ĐỜI SỐNG

Trà thất tĩnh lặng bên sông Hương

Bài và ảnh: Hà Thành • 26-11-2023 • Lượt xem: 1776
Trà thất tĩnh lặng bên sông Hương

Nằm khiêm nhường giản dị bên dòng sông Hương, “quán” này dễ làm phải lòng những ai ưa thích sự tĩnh lặng, an nhiên. Khung cảnh bình yên và kiến trúc độc đáo rất khéo giữ chân khách, để yêu hơn nơi chốn này…

Bạn bảo: Qua chỗ ni nhé, cho yên tĩnh, tha hồ mà trầm tư và suy tư! Bạn đùa tôi, vì tôi có trót làm thơ... Đi theo con đường dọc bờ sông thênh thang nắng, rồi tới một nếp cổng lợp ngói liệt mang dáng dấp xưa cũ. Có lẽ khách đi ngang qua sẽ chẳng để ý, chẳng thể biết đây là chốn quán xá. Nếp cổng này cũng giống như nhiều kiến trúc cổ vẫn còn tồn tại ở vùng đất vốn một thời là thủ phủ cố đô, dẫu bây giờ đã ít nhiều bị đô thị hoá. Tấm biển nhỏ bé khiêm nhường treo dưới mái cổng, chỉ đề hai chữ ngắn gọn: “Trà thất”

Dân Huế vẫn gọi nơi đây là Trà thất Kim Long, để phân biệt với những Trà thất khác. Nhưng Trà thất này dường như được yêu thích hơn cả, ưu ái hơn cả; bởi nằm ở một không gian thoáng đãng, yên tĩnh, trong lành, với một kiến trúc phù hợp cho việc thưởng trà và... trầm tư.

Tấm biển khiêm nhường nằm dưới mái cổng. Phía trong là một kiến trúc thô mộc...

Khoảng sân nhỏ bên hông nhà rợp bóng cây xanh, với cách sắp đặt tự nhiên và vật liệu thô mộc, giản dị.

Khoảng sân phía trước cũng tràn ngập màu xanh, phía xa là dòng Hương Giang

Quán là một kiến trúc đầy thô mộc, xây gạch trần không trát; và được xây bằng những viên gạch vồ cỡ lớn như gạch xây thành xưa. Khuôn viên nhỏ, nhưng vẫn đủ bóng cây xanh, đủ để mát mắt và cả.... nao lòng. Âm hưởng chung của nơi này là tĩnh lặng, thuần khiết, phảng phất cũ xưa, hoài niệm, phảng phất một chút thiền. Là Trà thất, tất nhiên là có chỗ ngồi để thưởng trà; có nhiều nơi, nhiều kiểu ngồi. Nhưng quán cũng là nơi trưng bày bộ sưu tập đồ sứ cổ của chủ nhân. Chất liệu gạch mộc, chất liệu gỗ, chất liệu của những đồ sứ cổ tạo nên một sắc thái riêng của không gian.

Những góc ngồi ở tầng trệt có tính riêng tư, tĩnh lặng mà vẫn thoáng đãng.

Góc ngồi trên lầu cạnh cầu thang, kiểu ngồi sàn. Ô cửa tròn có hoa văn cách điệu từ chữ “Thọ” và chữ “Vạn”.

“Bức tường” ngăn cách không gian trong lầu với hiên bên ngoài là giá bày những bình sứ cổ.

Ngăn cách, mà như không ngăn cách.

Trà thất đóng cửa buổi sáng, chỉ mở cửa từ giữa giờ chiều đến tối muộn. Quán chẳng mấy khi đông, mà có lẽ, nếu đông theo cách quán xá ồn ào thì sẽ không còn là Trà thất. Dường như vấn đề kinh doanh không phải là quá quan trọng với chủ nhân. Nhẩn nha hỏi chuyện, tôi được biết chủ quán là Phật tử chùa Thiên Mụ, và rất ngưỡng mộ Đức Bồ Đề Đạt Ma. Đó là lý do tại sao hình ảnh Đức Bồ Đề Đạt Ma có ở khắp nơi trong Trà thất, từ trên mái công trình, sảnh vào, cầu thang, trên những bức tường... với nhiều hình thức thể hiện: Phù điêu, tranh, tượng và cả... vẽ trực tiếp lên tường. Và điều đó cũng phần nào lý giải tại sao Trà thất là... Trà thất, chứ không phải là chốn đậm màu kinh doanh.

Hình ảnh  Đức Bồ Đề Đạt Ma trên tường mái công trình

Sự trang nghiêm mà vẫn gây thú vị trong tạo hình

Dường như ở góc nào, cũng thấy sự hiện diện của Đức Bồ Đề Đạt Ma

Ngồi ở Trà thất, thưởng trà thảo mộc, trong một không gian yên bình, thư thái, tĩnh lặng; đúng là  người ta dễ trầm tư. Có một cái gì đó vừa lắng đọng, lại vừa thanh thản đến nhẹ tênh. Từ hiên trên lầu, nhìn qua khoảng sân, nhìn qua con đường, qua thảm cỏ và hàng cây ở bờ sông, mặt sông thấp thoáng, lấp lánh... Huế dịu dàng trong nắng gió mùa thu!

Trên lầu, lại có một lầu nhỏ nữa với thang gỗ dẫn lên

Những khoảng hiên trên lầu

Chất liệu thô mộc, nhưng cách xử lý lại rất tinh tế và công phu

Hình như tôi và bạn ít nói hơn như mọi khi vẫn ngồi quán xá. Tôi nhìn sang bạn, còn bạn nhìn đâu đó, mắt mơ màng trong nắng. Hình như bạn cũng... trầm tư?!