GIẢI TRÍ

Tôn vinh di sản làng nghề truyền thống trên phim

Cẩm Chi • 13-12-2023 • Lượt xem: 5878
Tôn vinh di sản làng nghề truyền thống trên phim

Nước ta có hàng trăm nghề thủ công truyền thống lâu đời - đây chính là nguồn chất liệu vàng để các nhà làm phim Việt khai thác. Giữa dòng chảy của những bộ phim hiện đại, việc xuất hiện những tác phẩm gắn với yếu tố làng nghề được xem là “của hiếm” và luôn được nhiều khán giả yêu văn hóa lịch sử đón nhận.

Tình yêu với làng nghề

Hơn hai mươi năm trở lại đây, không ít bộ phim hoặc chọn các làng nghề truyền thống là bối cảnh, hoặc trực tiếp đi sâu khai thác câu chuyện gắn liền với các ngành nghề. Tiêu biểu là nghề làm gốm (Miền đất phúc), sơn mài (Sóng gió làng nghề), đóng ghe xuồng (Hương phù sa), làng nghề dệt vải Mã Châu (Lụa), trồng hoa (Chuyện tình làng hoa, Tình thắm duyên xuân), làm kẹo dừa và hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa (Chuyện xứ dừa), làm muối (Mặn hơn muối), nuôi cá bè (Chuyện làng bè), múa lân sư rồng (Vũ điệu ngày xuân)… 

Quy trình nghề sơn mài lên phim

“Miền đất phúc” là một trong những bộ phim gây tiếng vang vào năm 2007 khi kể về những thăng trầm của một đời người, một làng nghề làm gốm sứ cổ truyền ở Bình Dương. Đây còn là hành trình đầy chông gai của những chàng trai cô gái đầy đam mê đã biến từng hạt đất trong những lò gốm nhỏ thành những tuyệt tác có giá trị vô giá. Dù trải qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tình yêu nghề, tài năng và nhiệt huyết, nghị lực và sự lao động miệt mài, họ đã phục hưng được nghề gốm sứ gia truyền, phát triển nghề truyền thống trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Làng nghề gốm truyền thống ở Bình Dương là bối cảnh cảm xúc cho các bộ phim thập niên 2000

Bộ phim Lụa - Đạo diễn Trần Đức Long cũng thu hút dư luận với đề tài về nghề lụa cổ truyền và tâm huyết của người trẻ với nghề truyền thống. Các cảnh quay của phim được thực hiện nhiều ở Hội An, Đà Lạt, Lâm Đồng, Đồng Nai và TP HCM. Phim còn có những cảnh quay đẹp về làng nghề dệt lụa ở Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) từ quá khứ đến hiện đại.

Nổi tiếng gần đây phải kể đến phần 6 của thương hiệu điện ảnh “Lật mặt”, Lý Hải đã chi tiền tỉ để phục dựng làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp) nhằm đem lại trải nghiệm điện ảnh đậm nét văn hóa. Đây là làng chiếu cổ nằm bên dòng sông Hậu, có tuổi đời hàng trăm năm, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, nghề chiếu hiện mai một dần, quy mô làng nghề ngày càng thu hẹp do nhu cầu thị trường giảm. Chính vì vậy, anh quyết định mang làng chiếu Định Yên lên màn ảnh rộng với hy vọng phục dựng lại thời vàng son và giới thiệu giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề thủ công này.

Làng chiếu miền Tây được tái hiện trên phim điện ảnh ăn khách bậc nhất năm 2023

Để có thể khôi phục và tái hiện hình ảnh những con đường làng chiếu chân thật, ê-kíp Lật Mặt phải xây dựng nhiều lò nhuộm lát và bãi sân phơi lát - phơi chiếu, tái hiện phiên chợ chiếu ngày - đêm với quy mô hoành tráng. Để bối cảnh thêm sống động, Lý Hải không ngần ngại mua hàng ngàn chiếc chiếu chỉ phục vụ mục đích ghi hình. Sau đó, anh đã tặng lại lò nhuộm lát cho người dân nơi đây để bất kỳ ai nếu muốn, đều có thể sử dụng với hy vọng phần nào níu giữ nét tinh túy của làng chiếu truyền thống.

Một bộ phim khác đã đưa di sản văn hóa, vẻ đẹp cổ truyền Việt Nam lên phim và gặt hái nhiều thành công là “Song Lang”. Là phim làm về nghệ thuật cải lương, “Song Lang” tập trung khai thác nét đẹp của nghệ thuật cải lương và chiều sâu cảm xúc nhân vật. Phim tái hiện một thời huy hoàng của cải lương Việt, giúp khán giả hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thống này và đời sống của các đào, kép hát, khiến khán giả rung cảm và thêm trân trọng di sản văn hóa của đất nước.

Tâm huyết bảo tồn di sản

Hầu hết khi nói về mục đích làm phim về làng nghề truyền thống, ekip muốn lồng ghép giá trị truyền thống để thế hệ sau tiếp nối và bảo tồn giá trị tốt đẹp nhất, đồng thời cũng mong muốn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của Việt Nam. Cái khó khi viết kịch bản phim về làng nghề là phải đào sâu, tìm hiểu góc nhìn đa chiều về thế giới đó rồi mới đặt câu chuyện vào. 

Thực tế, với các đạo diễn làm phim có liên quan đến các làng nghề truyền thống luôn có hai khó khăn thường trực. Thứ nhất, đó là việc làm sao để tái hiện làng nghề đó một cách chân thực, gần gũi trong bối cảnh kinh phí có hạn. Một điều đáng ghi nhận là các đoàn phim thường nhận được nhiều sự hỗ trợ của bà con địa phương. Trong khi đó, khó khăn lớn hơn là làm thế nào vừa lồng ghép, tôn vinh làng nghề, nhưng đồng thời vẫn tạo nên một câu chuyện có tính gắn kết, mạch lạc. Ngoài ra, người làm phim còn cần tìm hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc và thực hiện phim làm sao phải chạm được đến cảm xúc người xem.

Một câu chuyện làng nghề hay cần nhiều yếu tố về kịch bản, am hiểu thực tế, đầu tư bối cảnh...

Nhiều làng nghề truyền thống, nghề thủ công ngày nay đã dần mai một. Các bộ phim tôn vinh chúng đã và đang giúp lan tỏa đến người xem niềm tự hào về bề dày văn hóa cùng những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. Thực tế, công chúng luôn dành sự quan tâm và thiện cảm lớn đối với những bộ phim có chứa những yếu tố đẹp về văn hóa, bản sắc dân tộc. Yếu tố bản sắc Việt cũng là điều mà phim ảnh Việt cần hướng tới nếu muốn tiến ra hội nhập với phim ảnh thế giới. Bên cạnh lợi nhuận, điều quan trọng hàng đầu ở những bộ phim như này chính là tâm huyết của nhà làm phim và trách nhiệm với văn hóa dân tộc.