ĐỜI SỐNG

Tìm thấy thành phần quan trọng cho sự sống nằm ở nơi cách Trái đất 1000 năm ánh sáng

Nguyễn Hậu • 10-07-2023 • Lượt xem: 681
Tìm thấy thành phần quan trọng cho sự sống nằm ở nơi cách Trái đất 1000 năm ánh sáng

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy những thành phần quan trọng cần thiết cho sự sống trong một đám mây hình thành sao xa xôi. Điều này làm tăng thêm hy vọng về sự sống ngoài hành tinh.

Các phân tử tiền sinh học được tìm thấy này cần thiết cho sự hình thành axit amin, là cơ sở của vật liệu di truyền và thiết yếu trong sự phát triển của các vi sinh vật đầu tiên trên Trái đất. Chúng được tìm thấy trong IC348, một vùng hình thành sao trong đám mây phân tử Perseus.

Perseus là một đám mây bụi và khí có đường kính hơn 500 năm ánh sáng và chứa rất nhiều ngôi sao trẻ khoảng 2-3 triệu năm tuổi. Nó được chụp vào năm 2019 bởi kính viễn vọng không gian Spitzer của Nasa, có khối lượng gấp 10.000 lần Mặt trời. Đám mây Perseus là một trong những khu vực hình thành sao gần hệ Mặt trời nhất. Nhiều ngôi sao của nó còn trẻ và có các đĩa tiền hành tinh nơi các quá trình vật lý hình thành nên các hành tinh có thể diễn ra.

Các phân tử tiền sinh học được tìm thấy trong một cụm sao trong đám mây phân tử Perseus, được gọi là IC348. 

Tiến sĩ Susan Iglesias-Groth tại Đại học Bách khoa Cartagena đã phát hiện ra sự hiện diện của nhiều phân tử tiền sinh học trong vùng hình thành sao IC348 của đám mây phân tử Perseus. Mặc dù IC348 thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng vùng này tỏa sáng rực rỡ dưới ánh sáng hồng ngoại. Phân tích các phát xạ hồng ngoại này, Tiến sĩ Iglesias-Groth đã tìm thấy 20 vạch phát xạ của phân tử tryptophan. Tryptophan là một trong 20 axit amin cần thiết để hình thành các protein quan trọng cần thiết cho sự sống. Tryptophan được phát hiện có nhiệt độ khoảng 44 độ F (khoảng 7 độ C). 

Tryptophan là thành phần quan trọng cho sự sống nằm ở nơi cách Trái đất 1000 năm ánh sáng. 

Đầu năm nay, Tiến sĩ Iglesias-Groth cũng đã phát hiện ra các phân tử phổ biến như hydro phân tử, hydroxyl, nước, carbon dioxide và amoniac ở phần bên trong của cụm sao. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số phân tử mang carbon có thể đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hydrocacbon phức tạp hơn và các phân tử tiền sinh học chẳng hạn như hydro xyanua, axetylen, etan, benzene...

Tiến sĩ Iglesias-Gorth cho biết: “IC 348 dường như rất phong phú và đa dạng về thành phần phân tử. Điều mới lạ là chúng ta nhìn thấy các phân tử trong khí khuếch tán mà từ đó các ngôi sao và đĩa tiền hành tinh đang hình thành”.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thông báo hàng tháng của Hiệp hội thiên văn Hoàng Gia, sự hiện diện của các phân tử tiền sinh học rất gần cụm sao này cho thấy khả năng hình thành các hành tinh trẻ có thể hỗ trợ các phân tử hữu cơ.

Đồng tác giả Martina Marina-Dobrincic cho biết: “Những phân tử quan trọng này có thể đã được cung cấp cho các hành tinh non trẻ trong các đĩa tiền hành tinh và theo cách này có thể giúp tạo ra một lộ trình hướng tới các phân tử của sự sống”.

Phát hiện này dựa trên dữ liệu được chụp bằng vệ tinh Spitzer của Nasa và bước tiếp theo sẽ là sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) để điều tra thêm.

Tiến sĩ Iglesias-Groth nói: “Khả năng phân tích ánh sáng được gọi là quang phổ của JWST có thể cung cấp thông tin chi tiết về sự phân bố không gian của tất cả các phân tử này và mở rộng tìm kiếm hiện tại sang các phân tử khác phức tạp hơn, mang lại độ nhạy và độ phân giải cao hơn, điều cần thiết để xác nhận sự hiện diện rất có thể xảy ra của các axit amin trong khí ở khu vực này và ở các khu vực hình thành sao khác”.