ĐỜI SỐNG

Tìm hiểu về hội chứng kẻ mạo danh - Một hiện tượng tâm lý phổ biến

Yellowly • 13-07-2023 • Lượt xem: 2546
Tìm hiểu về hội chứng kẻ mạo danh - Một hiện tượng tâm lý phổ biến

Hội chứng kẻ mạo danh làm cho một người đánh giá thấp bản thân theo một chiều hướng tiêu cực, khiến một người có thể mang theo sự lo lắng kéo dài, mất niềm tin trầm trọng vào những việc mình làm.

Hội chứng kẻ mạo danh là gì?

Hội chứng kẻ mạo danh là tình trạng cảm thấy lo lắng và không công nhận bản thân, mặc dù thực tế họ có hiệu quả làm việc tốt, được người khác công nhận. Tình trạng này thường dẫn đến việc mọi người cảm thấy như "một kẻ lừa đảo" hoặc "đồ giả mạo" và tự nghi ngờ khả năng của mình, luôn lo sợ người khác sẽ nhìn thấy mình chỉ đang “giả vờ làm tốt”.

Đừng bị nhầm lẫn hội chứng kẻ mạo danh với sự khiêm tốn.

Đừng bị nhầm lẫn với sự khiêm tốn, khiêm tốn bắt nguồn từ sự đánh giá chính xác năng lực của bản thân trước một tình huống. Hội chứng kẻ mạo danh làm cho một người đánh giá thấp bản thân theo một chiều hướng tiêu cực, khiến một người có thể mang theo sự lo lắng kéo dài, mất niềm tin trầm trọng vào những việc mình làm. Lúc nào cũng có suy nghĩ rồi ai đó sẽ phát hiện ra họ nói dối về năng lực của mình. Và tất nhiên, điều này chỉ nằm trong suy nghĩ của những “kẻ mạo danh” này.

Đàn ông và phụ nữ đều có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh.

Các nghiên cứu cho thấy đàn ông và phụ nữ đều có thể mắc hội chứng kẻ mạo danh như nhau. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố:

Môi trường gia đình: Trong quá trình trưởng thành của một người, cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình có thể đã có những tác động tiêu cực đến ý thức hoặc chỉ trích quá mức về năng lực của họ. Dẫn đến việc, người đó, sau khi trưởng thành, trong tiềm thức luôn chứa sự mặc cảm, tự ti về năng lực bản thân. 

Áp lực xã hội: Từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành, mỗi người đều sẽ thuộc một hay nhiều nhóm xã hội nào đó như trường học, công sở,... Trở thành một phần của vòng kết nối xã hội mà sự chấp thuận hoặc công nhận giá trị dường như có liên kết mật thiết với thành tích. Từ đó vô tình tạo ra một môi trường mà con người được đánh giá và công nhận thông qua thành tích. Điều này khiến cho những người khi gia nhập vào môi trường đó, trở nên nhạy cảm một cách tiêu cực về thành tích và năng lực cá nhân.

Cảm giác thuộc về: Một phần của hội chứng kẻ mạo danh là nỗi sợ bị phát hiện và bị loại bỏ. Khi trong một hoàn cảnh mà một người cảm thấy như mình khác biệt hoàn toàn so với những người xung quanh, như khác biệt ngôn ngữ, dân tộc, điều kiện kinh tế, nền tảng gia đình,... tất cả mọi yếu tố khác biệt đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến việc một người mắc phải hội chứng kẻ mạo danh. Họ sợ nếu ai đó phát hiện ra sự khác biệt của mình, sẽ cô lập và loại mình ra khỏi cộng đồng. Cứ như thế, một “kẻ mạo danh” được hình thành và cố gắng hòa vào môi trường sống mà bên trong lúc nào cũng lo lắng bị phát hiện. 

nh cách: Một số loại tính cách có liên quan nhiều hơn đến việc nội tâm hóa cảm giác áp lực, nghi ngờ và thất bại. Ví dụ một số người có tính cách rất hướng nội, họ có xu hướng xử lý cảm xúc của mình trong nội tâm hơn là giải quyết chúng bằng cách bày tỏ ra bên ngoài. Khi chính bản thân họ nội tâm hóa những cảm xúc tiêu cực, dần dà khiến họ coi thường năng lực của mình .

Ảnh hưởng của hội chứng kẻ mạo danh còn có thể khiến cho một người mất đi cơ hội để tỏa sáng, bỏ lỡ khả năng thăng tiến trong công việc. Nếu không được kiểm soát, hội chứng kẻ mạo danh có tác động tiêu cực đến các mối quan hệ, công việc, cũng như sự hài lòng trong công việc và cuộc sống của mọi người.

Làm thế nào để đối phó với hội chứng kẻ mạo danh?

Đầu tiên là hãy thừa nhận nó. Đừng cố gắng bỏ qua nó. Thay vào đó, hãy chế ngự cảm xúc bằng cách thừa nhận sự hiện diện của nó . Hãy nhận biết tác động của nó đối với cơ thể của bạn.

Hãy thừa nhận cảm xúc của mình khi có bất kỳ vấn đề tâm lý nào.

Có một kỹ thuật gọi là Kỹ thuật SBNRR (dừng lại, thở, chú ý, đánh giá lại, phản hồi) có thể giúp bạn sống chậm lại và xem xét tình huống - cũng như suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của chính bạn - một cách chánh niệm hơn.

Dừng lại: Cho phép bản thân dừng lại trên đường đi của bạn và dành một chút thời gian để tạm dừng. 

Hơi thở: Hãy hít một hơi thật sâu và để những suy nghĩ của bạn trôi đi và không bị dính mắc vào chúng.

Chú ý: Chú ý cảm xúc, cơ thể, môi trường xung quanh, đồng nghiệp, tình huống, phản ứng của bạn và bất kỳ điều gì khác mà bạn có thể chú ý. 

Đánh giá lại: Đánh giá tình hình và lý do khiến bạn cảm thấy cần phải rơi vào hội chứng kẻ mạo danh.

Phàn hồi: Phản ứng có chủ đích. Bây giờ bạn có thể điềm tĩnh hơn khi bạn đã nhìn nhận thông suốt mọi thứ.

Ngoài kỹ thuật này, có một số mẹo để khắc phục hội chứng kẻ mạo danh. 

Đánh giá bằng chứng: Lập một danh sách 2 cột đơn giản - một bên là “Bằng chứng cho thấy tôi không đủ năng lực” và bên kia là “Bằng chứng cho thấy tôi có năng lực” - có thể giúp củng cố sự nhìn nhận của bản. Danh sách này cho phép bạn chống lại hội chứng kẻ mạo danh bằng cách thu thập, thừa nhận và phản ánh bằng chứng về năng lực thực sự của bạn.

Hãy bày tỏ vấn đề: Khi gặp một tình huống hoặc vấn đề khó khăn, thay vì ôm phiền muộn trong lòng, hãy tìm ai đó để nói chuyện hoặc viết ra nỗi sợ hãi của bạn. Có thể những người xung quanh sẽ giúp gia tăng lòng tự tin cho bạn, giúp bạn biết rằng bạn hoàn toàn có đủ năng lực.

Hãy bao dung với chính mình: Bạn là một con người. Bất cứ ai đều có lúc mắc sai lầm, thậm chí là có những suy nghĩ thực sự ngớ ngẩn. Bạn cũng sẽ như vậy.  Thực hành lòng yêu thương với bản thân mỗi ngày giúp bạn bao dung với bản thân hơn và ngừng chỉ trích bản thân khi mắc sai lầm.