ĐỜI SỐNG

Tỏa sáng nghị lực Việt – Tuyên dương 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022

Thiện Thuật • 30-09-2022 • Lượt xem: 357
Tỏa sáng nghị lực Việt – Tuyên dương 50 thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” nhằm tuyên dương các thanh niên khuyết tật năm 2022  đã mang đến nhiều cảm xúc về nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng của các thanh niên khuyết tật.

Cùng chung bước tỏa sáng nghị lực Việt

Tối ngày 29-9, tại Hà Nội, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt nam cùng với Công ty trách nhiệm hữu hạn TCP Việt Nam tổ chức chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022.

Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS HCM, Chủ tịch Hội LHTHVN Nguyễn Ngọc Lương trao Bằng khen cho anh Phạm Sỹ Long

Tham dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Sau hơn 3 tháng triển khai kể từ cuối tháng 5/2022, Ban Tổ chức đã nhận được 88 hồ sơ xét duyệt của 60 đơn vị, tổ chức từ 44 tỉnh, thành phố và 16 tổ chức xã hội, trường đại học trên toàn quốc, từ đây Ban tổ chức đã chọn ra 50 trường hợp tiêu biểu góp mặt tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022.

Các đại biểu nhận bằng khen và phần quà từ ban tổ chức chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt năm 2022

Phát biểu tại chương trình ông Nguyễn Ngọc Lương - bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam - cảm phục trước tinh thần phi thường, vươn lên số phận của các đại biểu thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương. Ông chia sẻ: “Các bạn chính là những tấm gương tỏa sáng nghị lực Việt, là động lực, là nguồn cảm hứng tiếp sức cho các bạn thanh niên khuyết tật khác thêm tin yêu và lạc quan trong cuộc sống, thêm vững bước trên con đường đi đến bình đẳng và hòa nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo ra các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng”.

Mỗi thanh niên khuyết tật là một câu chuyện đẹp

Năm nay, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/9 với nhiều hoạt động như: gặp mặt, kiến nghị các chính sách, pháp luật về người khuyết tật với Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”…

Mở đầu chương trình với câu hát Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? trong bài hát Khát vọng tuổi trẻ mà tác giả Vũ Hoàng sáng tác, chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt 2022 mang đến 50 câu chuyện truyền cảm hứng từ 50 tấm gương thanh niên khuyết tật vượt qua khó khăn, đóng góp tích cực cho xã hội.

Đó là câu chuyện của Chị Vũ Thị Hải Anh bị khiếm thị bẩm sinh với ước mơ được trở thành nhà báo tỏa sáng trên sân khấu với những bước nhảy thuần thục, đầy tự tin. Cô mang trong mình khát khao cháy bỏng với nghề biên tập viên với mong muốn trở thành cầu nối kết nối người khuyết tật với cộng đồng xã hội, kết nối mọi người lại với nhau.

Hay câu chuyện của Anh Tô Đình Khánh, chàng trai khuyết tật đang chủ đề hot trên mạng xã hội có mặt trong chương trình đã gửi đến câu chuyện truyền cảm hứng. Anh chia sẻ: "Biến cố này là của mình, số phận này là của mình, chỉ có chính mình mới giúp mình vượt qua được chứ không phải ai khác". Không ai nghĩ rằng một chàng trai vừa thoát cửa tử, sống khổ sở với nửa thân trên, lại có thể vực dậy và xây dựng thành công một “đế chế nghị lực” để kiếm tiền với doanh thu hơn 1 tỷ/tháng.

Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc hợp tác xã Tâm Ngọc tại Hà Nội chia sẻ: “Năm 1 tuổi, sau một lần sốt cao, chân trái dần teo quắt lại, với sự kiên trì tập luyện suốt 10 chị đã đứng dậy đi lại bằng đôi chân của mình. Lập gia đình song sau một vụ tai nạn, chồng đã bỏ đi, mình chị phải vượt qua khó khăn nuôi hai đứa con. Hiện chị là giám đốc hợp tác xã đang tạo việc làm cho 40 người khuyết tật làm việc tại hợp tác xã.

Anh Phạm Sỹ Long sinh ra tại Hà Tĩnh với một nghị lực và một ý chí phi thường mà ai cũng phải ngưỡng mộ đã nỗ lực, kiên trì tập luyện, dùng miệng để vẽ tranh, làm thơ. Anh cho biết: "Ngoài cái đầu ra, cơ thể tôi bị liệt hoàn toàn, liệu tôi có thể làm được gì đây?".

Chị Nghiêm Thu Loan ở Hà Nội hiện là chủ nhiệm đồng thời là người sáng lập Câu lạc bộ Step - hành động vì người khiếm thị, là tác giả của cuốn sách “Sáng hơn ánh mặt trời”. Câu chuyện của anh Lê Văn Đông ở Nghệ An mở gian hàng tranh thư pháp, tranh đính đá và quán ăn với tổng thu nhập 200 triệu đồng/năm công ăn việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên tại địa phương.

Mỗi đại biểu là một câu chuyện đẹp “tàn nhưng không phế’, một tấm gương điển hình về nghị lực sống và khát vọng được cống hiến cho cộng đồng và xã hội

Ngoài ra, nhiều tấm gương đạt thành tích cao trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, giáo dục, thể dục thể thao, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thanh thiếu nhi là tấm gương sáng trong cộng đồng như vận động viên Nguyễn Thị Mỹ Linh, vừa giành 4 huy chương vàng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á 2022, Nguyễn Thị Mỹ Linh là vận động viên khuyết tật xuất sắc toàn quốc, từng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ban tổ chức chương trình đã trao Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho thanh niên khuyết tật tiêu biểu toàn quốc cùng với một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.