ĐỜI SỐNG

Trẻ năng động sẽ kiên cường hơn

JL • 27-09-2023 • Lượt xem: 1215
Trẻ năng động sẽ kiên cường hơn

Năm học mới đã bắt đầu và những kỳ thi đầu tiên nhằm đánh giá năng lực đang đến gần. Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu từ Đại học Basel, học sinh sẽ đối phó với căng thẳng tốt hơn nếu chúng được tập thể dục và vận động thể thao hàng ngày.

"Bận tối mắt tối mũi" - Đây là câu nói quen thuộc mà người lớn thường dùng khi họ phàn nàn về sự căng thẳng trong cuộc sống. Việc tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng trong đời sống. Nhưng điều này liệu có khả năng áp dụng cho trẻ em? Việc tập thể dục có giúp các em quản lý được áp lực đạt được thành tích ở trường không? Một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Manuel Hanke và Tiến sĩ Sebastian Ludyga từ Khoa Thể thao, Thể dục và Sức khỏe gần đây đã kiểm tra tác động của việc hoạt động thể chất đối với mức độ căng thẳng của trẻ em. Phát hiện của họ xuất hiện trên Tạp chí Khoa học và Y học trong Thể thao.

Trong nghiên cứu của mình, họ yêu cầu 110 trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 13 đeo cảm biến theo dõi chuyển động hàng ngày của chúng trong suốt một tuần. Sau đó, họ đưa những người tham gia vào phòng thí nghiệm trong hai khảo sát riêng biệt để hoàn thành một nhiệm vụ căng thẳng và một nhiệm vụ kiểm soát không căng thẳng. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng căng thẳng về thể chất của trẻ thông qua nồng độ hormone căng thẳng cortisol trong nước bọt của chúng.

Ít cortisol ở trẻ năng động

Giám đốc dự án Sebastian Ludyga giải thích: “Chúng tôi muốn xác định xem liệu hoạt động thể chất có giúp trẻ kiên cường hơn trong điều kiện được kiểm soát trong phòng thí nghiệm hay không”. Kết quả cho thấy những người tham gia tập thể dục hơn một giờ mỗi ngày, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, trên thực tế đã sản sinh ra ít Cortisol hơn khi làm việc căng thẳng so với những đứa trẻ ít vận động hơn.

Manuel Hanke, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Những đứa trẻ năng động dường như thường xuyên có phản ứng căng thẳng sinh lý giảm hơn so với những đứa trẻ còn lại”. Ngay cả trong lúc kiểm soát nhiệm vụ có liên quan đến một tình huống xa lạ, khiến đối tượng tham gia vẫn cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, kết quả vẫn có sự khác biệt về mức độ cortisol giữa trẻ nhiều và trẻ ít vận động - mặc dù mức độ tổng thể thấp hơn so với nhiệm vụ căng thẳng.

Nồng độ hormone căng thẳng tăng lên khi tập thể dục

Sebastian Ludyga cho biết, một lời giải thích khả dĩ cho phát hiện này là mức độ cortisol cũng tăng lên khi tập thể dục. "Khi trẻ thường xuyên chạy, bơi, leo trèo,... não sẽ học cách liên kết sự gia tăng cortisol với điều gì đó tích cực. Phản ứng của cơ thể luôn có yếu tố nhận thức: sự liên kết tích cực này giúp ngăn chặn nồng độ cortisol tăng lên đến mức độ quá cao trong các tình huống thi cử".

Bên cạnh việc phân tích các mẫu nước bọt, các nhà nghiên cứu còn kiểm tra phản ứng nhận thức đối với nhiệm vụ căng thẳng bằng cách ghi lại sóng não của người tham gia thông qua điện não đồ (EEG). Hanke giải thích: "Căng thẳng có thể cản trở suy nghĩ. Một số người trong chúng ta đã quen với điều này ở dạng cực đoan nhất". Nhóm nghiên cứu thực hiện nhằm mục đích xác định liệu hoạt động thể chất có ảnh hưởng đến những tác động nhận thức của căng thẳng hay không.

Phương pháp luận

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã sử dụng Bài kiểm tra căng thẳng xã hội Trier dành cho trẻ em: những người tham gia phải đọc một câu chuyện có kết thúc mở, sau đó có năm phút để chuẩn bị trước khi sử dụng ghi chú của mình để kể phần còn lại của câu chuyện trước ban giám khảo. Điều họ không biết trước là thời gian chuẩn bị được cố tình giữ ngắn đến mức không đủ. Sau khoảng một phút, các ghi chép của họ gần như đã cạn kiệt nhưng họ vẫn phải dành năm phút để nghĩ ra điều gì đó bất chợt. 

Tiếp theo nhiệm vụ này là một nhiệm vụ số học có vẻ đơn giản, trong đó người tham gia được yêu cầu liên tục giảm một số có ba chữ số cao xuống một giá trị nhất định trong suốt năm phút. Sự căng thẳng trong nhiệm vụ này chủ yếu là do sai sót, khiến người tham gia phải thực hiện lại nhiệm vụ ngay từ đầu. Trong nhiệm vụ kiểm soát được thực hiện trong một dịp riêng biệt, các em cũng phải đọc một câu chuyện, nhưng sau đó các em sẽ thảo luận các câu hỏi chung về câu chuyện với một nhà nghiên cứu mà không bị áp lực phải thực hiện. 

Trong cả hai phiên, các nhà nghiên cứu đều lấy mẫu nước bọt trước và sau các nhiệm vụ để đo mức cortisol.

Có thể trong đời sống chúng ta thường có đánh giá không mấy tích cực rằng những đứa trẻ năng động là bướng bỉnh, phá phách và ồn ào. Nhưng nó sẽ thật sự ồn ào và phá phách nếu không có một quy trình cụ thể để tôi luyện, chẳng hạn như tập luyện thể dục, thể thao. Sau khi đọc bài báo này ta sẽ có những góc nhìn khác hơn về cái sự năng động và những sự tích cực mà chúng mang lại. Từ đó xã hội chúng ta sẽ sản sinh ra một thế hệ của sự can trường, bản lĩnh và có thể chịu được nhiều áp lực ở mọi khía cạnh trong cuộc sống.