ĐỜI SỐNG

Trào lưu những món ăn dát vàng ở Việt Nam

Cẩm Chi • 07-08-2022 • Lượt xem: 532
Trào lưu những món ăn dát vàng ở Việt Nam

Đã từ lâu, việc sử dụng vàng dát lên thực phẩm để tăng thêm độ sang chảnh cho món ăn được các đầu bếp trên thế giới sử dụng rộng rãi. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều những món ăn dát vàng lấp lánh với đủ mức giá để các tín đồ ẩm thực có thể trải nghiệm.

Món ăn dát vàng xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vào khoảng những năm cuối thập kỷ trước. Qua nhiều năm thăm dò thị trường, số lượng món ăn đã trở nên đa dạng đủ thể loại. Từ món tráng miệng, thức uống cho đến món chính đều có thể tìm thấy hình ảnh lấp lánh của những tấm vàng miếng được dát lên.

Nhìn thì có vẻ những món ăn đó cực kỳ đắt đỏ. Tuy vậy thực khách vẫn có thể hưởng thụ được cảm giác sang chảnh này vì chúng có mức giá khá đa dạng. Thấp nhất chỉ vài trăm ngàn và cao nhất thì lên đến vài triệu cho một phần ăn.

Kem dát vàng

Đầu tiên không thể không kể đến chính là món kem dát vàng. Năm 2017, món ăn này xuất hiện ở Việt Nam và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều tín đồ ẩm thực. Những người trẻ và đặc biệt là trẻ em thì kem là một món ăn cực kỳ hấp dẫn.

Nhiều thông tin cho rằng món kem dát vàng này có xuất xứ ở Nhật Bản và từ đó lan tỏa đi khắp thế giới. Một phần lý do cho sự nổi tiếng và lan truyền nhanh chóng là vì giá cả món ăn này tuy không thể rẻ như các que kem thông thường nhưng vẫn ở một mức chấp nhận được.

Tại Việt Nam, đa số mọi người đều có thể thưởng thức nó với giá chỉ khoảng hai trăm nghìn (một phần). Đây là một mức giá nhiều người có thể chấp nhận được để trải nghiệm món ăn dát vàng sang chảnh.

Tùy địa điểm nhưng đa số các nơi bán kem dát vàng đều dưới dạng kem ốc quế với ba phần chính. Vỏ bánh quế phía dưới. Phần kem xoắn ốc nhọn lên trên. Và dĩ nhiên không thể thiếu lớp vàng mỏng được phủ trọn lên phần kem. “Ăn tiền” hay không nằm ở chỗ tay nghề nhân viên bán hàng. Với những người khéo tay và có kinh nghiệm, lớp vàng sẽ được che phủ trọn vẹn cả phần kem tạo nên một ngoại hình rất bắt mắt và cực kỳ sang chảnh gây ấn tượng với thực khách.

Đưa vào miệng cắn một miếng, lớp kem sẽ chảy ra từ phía dưới lớp vàng đem lại cảm giác tươi mát ngọt ngào khiến thực khách vô cùng sảng khoái.

Bò dát vàng

Một món ăn khác phổ biến không kém, thậm chí độ “hot” thời gian gần đây có phần lấn lướt hơn cả kem dát vàng đó chính là món bò dát vàng. Đầu bếp Nusret Gökçe (còn được biết với tên gọi Thánh Rắc Muối – Salt Bae) là người đã có công lan tỏa sự phổ biến này đến với thực khách cả thế giới.

Chàng đầu bếp Nusret Gökçe cùng với chiếc sườn bò Tomahawk khổng lồ dát vàng.

Để thưởng thức món ăn từ chàng đầu bếp trứ danh này, thực khách đã phải bỏ ra đến cả ngàn đô la cho một phần ăn. Tuy nhiên, các tín đồ ẩm thực tại Việt Nam không cần quá lo lắng vì cũng có thể có được trải nghiệm tương tự với một cái giá “mềm” hơn nhiều.

Mức giá trung bình các nhà hàng ở Việt Nam phục vụ món bò dát vàng này dao động từ ba triệu đến mười triệu tùy vào nhà hàng. Và cũng tùy vào thực khách lựa chọn phần thịt nào của con bò. Bởi lẽ dĩ nhiên, một phần thăn bò beefsteak dát vàng sẽ có giá rẻ hơn một phần sườn bò tomahawk dát vàng. Và cũng tùy vào xuất xứ của các nguyên liệu. Những nhà hàng phục vụ bò wagyu hay kobe dĩ nhiên sẽ phải có giá cao hơn.

Một điều quý khách cần lưu ý để thưởng thức được trọn vẹn nhất món bò dát vàng đó là độ chín của món ăn. Bởi bản chất đây là món steak. Vì vậy độ chín của miếng thịt bò sẽ là yếu tố quan trọng nhất.

Thực khách có thể yêu cầu mức độ chín cụ thể cho miếng thịt. Có năm mức độ chín:  rare (thịt chín 25%), medium rare (thịt chín 50%), medium (thịt chín 75%), medium-well (thịt chín 90%) và sau cùng là welldone (thịt chín 100%).

Để thưởng thức trọn vẹn hương vị thì quý khách nên lựa chọn mức độ rare (thịt chín 25%) hoặc medium rare (chín 50%); mức độ sau phù hợp hơn với những ai không thích thịt quá sống. Như vậy bên ngoài miếng thịt sẽ chín, bên trong vẫn còn mọng nước. Cắn một miếng thì phần nước thịt ứa ra sẽ đem lại cảm giác mỹ vị cực kỳ thỏa mãn cho thực khách. Ở các mức độ chín hơn sẽ làm món bò dát vàng khô đi và dĩ nhiên trải nghiệm về món ăn sẽ trở nên kém thú vị hơn.

Món bò dát vàng ở Việt Nam sẽ được phục vụ với giá từ 3 triệu cho đến 10 triệu một phần.

Ngoài ra, nếu chưa thỏa mãn với hai món trên thì các tín đồ ẩm thực Việt Nam có thể tiếp tục thưởng thức các món ăn dát vàng khác như: cơm chiên dát vàng, bánh bông lan dát vàng hay thậm chí cả thức uống như trà sữa cũng có dát vàng.

Vàng có làm cho món ăn ngon hơn không?

Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì thực khách có thể an tâm. Bởi vàng nguyên chất không gây độc hại với con người. Thông thường những nhà hàng uy tín đều sẽ lựa chọn vàng 24k để dát lên món ăn. Vấn đề duy nhất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chỉ xảy ra khi các miếng vàng đó bị trộn lẫn vàng kém chất lượng, hoặc đặc thù cơ địa tùy người bị dị ứng với vàng.

Bánh bông lan dát vàng – món ngọt sang chảnh có thể thưởng thức tại Việt Nam.

Có một sự thật rất sốc mà ít người biết. Thực ra vàng chẳng có vị gì, và dĩ nhiên không có cả mùi hương. Vì vậy, vàng căn bản không thể làm món ăn có hương vị ngon hơn được. Tác dụng duy nhất mà nó đem lại chỉ là vẻ bề ngoài sang chảnh lung linh hơn cho món ăn. Nếu hai món ăn được nấu cùng công thức, cùng nguyên liệu và đầu bếp có tay nghề như nhau thì đĩa thức ăn có dát vàng cũng chẳng thể nào ngon hơn đĩa còn lại được.

Các đầu bếp biết điều này không? Dĩ nhiên là họ biết. Tuy nhiên ngày càng có nhiều đầu bếp lẫn nhà hàng lựa chọn thêm vào menu các món ăn dát vàng. Bởi đây là cách để nâng cao sự tinh tế và sang trọng của nhà hàng. Nhờ đó họ có thể chinh phục thực khách. Nhất là tầng lớp khách hàng dồi dào tài chính sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm các dịch vụ sang chảnh.