ĐỜI SỐNG

Trào lưu lấy cắp đồ khiến chủ nhà hàng khổ sở tràn lan trên TikTok

Hạ Vũ • 28-06-2023 • Lượt xem: 28559
Trào lưu lấy cắp đồ khiến chủ nhà hàng khổ sở tràn lan trên TikTok

Dạo thời gian gần đây, việc lấy cắp những món đồ độc đáo hoặc dao nĩa bằng bạc tại các nhà hàng lại lần nữa trở thành "xu hướng" đầy bất ổn của các TikToker.

Trường hợp khởi xướng của trào lưu này bắt nguồn từ một đoạn clip xuất hiện vào năm 2021 của TikToker Chris Klemens. Trong clip, anh ta đã có những hành động như nhìn chăm chú vào một chiếc nĩa nhỏ trên đĩa vào nói rằng sẽ mang nó về nhà cùng với mình. Bên cạnh đó, phần chú thích của video, Klemens đã khoe chiến tích của mình với tiêu đề là: “Tôi đã ở nhà với chiếc nĩa an toàn”.

Đoạn clip của TikToker này đã nhanh chóng trở thành xu hướng và tính đến nay đã có hơn 150.000 clip tương tự trên nền tảng TikTok. Trong đó, nhiều clip ghi lại cảnh khách quen của nhà hàng đang cầm ly cocktail, chiếc kẹp bánh pizza hoặc một thứ đồ dùng độc đáo, có giá trị và nhại theo câu nói của Klemens: “Bạn sẽ về nhà với tôi”.

Tuy nhiên, người xem đã không thể xác định được chủ nhân của những đoạn clip trên có thực sự đang lấy cắp các món đồ hay chỉ là một trò đùa nhằm để câu like, mua vui trên nền tảng. Do đó, để tránh bị hiểu lầm, một số TikToker đã có dòng ghi chú khẳng định rằng mình không hề lấy cắp món đồ.

Theo trang báo mạng Insider, các chủ nhà hàng chia sẻ về chuyện khách hàng lấy cắp những món đồ nhỏ trên bàn đã xuất hiện từ rất lâu và TikTok đã vô tình tạo điều kiện để họ có dịp khoe chiến tích của mình.

Trào lưu lấy cắp đồ của các nhà hàng do TikToker Klemens khởi xướng vô tình đã tạo ra nhiều tên trộm vặt xuất hiện.

Giám đốc điều hành của Liên minh Khách sạn Thành phố New York (Mỹ), Andrew Rigie cho biết, xu hướng mà TikToker Chris Klemens chia sẻ đã vô tình truyền cảm hướng cho nhiều tên trộm. Theo ông, dù có rất nhiều người có thể xem đây là một trò mua vui, câu like trên nền tảng trực tuyến nhưng nó lại trở thành vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp đang phải vật lộn trước nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việc vô tình bị mất đồ dùng, vật dụng trang trí càng trở nên phổ biến khiến các chủ doanh nghiệp điều hành phải ngầm chấp nhận.

Nhiều trang báo mạng như Orange County Register cho biết, nhiều món hàng bị đánh cắp đã được tìm thấy trên các gian bán hàng trực tiếp. Ngoài ra, các trang tin tức về ăn uống có tên là Eater, Food & Wine đã có một số bài viết với tiêu đề “Tại sao khách hàng ăn cắp nhiều đồ của nhà hàng DC?” và gọi khách hàng của các nhà hàng là những tên trộm khét tiếng.

Một chủ kinh doanh nhà hàng 26 năm ở nam California, Will Dee cho biết bản thân không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần chứng kiến cảnh khách lấy trộm đồ từ các quán bar và nhà hàng của mình. Dee đã ước tính mất khoảng 10.000 USD/ năm từ việc khách hàng bỏ túi những món đồ như cốc uống bia bằng đồng, thớt, đĩa và dao kéo.

Mặc dù, Dee không xem các video ăn cắp đang lan truyền trên TikTok, nhưng ông cho biết kiểu nội dung này là mặt tối của mạng xã hội trong việc khuyến khích và sản sinh ra nhiều tội phạm.

Theo Insider, chủ sở hữu nhà hàng Loulou Petit Bistro ở Manhattan, Mathis Van Leyden cho biết, vào năm 2019, anh cảm thấy bức xúc khi phải bỏ ra một số tiền lớn để mua lại những món đồ bị đánh cắp. Do đó, Van Leyden đã liên tục nhắc nhở những người phục vụ cẩn thận và nhất định phải mang những ly cocktail trở lại quầy sau khi khách đã dùng cạn.

Ngoài ra, Van Leyden cho biết thêm, nhằm tránh tình trạng khách vô tư lấy cắp đồ, anh đã tính thêm 1 – 2 USD cho mỗi món đồ uống, xem như đó là chi phí bù đắp khi thường xuyên mất ly và cũng là cách để răn đe đến những tên trộm chuyên lấy cắp đồ của nhà hàng.

Một số món đồ bị đánh cắp đã xuất hiện ở các quầy bán hàng trực tuyến.

Đối tác quản lý của công ty khách sạn Mission Group có trụ sở tại Washington DC, Fritz Brogan cho biết, bản thân là một con người lạc quan và luôn cố gắng tìm ra điểm tích cực của sự việc. Do đó, ông đã biến vấn nạn lấy cắp đồ trở thành cách để thúc đẩy doanh số và phát triển kinh doanh.

Fritz Brogan đã thiết kế logo riêng và in lên những món đồ nhằm thể hiện tính đặc trưng của nhà hàng. Do đó, việc những món đồ thủy tinh bị đánh cắp ở các quán bar của Mission, địa điểm kinh doanh của ông sẽ vô tình được tiếp thị đến tệp khách hàng.

Bên cạnh đó, Brogan cũng chắc chắn rằng những món đồ của nhà hàng sẽ được trưng bày ở các hàng bán online hoặc trong tủ kính của một số gia đình, ông gọi đó là hình thức “tiếp thị năm ngón”. 

Hình ảnh: Internet