ĐỜI SỐNG

Tình yêu ở chim bồ câu có lãng mạn như con người chúng ta?

Hòa Bảo • 16-10-2020 • Lượt xem: 6907
Tình yêu ở chim bồ câu có lãng mạn như con người chúng ta?

Có thể bạn sẽ học được thêm về tình yêu xung quanh chúng ta, điển hình như về một câu chuyện về loài chim bồ câu được nói đến sau đây. Hãy cùng xem thử những điều mà bồ câu dạy chúng ta về tình yêu. Trong tình yêu, liệu con người có hơn loài chim?

Mùa xuân năm ngoái tôi biết đến một cặp bồ câu. Tôi thường rắc hạt hướng dương cho chúng và những chú chim sẻ khu Brooklyn nhà tôi ăn. Thường thì tôi sẽ rời đi để không quấy rầy chúng khi ăn, nhưng thỉnh thoảng tôi lại muốn tưới cây hoặc tắm nắng. Việc này luôn khiến lũ chim bỏ chạy tán loạn, ngoại trừ đôi bồ câu kia!

Chuyện tình của đôi chim

Một trong hai con, có lẽ là con đực, là một đại diện to lớn của họ nhà bồ câu, với những chiếc lông to và xoăn một cách nhã nhặn. Con cái còn lại nhỏ hơn và có một sự tương phản rõ rệt: phần lông ở đầu và cổ lộn xộn, đôi mắt ngấn nước, toát lên một vẻ mệt mỏi có thể do bệnh tật.

Ảnh: UNSPLASH

Con cái còn không có đủ sức nhấc cánh lên khi tôi đến gần. Thay vào đó, nó tránh xa tôi bằng vài bước đi rệu rã. Bạn nó bay qua bay lại chỗ hiên nhà. Có vẻ nó luôn muốn chạy trốn khi tôi đến gần, nhưng nhìn bạn mình với vẻ lo lắng rõ rệt, nó định chỉ thực sự bay đi khi đã chắc chắn đã có người bạn của mình mà thôi.

Điều này khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đã dành khá nhiều thời gian để quan sát động vật và viết về chúng – không chỉ là về quần thể, sự tương tác, hay đặc điểm sinh lý, mà cả về tâm trí, rằng chúng có những suy nghĩ hay cảm giác như thế nào. Ấy vậy mà tôi vẫn chưa từng đặt mình vào vị trí một chú chim bồ câu.

Hơn nữa, tôi đã hình thành thói quen diễn giải hành vi thông qua một lăng kính tiến hóa hạn hẹp, mặc định rằng các quyết định của chúng là những tính toán lạnh lùng nhằm tối ưu hóa khả năng thành công trong sinh sản. Từ quan điểm đó, sự trung thành của con đực thật vô lý: Đáng nhẽ nó nên bay đi và tìm một người bạn đời khác khỏe mạnh hơn để duy trì gen của mình hơn là dính lấy con chim bị bệnh này.

Tất nhiên là tôi sẽ không đóng khung cuộc sống của mình theo cách đó. Những cảm xúc có ý nghĩa của tôi sẽ chuyển thành động lực. Tuy nhiên, khi nhìn “Harold và Maude” (tôi đã đặt tên cho cặp bồ câu như vậy), câu chuyện của chúng gợi đến những bức tranh mà tôi cùng bạn gái đã khắc họa như một cách bộc lộ cảm xúc. Harold cư xử với một sự tận tâm, dịu dàng, và tình cảm: nền tảng của thứ mà con người chúng ta gọi là tình yêu.

Loài bồ câu sẽ chứng minh cho bạn thấy!

“Tình yêu” là một từ không thường xuyên gắn với chim bồ câu, hay thậm chí là các loài động vật khác. Jeffrey Moussaief Masson viết trong cuốn “When Elephants Weep: The Emotional Lives of Animals” rằng: “Sự tôn kính cao nhất của chúng ta dành cho tình yêu lãng mạn, một đặc điểm gây nhiều hoài nghi nhất khi gán với động vật.”

Ảnh: UNSPLASH

Thật vậy, khoa học trong hầu hết những thế kỷ sẽ thấy những ý tưởng này thật tức cười, cho rằng những cảm xúc của Harold – nếu chim bồ câu có thể có cảm xúc – là một cảm giác thúc giục bản năng, vô thức để ở bên cạnh bạn đời của nó, một sự thôi thúc chẳng có nhiều ý nghĩa tình cảm hơn là cảm giác ngứa ngáy.

Sau tất cả, tình yêu là một phần quan trọng của con người. Làm thế nào mà một sinh vật với bộ não chỉ bằng hạt đậu có thể cảm nhận một thứ lớn lao đến vậy? Thứ đã khơi nguồn cho vở kịch Romeo và Juliet?

Tôi ngờ rằng một phần của sự do dự khi nói về tình yêu ở loài chim bắt nguồn từ những nghi hoặc của chúng ta về cơ sở sinh học của tình yêu: Có phải tình yêu chỉ là những “tương tác hóa học”? Một tập hợp những đặc điểm hoocmon và nhận thức được định hình bởi tiến hóa để ưu tiên những hành vi mang lại những chiến lược giao phối tối ưu?

Có lẽ tình yêu không phải là thứ định hình con người, mà là một đặc điểm chung mà chúng ta chia sẻ với những loài khác, bao gồm cả loài bồ câu nhỏ bé.

Loài bồ câu yêu nhau như thế nào?

Các cặp chim có chế độ một-một cùng nhau chia sẻ thức ăn, thông tin, và trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, đặc biệt là ở những loài mà con non cần sự chăm sóc liên tục.

Trong trường hợp của bồ câu, những con bồ câu non yếu ớt thường được giấu rất kĩ đến nỗi rất ít cư dân thành thị từng nhìn thấy chúng. Tình yêu – sự quan tâm và chú ý dành cho những nhu cầu của người khác, củng cố bằng những giá trị cảm xúc – có thể thúc đẩy sự hợp tác và làm tăng khả năng nuôi lớn những đứa con khỏe mạnh của các đôi.

Ảnh: UNSPLASH

Claudia Wascher là một nhà động vật học tại Đại học Anglia Ruskin, người có công trình nghiên cứu với chủ đề những con ngỗng xám có bạn tình có hàm lượng hoóc-môn căng thẳng thấp hơn những con độc thân. Cô nhận xét rằng, không nghi ngờ gì, sự gắn kết giữa các đôi là vô cùng mạnh mẽ.

“Những gắn kết xã hội nói chung có vẻ rất quan trọng đối với loài chim,” Wascher cho biết, “và sự gắn kết quan trọng nhất đối với chúng là quan hệ đôi lứa.” Chúng ta có thể xem xét các bằng chứng có thể quan sát để bảo vệ cho luận điểm về mặt sinh học.

Khoảng một thập niên trước, Rita McMahon đã tìm thấy một con chim bồ câu bị gãy một chân trên hiên nhà của cô tại khu thượng tây ở thành phố New York. Cô chim này thực ra khá may mắn. McMahon đã đồng sáng lập ra Quỹ Chim Hoang dã (Wild Bird Fund), nơi chăm sóc cho khoảng 3.500 chú chim bị bệnh và bị thương mỗi năm. Một bác sĩ thú y đã cắt bỏ chân của con chim bồ câu đó. Trong lúc phục hồi, nàng được nghỉ ngơi trên một cái đệm đặt cạnh cửa sổ căn hộ của McMahon. Và bên kia cửa sổ là người bạn tình của nàng đứng trông nom hàng ngày, bầu bạn với nàng cho đến khi nàng được thả ra và cả hai được đoàn tụ.

Cũng cần xem xét liệu chim bồ câu có những trải nghiệm tình yêu mà chúng ta không có hay không. Liệu một loài chim với đặc tính sinh lý cơ bản thích nghi với sự thay đổi của các mùa, có thể cảm nhận được sóng hạ âm, và nhìn thấy từ trường Trái đất, có những khả năng cảm xúc vượt cả những cảm xúc của chúng ta không? Liệu có thể bao gồm cả các hình thức tình yêu không chỉ tương đồng với cảm xúc của chúng ta, mà còn là một thứ độc đáo của riêng chúng?

Những câu hỏi này dành cho trí tưởng tượng của chúng ta. “Tình yêu ở động vật cũng có thể bí ẩn và phức tạp như tình yêu của con người qua bao nhiêu thế kỉ vậy,” Masson viết.

Tuy nhiên, có thể nghe không thật sự lãng mạn, tôi không cho rằng tình yêu bí ẩn đến vậy. Tình yêu chỉ đơn giản là khiến chúng ta cảm thấy tuyệt vời mà thôi.

Còn về Harold và Maude, tôi không biết câu chuyện của chúng kết thúc như thế nào, hoặc liệu rằng nó có tiếp diễn hay không. Chúng làm tổ trong một tòa nhà bị bỏ hoang một phần trong khu phố đang được nâng cấp nhanh chóng của tôi. Tòa nhà đó giờ đang được xây thành một khu chung cư, khiến chúng trở thành những nạn nhân của giá bất động sản leo thang ở Brooklyn, dù cho chúng có nhiều cơ hội hơn nhiều người trong việc tìm một nơi tươm tất để sống gần đó.

Dù vậy, câu chuyện về chúng lưu lại trong tâm trí tôi, và giờ đây tô điểm cho những suy nghĩ của tôi về người hàng xóm có cánh của mình. Ở khắp nơi và không được trân trọng, thường bị phớt lờ hoặc bị coi là những con vật bẩn thỉu, phiền nhiễu, chim bồ câu bây giờ mang một ý nghĩa khác đối với tôi. Đậu trên rìa những tòa nhà, đuổi theo những mẩu vụn thức ăn, bay lên bầu trời lúc hoàng hôn: Mỗi chú chim đều nhắc nhở rằng tình yêu ở xung quanh chúng ta.

(Theo Nautilus)