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu một nhóm thiếu niên mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 chăm sóc cá cảnh 2 lần một ngày bằng việc cho ăn và kiểm tra mực nước. Thói quen chăm sóc này cũng bao gồm việc thay bể nước mỗi tuần. Điều này được kết hợp với việc chúng phải kiểm tra bệnh án đường huyết của mình với cha mẹ.
Nguồn: Internet
Các nhà nghiên cứu theo dõi tần suất thường xuyên kiểm tra lượng đường của những thanh thiếu niên này. So với những thanh thiếu niên không được giao cá để chăm sóc thì những thanh thiếu niên nuôi cá có kỹ luật hơn trong việc kiểm tra mức độ đường huyết của chúng, điều này rất cần thiết để duy trình sức khoẻ của họ.
Như đã nói ở trên, không phủ nhận rằng vật nuôi có thể mang lại kha khá lợi ích sức khoẻ, nhưng không phải loài vật nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiếp xúc sớm với vật nuôi giúp trẻ nhỏ tăng sức đề kháng đối với những bệnh dị ứng và hen suyễn. Nhưng đối với những người bị dị ứng với một số loài nhất định, việc sở hữu một thú cưng trong nhà có thể là lợi bật cập hại.
ĐỘNG VẬT KHÔNG CHỈ LÀ THÚ CƯNG, MÀ CÒN LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH
Thú cưng còn giúp con người có những trách nhiệm mới và phải sống đúng với trách nhiệm đó. Biết cách chăm sóc và cho động vật ăn là một phần trách nhiệm khi nuôi thú cưng. NIH/Mars tài trợ các nghiên cứu nhằm tìm hiểu sự tương tác giữa người và động vật sẽ đem lại tác động gì cho cả người và vật nuôi.
Nguồn: Internet
Hãy nhớ rằng động vật cũng có thể cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Điều quan trọng là trẻ em – những người nuôi hoặc tiếp xúc với chúng phải có khả năng nhận ra các dấu hiệu căng thẳng ở thú cưng và biết khi nào không nên lại gần. Vì khi thú cưng ở trong tình trạng mất cân bằng cảm xúc, chúng có thể cắn và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Esposito giải thích: “Phòng ngừa chó cắn chắc chắn là vấn đề mà ba mẹ cần quan tâm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, vì chúng không phải lúc nào cũng biết ranh giới giữa việc vui đùa cùng chó và chọc điên chúng.”
Các nhà nghiên cứu vẫn sẽ tiếp tục khám phá ra nhiều tác động sức khoẻ khác khi sở hữu thú cưng. “Chúng tôi đang cố gắng tìm ra điều gì là hiệu quả, điều gì không hiệu quả và điều gì là an toàn cho cả người và động vật.” – Esposito chia sẻ.
LỜI KHUYÊN ĐẾN BẠN ĐỌC:
Những rủi ro sức khoẻ từ thú cưng của bạn
Trẻ em, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh từ động vật cao hơn người bình thường. Hãy thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ cho gia đình và những người thân của bạn:
- Rửa tay thật kỹ sau khi tiếp xúc với động vật;
- Giữ cho thú cưng của bạn sạch sẽ và khoẻ mạnh, tiêm vắc-xin đầy đủ;
- Luôn để mắt đến trẻ khi chúng chơi hoặc lại gần động vật;
- Ngăn trẻ hôn thú cưng hoặc cho tay/ đồ vật vào miệng sau khi tiếp xúc với động vật;
- Không thay cát vệ sinh cho thú cưng trong thời kỳ mang thai nhằm tránh rủi ro mắc bệnh Toxoplasma (một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng Toxoplasma gondii gây ra, thường xảy ra do ăn thịt bị nhiễm độc chưa nấu chín hoặc tiếp xúc với phân mèo bị nhiễm bệnh).