ĐỜI SỐNG

Thực phẩm 'siêu chế biến' gây nghiện như thuốc lá và ma túy? 

D.T • 26-10-2023 • Lượt xem: 3650
Thực phẩm 'siêu chế biến' gây nghiện như thuốc lá và ma túy? 

Thực phẩm "siêu chế biến" không chỉ chứa những hóa chất gây hại đến sức khỏe mà còn có thể gây nghiện như thuốc lá và ma túy. 

Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra thực phẩm "siêu chế biến" chứa các "hóa chất gây nghiện" như thuốc là và ma túy. Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học Michigan đã tiến hành 281 nghiên cứu từ 36 quốc gia khác nhau và phát hiện ra rằng 14% người lớn và 12% trẻ em có dấu hiệu nghiện thực phẩm chế biến sẵn. Kết quả nghiên cứu theo Thang đo Nghiện Thực phẩm Yale (YFAS) cho thấy tỷ lệ gây nghiện của thực phẩm "siêu chế biến" gần như ngang bằng với mức độ nghiện rượu và thuốc lá từng được công bố trên tạp chí BMJ.  


Thực phẩm siêu chế biến là những thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và chất béo, chẳng hạn như kẹo, kem và khoai tây chiên.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ những thực phẩm này đối với một số người có thể đáp ứng các tiêu chí về rối loạn sử dụng chất gây nghiện, dẫn đến "cơ chế tâm lý sinh học của chứng nghiện và các vấn đề quan trọng về mặt lâm sàng". Một phần lý do khiến thực phẩm chế biến sẵn có đặc tính gây nghiện là vì chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn nhiều so với thực phẩm chế biến thông thường. Bên cạnh đó, những thực phẩm này cũng chứa các chất phụ gia về hương vị và kết cấu có thể khiến chúng dễ gây nghiện hơn. Nhà nghiên cứu chính Ashley Gearhardt, giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan, chia sẻ: "Có sự hỗ trợ thống nhất và nhất quán về giá trị và mức độ phù hợp lâm sàng của chứng nghiện thực phẩm chế biến sẵn. Bằng cách thừa nhận rằng một số loại thực phẩm chế biến sẵn có đặc tính gây nghiện, chúng ta có thể giúp cải thiện sức khỏe toàn cầu"


Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm "siêu chế biến" có thể gây nghiện như thuốc là và ma túy. 

Trong khi đó, chuyên gia dinh dưỡng Tanya Freirich cũng đã nêu ra một số dấu hiệu cảnh báo về hành vi gây nghiện liên quan tới thực phẩm. Chúng bao gồm suy nghĩ về thức ăn mọi lúc hoặc một cách ám ảnh, thèm ăn khi không đói, thèm ăn như một cơ chế đối phó, ăn ngay cả khi đã cảm thấy no, giảm khả năng kiểm soát lượng thức ăn vào, gặp các triệu chứng cai nghiện và tiếp tục ăn một số loại thực phẩm bất chấp hậu quả tiêu cực. "Mặc dù bạn có thể thưởng thức đồ ăn một cách triệt để nhưng việc nghiện đồ ăn bắt đầu chuyển sang trạng thái không lành mạnh với những ảnh hưởng bất lợi cho đến hết cuộc đời của bạn. Ví dụ, việc ăn quá mức đến mức gây khó tiêu, hoặc khó tập trung vào các chủ đề khác ngoài thức ăn và bữa ăn, có thể là dấu hiệu của chứng nghiện thực phẩm", Freirich giải thích với Fox News Digital.


Các chuyên gia đều đồng ý rằng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về mối quan hệ giữa thực phẩm và chứng nghiện.

Theo nhiều nguồn tin, khoảng 103 quốc gia đã thông qua "thuế đồ uống có đường" và một số quốc gia khác áp dụng thuế bổ sung đối với thực phẩm chế biến sẵn. Hơn 20 quốc gia cũng đã bổ sung nhãn dinh dưỡng cho những thực phẩm này. Tình trạng nghiện thực phẩm "siêu chế biến" ngày càng tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Do đó, việc triển khai hành động hạn chế hoặc cấm sản xuất thực phẩm có chứa một số chất phụ gia có hại là rất cần thiết. Freirich khuyến nghị: "USDA và FDA có thể thực hiện các bước tương tự để đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng".


Nhiều nhà khoa học khuyến nghị những người đang gặp phải chứng rối loạn ăn uống, ăn uống vô độ hoặc thèm ăn không kiểm soát nên làm việc trực tiếp với bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia dinh dưỡng. 

Erin Palinski-Wade, một chuyên gia dinh dưỡng có trụ sở tại New Jersey nghi ngờ rằng thực phẩm có thể gây nghiện như ma túy. Cô nói với Fox News Digital: "Mặc dù thực phẩm giàu đường bổ sung có thể kích thích các chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu trong não và hình thành thói quen, nhưng bản thân đường không gây nghiện như cocaine hoặc các loại ma túy khác. Tiêu thụ đường và sau đó giảm hoặc loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống sẽ không dẫn đến các triệu chứng cai nghiện hoặc tác dụng phụ như sẽ xảy ra do nghiện thực sự". Thêm vào đó, cô cho rằng thèm ăn là một thói quen rất phức tạp và không chỉ gắn liền với thành phần dinh dưỡng của món ăn mà còn cả cảm xúc và hành vi học được liên quan đến việc ăn uống. Cảm xúc, sức khỏe trao đổi chất tổng thể, thói quen ngủ và hành vi ăn uống đã học được đều hình thành nên sự lựa chọn, hành vi và phản ứng về thực phẩm của con người.

Nguồn: foxnews.com

Tag: