GIẢI TRÍ

'Trái tim yêu thương' và dấu hỏi lớn về trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng

Thảo Nguyên • 01-08-2022 • Lượt xem: 382
'Trái tim yêu thương' và dấu hỏi lớn về trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng

Sự hấp dẫn của ánh hào quang “ca sĩ” với mức cát-xê cao cho mỗi lần biểu diễn hay độ nổi tiếng/tai tiếng đi kèm với những hợp đồng quảng cáo đắt tiền hay chỉ đơn giản là một nước đi để giành lấy sự chú ý của công chúng, có muôn vàn lý do để bỗng một ngày, một người đẹp vốn chẳng liên quan gì đến âm nhạc, cầm mic. 

“Trái tim yêu thương”, một MV đủ: đủ từ hình ảnh, đủ đến cả lời ra tiếng vào

Trong vòng 5 năm trở lại đây, những trường hợp người đẹp đi hát như Thúy Vân thì không hề hiếm. Trong giới diễn viên thì có Ninh Dương Lan Ngọc, Phi Thanh Vân. Giới người mẫu có Chi Pu hay Phí Phương Anh. Còn gần hơn ta có LONA Kiều Loan, nàng Hậu đi hát từng gây xôn xao một thời. 

Và hiển nhiên, đối với những khán giả không quan tâm đến những cuộc thi hoa hậu, những gì công chúng hoàn toàn có quyền trung thực với những đánh giá và cảm xúc của mình. “Dở thật, nghe như nghẹt mũi” hay “Sao có thể hát tệ như vậy từ hòa âm, phối khí đến cách hát.” Không phải là những màn biểu diễn trực tiếp, đây là cả một MV đã qua chỉnh sửa, hậu kỳ và Thúy Vân hoàn toàn cho thấy sự đầu tư của cô đối với ca khúc, nhưng kết quả thì nói lên điều ngược lại. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đối với những fan hâm mộ người đẹp hay những ai quan tâm đến “easter egg”, những chi tiết ẩn giấu nhằm nói lên một thông điệp nào đó, quanh cuộc thi mà ai cũng biết, thì rõ ràng đây là một MV đủ. Đủ từ visual, đến dàn người đẹp và cả thông điệp xoay quanh. 


Nếu bạn xem MV vì sắc vóc ấn tượng của các người đẹp thì hẳn “Trái tim yêu thương” 10 điểm!

Nghệ sĩ có quyền biểu diễn - công chúng có quyền lựa chọn

Bất kỳ một sản phẩm âm nhạc nào cũng hướng đến phục vụ cho một nhóm đối tượng cụ thể dù đã được tính toán trước hay vô tình. Khi vẫn tồn tại một thị trường người nghe, những sản phẩm như thế vẫn có sức sống riêng và hoàn toàn có khả năng phát triển, dù cho chúng có “dị” đến đâu. Cách đây 1 thập kỷ, chúng ta có chị Lana “kệ” Del Rey với màn trình diễn luôn nằm top tệ nhất lịch sử Saturday Night Live (SNL), với những lời phê bình cho rằng Blue Jeans tại SNL có thể là “dấu chấm hết” cho sự nghiệp của nữ ca sĩ. Nhưng chấm hết thì chưa thấy đâu khi album "Normal F***ing Rockwell" của cô trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá nhất cho giải thưởng “Album của Năm” tại lễ trao giải Grammy, dù cho khán giả thì vẫn chê nhiều.


"Chị không chỉ kệ, chị đăng trên kênh YouTube chính chủ luôn."

Rõ ràng, những nhóm khán giả khác nhau sẽ có cho mình những yêu cầu và kỳ vọng riêng đối với những sản phẩm âm nhạc. Nhóm khán giả hướng đến mục đích giải trí sẽ đề cao sự bắt tai trong giai điệu và lời bài hát giải trí, trong khi nhóm khán giả thưởng thức âm nhạc có chuyên môn sẽ chú ý và am hiểu hơn đến kỹ thuật của người biểu diễn. Tuy nhiên, lại chẳng có nơi nào cấm rằng nếu người nghe hiểu biết về kỹ thuật thanh nhạc thì họ không có quyền đánh giá một ca khúc thị trường. Và khi ấy, vấn đề cần được lật lại, đánh giá để làm gì?

Việc đưa ra những nhận định chuyên môn về hòa âm phối khí, cao độ, cách xử lý một ca khúc là một lời góp ý thẳng thắn. Làm gì có “liều thuốc” nào mà không đắng, những đánh giá này hoàn toàn không phải ngoại lệ. Loại đi những yếu tố như thị trường, hình ảnh hay marketing, cốt lõi của bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào cũng đều nằm ở “âm nhạc”. 

Ca khúc lỗi thời thì chính là lỗi thời, khi lời bài hát trôi tuột, hòa âm phối khí nặng nề không phù hợp với giọng hát ca sĩ hay yếu tố nội lực, xử lý, nhả, ngắt chữ của người hát không hề tốt thì chính là như vậy. Khi xét đến những vấn đề kỹ thuật khi thanh nhạc không còn là câu chuyện của cảm xúc mà là của những phép tính và sự kết hợp cộng hưởng của cao độ và trường độ, tất cả những vấn đề của một ca khúc đều sẽ được phơi bày. Dù cho đó là có một nghệ sĩ nổi tiếng hay có bề dày tôi luyện, từng lần biểu diễn đều có thể đem ra phân tích về kỹ thuật và phong cách cá nhân. Bỏ qua những thành công vượt bậc trong làng âm nhạc Việt Nam, Sơn Tùng M-TP cũng không ít lần vướng phải những lời nhận xét về khả năng “hát live” yếu, chỉ hát đệm vào phần thu âm có sẵn, chói tai. Hay đâu chỉ ở hát live, không ít lần những sản phẩm âm nhạc đã qua hậu kỳ cũng khiến khán giả phải đặt dấu chấm hỏi vì yếu tố thanh nhạc còn hạn chế như Chi Pu, Phí Phương Anh,...

Khi những câu chuyện bên lề dần trở thành yếu tố chính để dẫn dắt phản ứng công chúng

Đa số công chúng với những sản phẩm đầu tay của nghệ sĩ đều có sự khoan dung hơn khi đánh giá, vì đâu chỉ riêng đối với âm nhạc, bất kỳ người mới nào cũng cần thời gian để làm quen và phát triển. Điều đó không đồng nghĩa với việc “Ai cầm mic của trở thành ca sĩ”, bởi những người thực sự đặt cái tâm vào công việc sẽ không bao giờ cho phép mình hời hợt với “đứa con tinh thần của mình”. Điều này có thể nhìn thấy ở lớp nghệ sĩ trẻ hiện tại, dù cho mang trong mình màu sắc cá nhân hóa so với những thế hệ đi trước nhưng Hoàng Dũng, Wren Evans hay Mỹ Anh luôn cho thấy sự chỉn chu và tôn trọng người nghe qua những sản phẩm của mình.

Đã có không ít trường hợp chỉ cầm mic một lần rồi thôi, để lại vô số ấn tượng xấu cho công chúng khi không nghiêm túc với định hướng âm nhạc. Như năm 2013, siêu mẫu Võ Hoàng Yến cũng ra mắt sản phẩm âm nhạc “Hãy nói với em” gây nhiều tranh cãi và khó hiểu, và sau đó, nữ siêu mẫu cũng không còn đả động gì đến sự nghiệp ca hát. Hay Phi Thanh Vân với ca khúc “Da nâu”, nhận về không biết bao nhiêu gạch đá từ cộng đồng khán giả và đến nay cũng không thấy tăm hơi.  

Không thể phủ nhận rằng trong 10 năm trở lại đây, sự thống trị của âm nhạc thị trường cùng với sự đa dạng về hình thức nghệ sĩ đã khiến những định nghĩa ban đầu về âm nhạc không còn như xưa. Khi những nhu cầu mới phát sinh chắc chắn sẽ có những phân khúc mới đáp ứng. Khi một sản phẩm không đạt đến sự kỳ vọng của một nhóm khán giả, cả nghệ sĩ và công chúng cần thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm và cách phản ứng của mình. Với những khán giả đó là việc ca khúc đó có thể là sự lựa chọn của một nhóm đối tượng khác, và những góp ý mang tính xây dựng không thể trở thành định hướng bắt buộc đối với bất kỳ nghệ sĩ nào. Và đối với người nghệ sĩ, những lời nhận định, đánh giá trái chiều chính là những lời góp ý tốt nhất nếu họ thật sự muốn cải thiện chính mình khi theo đuổi sự nghiệp ca hát và hơn ai hết, “muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được”.