ĐỜI SỐNG

Trẻ biếng ăn và 5 cách khắc phục ba mẹ nào cũng nên biết

Minh Nhân • 15-11-2022 • Lượt xem: 227
Trẻ biếng ăn và 5 cách khắc phục ba mẹ nào cũng nên biết

Việc trẻ biếng ăn luôn là "cơn ác mộng" của bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào, đặc biệt là khi có con nhỏ trong độ tuổi từ 1 đến 6 tuổi. Tình trạng rối loạn ăn uống này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung hậu quả mà chúng mang lại cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ là vô cùng nặng nề.

Thay đổi thực đơn hằng ngày
Nhiều bậc cha mẹ thường tập trung phần lớn vào chế độ dinh dưỡng mà bỏ qua tính bắt mắt và mức độ đa dạng của món ăn. Việc liên tục chế biến một nhóm thực phẩm cố định theo phương pháp cố định như luộc, hấp, nấu thành cháo,... sẽ rất dễ khiến trẻ cảm thấy nhàm chán. Thay vào đó, ba mẹ cần xây dựng cho các con một thực đơn đa dạng, thay đổi xen kẽ các món ăn cũ và mới mà trẻ thích cũng như đầu tư chăm chút trong khâu bày trí. Ngoài ra, nếu trẻ đủ lớn bạn có thể cho trẻ tham gia lựa chọn thực phẩm mình yêu thích, cùng vào bếp và trang trí món ăn, điều này sẽ giúp tạo cảm giác thích thú ở trẻ với việc ăn uống, đẩy lùi tình trạng biếng ăn. 

Tăng cường vận động
Đôi khi thói quen lười vận động, ít tập luyện thể thao cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn, chậm lớn của trẻ. Sau thời gian tích cực vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, từ đó nhanh đói, ăn uống ngon miệng và ăn được nhiều hơn trong các bữa ăn sau đó. Ba mẹ có thể xây dựng cho các con thói quen vận động cùng những bài tập đơn giản, phù hợp với lứa tuổi như chạy xe đạp hoặc cùng chơi ngay tại sân nhà.

Loại bỏ thói quen ăn vặt trước bữa ăn
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy trẻ ăn ít vào các bữa ăn chính thường có thói quen cho trẻ tự do ăn vặt bánh kẹo hoặc ăn thêm bữa phụ vì sợ các con sẽ đói, tuy nhiên, sự nuông chiều này chỉ khiến tình trạng biếng ăn ở trẻ càng thêm nghiêm trọng. Việc duy trì thói quen ăn vặt, ăn không đúng bữa sẽ khiến trẻ luôn trong tình trạng không bao giờ thấy đói, dẫn đến chán ăn hoặc ăn rất ít trong bữa ăn chính. Vì vậy, cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ thói quen ăn vặt của trẻ, đặc biệt là trước giờ ăn bữa chính trong ngày. Riêng đối với bữa phụ, việc ăn bổ sung các loại trái cây hoặc sữa là cần thiết nhưng cũng cần sự sắp xếp hợp lý giữa hai bữa ăn chính hoặc sau bữa chính.

Tạo tâm lý thoải mái trong mỗi bữa ăn
Tình trạng biếng ăn kéo dài có thể khiến nhiều bậc cha mẹ mất kiên nhẫn và bình tĩnh mỗi khi trẻ không muốn ăn. Tuy nhiên, tuyệt đối không dọa nạt, ép buộc trẻ trong các bữa ăn, điều này không những không giúp trẻ ăn uống tốt hơn mà chỉ càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng rối loạn ăn uống ở trẻ. Đừng bao giờ biến mỗi giờ ăn trở thành một cuộc chiến giữa ba mẹ và các con. Thay vào đó, hãy xây dựng cho trẻ một không gian ăn uống vui vẻ, phù hợp, tốt nhất là cho trẻ ăn uống cùng gia đình để tăng thêm cảm giác ngon miệng. 

Giải quyết những nguyên nhân vì sức khỏe
Bên cạnh các lý do hình thành từ thói quen hoặc trở ngại tâm lý, chứng biếng ăn của trẻ cũng có thể xuất phát từ bên trong. Ba mẹ cần dành nhiều thời gian để đồng hành cùng con, tìm hiểu nguyên nhân thật sự ảnh hưởng đến quá trình ăn uống và nhanh chóng giải quyết chúng một cách triệt để. Ví dụ như trong thời gian mọc răng, việc ăn uống của trẻ có thể giảm sút do khả năng nhai nuốt gặp ảnh hưởng. Hoặc cần tẩy giun sán cho trẻ 6 tháng/lần để đảm bảo hệ thống tiêu hóa không bị các ký sinh trùng gây hại, dẫn đến tình trạng biếng ăn.