Phim

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng.

Thoại Vy - Hình internet • 17-01-2018 • Lượt xem: 1603
Tôi ơi, đừng tuyệt vọng.

Nếu được phép sửa tên bài hát, tôi chỉ mong được sửa một chữ thôi. Và tên bài hát của Trịnh Công Sơn trở thành lời nhắn nhủ ân cần không chỉ cho tôi “Bạn ơi, đừng tuyệt vọng”!. Bởi, hay rằng nhiều bạn cùng thời với tôi đã thương mến cuộc đời này thêm nhiều, khi gặp gỡ mình trong ca từ “Tôi ơi đừng tuyệt vọng !”. Như thể họ đã từng yêu da diết đắm say những ca khúc của Trịnh trong chuỗi ngày mưa dầm ở Huế.
Bạn hỏi tôi sao lại quyến luyến đến thế với mảnh đất chẳng dính dấp ruột thịt nhiều với mình. Và, nếu so với cả cuộc đời, thì mấy năm ở Huế chỉ là một sat – na. Tôi cũng đã tự hỏi mình nhiều lần như vậy, khi nghe ca khúc này trong một cơn mưa chiều hiu - hắt - Huế. Và, tại sao những người trẻ cùng thời với tôi, hầu hết thích nghe Trịnh. Họ phần nào dè dặt với những tài hoa sang trọng như Văn Cao, Phạm Duy hay Đoàn Chuẩn, Cung Tiến… mà lại mở lòng với Trịnh ?!. Tại những chiếc cầu mưa trong nhạc phẩm của Trịnh đã kết nối họ với cơn mưa trắng trời ở Huế ?. Những nhịp cầu mưa ướt lạnh mái hiên, làm hoen bờ mi cong mềm (Ướt mi); đẫm ướt lối về đường phượng bay xao xác và thấm vào áo ai vai gầy thân mảnh run run qua cầu (Mưa hồng), làm tê tái ngọn cổ tháp vốn vô tri, trơ gan cùng tuế nguyệt (Diễm xưa); khiến những chiều mưa dài thêm nỗi nhớ ?. Hay tại hôm nao bụng trống túi rỗng, lại vừa chia tay một tình bạn – tình yêu thanh mai trúc mã xa lắc nào đấy, lòng bất chợt dấy lên cơn mưa bụi lạnh tái người ?. Rồi thì trong một quán nhỏ sầu đời (vì thỉnh thoảng cậu bạn viêm màng túi kinh niên vẫn đến cắm sổ, và tuyệt vọng mường tượng khoản “lương” còm chắt chiu từ quê nhà sẽ bay vèo ngay đầu tháng), giọng nhừa nhựa của Khánh Ly vừa kịp cất lên như niềm vỗ về ủi an: “Đừng tuyệt [Am] vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Lá mùa [E7] thu rơi rụng giữa mùa đông”. Mùa tự nhiên vẫn có khi không thuận theo vòng tuần hoàn, thì đời ta có chi bất biến ?. Đông chí ở đây không có tuyết mà vẫn rét run cầm cập và cái lạnh làm se sắt mọi nỗi đời nhạy cảm với thời cuộc, với thân phận. Có phải vì thế mà mùa Huế chớm đông, lá vàng vẫn còn rụng u ám đâu đó nơi góc phố, rơi lay lắt dưới một mái hiên đời ?!. Ngay lúc ấy chớ dại dột mà hỏi sao không nghe giọng ca nhí nhảnh trong sáng của “Bống” Hồng Nhung hay Trịnh Vĩnh Trinh, mà phải nghe chính giọng điệu tự sự của tác giả, bình thản âm trầm cất lên lời tha thiết ở đúng cung la thứ. Hoặc nghe Khánh Ly nỉ non với chất giọng chớm khàn đục. Người tỏ cho ta hay những chìm khuất của vô vọng, da diết trong mối đồng cảm tuyệt cùng buồn thương dần nâng lên ở cung mi bảy: “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt [E7] vọng”. Tuyệt vọng nguyên khởi đưa ta đến gần nhau, giống nhau, là của nhau; gắn đời ta lại với nhau trong mối giao kết không cùng giữa cung rê thứ (Dm) và đô trưởng (C) “Em là [Dm] tôi và [G] tôi cũng là [C] em”. Mối tương lân sâu xa nuôi ta lớn khôn lên trong nỗi buồn nhân bản. Nỗi buồn “đẹp như một bông hoa” bởi chưng được tái sinh trong từ bi, trong ân huệ nhỏ bé do cuộc đời mang đến, trong vòng luân chuyển vô thủy vô chung của vũ trụ sinh diệt. Biết thương những ngày mưa trầm mặc để có những ngày nắng ấm sôi nổi, biết thương những giọt tàn phai cuối ngày để có những bình minh ngời nắng. Vì thế, sự lặp lại cấu trúc ở phiên khúc thứ hai là sự láy lại chủ ý theo luân hồi chuyển dịch “Đừng tuyệt [Am] vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng/ Nắng vàng [E7] phai như một nỗi đời riêng”. Cung mi bảy ở câu tiếp theo nhấn nhá thêm quy luật của tự nhiên, cũng là quy luật tình người. Những nỗi đời riêng ấm lạnh như nắng nhạt phai khi chiều về quạnh quẽ, này em có thấu ?! Vậy thì hãy chấp nhận tuyệt vọng như một công án. Là tự nhiên như nhiên ! Là một kiểu giác ngộ chân thiền “Em hồn [Dm] nhiên rồi [G] em sẽ bình [C] minh”.


Nghe đến đây, tưởng bến giác đã gần. Hóa ra Trịnh nhạc sĩ vẫn chưa đi hết vô minh bởi còn nặng nợ trần gian, vì còn tha thiết yêu thương cõi đời vô thường. Hợp âm đô thăng thứ xuất hiện bất ngờ đến hai lần trong phần điệp khúc đầy khắc khoải ám chướng, song hành với giọt lệ xót người đau tôi:

“Tôi là ai …/ là ai, là ai…”:
Tôi là [A] ai mà còn khi dấu [C#m] lệ
Tôi là [E7] ai mà còn trần gian [A] thế
Tôi là [Bm] ai, là [C#m] ai, là [E7] ai
Mà yêu quá đời [Am] này.

Ca khúc khép lại ở cung la thứ đúng như lúc bắt đầu (“Yêu quá đời này”). Vô cùng hiện sinh !. Như thể ngày ta cất tiếng khóc chào đời là nốt bi ca đầu tiên trong bản đàn định mệnh tấu lên căn phần của chính mình, trên hành trình đến cõi vô tận. Phải chăng tôi và bạn cùng thích nhạc Trịnh vì trong suốt đời mình, ông ấy đã hát lên dùm ta tiếng nói của thiên lương con người.