Ngày nay, hầu hết các thiết bị điện tử (như tai nghe không dây, điện thoại, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh) đều trang bị khả năng chống bụi và chống nước, trải dài từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp. Cũng vì thế, một số người dùng hiểu nhầm về tác dụng chính của tính năng này mà vô tình thử nghiệm trên thiết bị của mình, gây ra những hư hại không đáng có. Vậy chuẩn chống nước và chống bụi có thực sự như quảng cáo từ các hãng sản xuất?
Tiêu chuẩn IP trên các thiết bị điện tử là gì?
IP (Ingress Protection) là chỉ số thể hiện mức độ được bảo vệ của một thiết bị nào đó do ngoại lực tác động lên. Nói đơn giản, chỉ số IP càng cao, thiết bị của bạn càng chống chịu tốt bởi các tác động bên ngoài. Đây là chỉ số được ban hành bởi Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IETC). Một số tác động ngoại lực thường gặp là rơi vỡ, bụi, nước. IP là chỉ số đề cập đến mức độ thiết bị được bảo vệ bởi tác nhân bụi và nước.
Ý nghĩa của các con số theo sau IP
Chữ số đầu tiên theo sau IP là khả năng chống bụi của thiết bị. Hiện tại, mức cao nhất là mức 6, nó có thể chống bụi đến kích thước micro. Khi được trang bị chỉ số chống bụi này, thiết bị của bạn có thể làm việc ở một số môi trường như công trình xây dựng, các khuu chế xuất,… mà không lo lắng về khả năng hư hại của điện thoại. Nói như vậy không có nghĩa là những thiết bị điện tử khác nếu không trang bị chỉ số chống bụi ở mức 6 sẽ không thể sử dụng ở các môi trường trên, mà nó sẽ nhanh bị hư hại hơn các thiết bị đã được trang bị chỉ số này. Đây là công bố chính thức từ những thử nghiệm của IETC.
Chữ số theo sau chỉ số chống bụi thể hiện mức độ chống nước của thiết bị. Hiện tại, mức chống nước cao cấp thường được sử dụng là mức 8, có thể chống được nước từ mọi phía và dưới độ sâu 1 mét. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất đã trang bị mức 9 cho một số thiết bị của mình để tăng cường khả năng bảo vệ. Mức 9 là một mức chưa được sử dụng rộng rãi, điểm khác biệt duy nhất của nó là chịu được mức nước sâu hơn 1 mét (tùy vào áp lực nước). Một số chuẩn kháng bụi và nước thường được sử dụng là: IP53, IP65, IP67, IP68, IP68+.
Ưu và nhược điểm của các thiết bị trang bị khả năng chống bụi và chống nước
Với khả năng chống bụi và chống nước, thiết bị của bạn sẽ được an toàn và bền bỉ hơn các thiết bị không được trang bị chỉ số này. Bên cạnh đó, việc trang bị khả năng chống bụi và chống nước cũng sẽ giúp thiết bị trông liền mạch hơn. Trong tương lai, các nhà sản xuất sẽ hướng đến việc cho ra những chiếc điện thoại thông minh không lỗ cắm và không nút bấm để cải thiện khả năng chống bụi và nước ở mức tối đa. Theo đó, các thiết bị không có lỗ cắm sẽ có thể sử dụng tính năng sạc không dây thông qua mặt lưng hoặc wifi, các nút bấm sẽ thay thế bằng cử chỉ chạm và vuốt, khe sim sẽ thay thế bằng esim.
Tuy nhiên, việc trang bị tính năng chống bụi và nước cũng mang lại một số bất lợi. Đầu tiên, thiết bị sẽ khó tháo lắp dẫn đến việc sửa chữa tốn nhiều công sức hơn nên chi phí sửa chữa cũng cao hơn. Thứ hai, nếu đã có can thiệp tháo lắp, tính năng chống nước sẽ mất hoặc không còn nguyên vẹn như ban đầu, dẫn đến việc người dùng trong quá trình sử dụng phải hết sức cẩn thận. Cuối cùng, các thiết bị trang bị chỉ số này thuộc phân khúc cận cao cấp trở lên nên chi phí để đầu tư cũng không phải ít.
Một số lưu ý khi sử dụng các thiết bị chống bụi và nước
Đầu tiên, hãy đóng chặt các khe sim, khe sạc, khe cắm usb bằng gioăng cao su nếu bạn có ý định cho thiết bị tiếp xúc với nước. Với các cổng kết nối, nên để khô hẳn rồi mới cắm cáp (hoặc tai nghe) vô để tiếp tục sử dụng.
Thứ hai, điều kiện để nhà sản xuất thử nghiệm và công bố kết quả cho mỗi chỉ số IP là trong khoảng nhiệt độ từ 15-35 độ C trong môi trường nước cất (nước không có tạp chất). Do đó, người dùng cần tránh để thiết bị tiếp xúc với nước biển, nước muối, nước ép trái cây, nước khử trùng clo và các chất lỏng như chất tẩy rửa…
Cuối cùng quan trọng nhất, chỉ nên sử dụng thiết bị khi đã làm khô chúng
Tóm lại, tính năng chống nước và chống bụi là có thật. Tuy nhiên, người dùng cần đọc kĩ hướng dẫn từ nhà sản xuất, cũng như chế độ bảo hành vì hiện tại chưa có nhà sản xuất nào bảo hành lỗi vào nước cho thiết bị. Nhìn chung, người dùng chỉ nên coi tính năng chống nước và chống bụi là một tính năng để bảo vệ thiết bị những lúc bất trắc, không nên coi đây là tính năng chính để sử dụng quá nhiều.