ĐỜI SỐNG

Trí tuệ nhân tạo bước vào làng sách

Anh Tuấn • 29-06-2023 • Lượt xem: 858
Trí tuệ nhân tạo bước vào làng sách

Những ngày vừa qua, nhiều người đã khá bất ngờ khi một bức tranh vẽ bằng phần mềm Midjourney tích hợp AI được đánh giá cao hơn cả tác phẩm đến từ trí tuệ con người. Làng sách cũng không ngoại lệ, khi ngày càng có nhiều công nghệ mới đang được áp dụng.

Mới đây, Google cũng đã giới thiệu ứng dụng thử nghiệm khi ta có thể “trò chuyện” với sách, cũng như “trở thành” nhà thơ dưới sự giúp sức từ các phong cách của người nổi tiếng. Ngoài ra một ứng dụng khác được cho là giống… Tinder cũng có phiên bản thử nghiệm, giúp cho những người có cùng gout đọc đến gần nhau hơn.

Nói chuyện với sách

Bạn đã bao giờ mong muốn bản thân có thể nói chuyện với những cuốn sách? Điều đó hiện nay không còn “phi thực” khi mà Google mới đây đã công bố một công cụ mới giúp làm điều đó.

Theo đó, với ứng dụng mới mang tên Google Talk to Books, khi người dùng ấn định được một “câu lệnh” thì AI sẽ quét hơn 100.000 cuốn sách để tìm ra câu trả lời có nhiều khả năng để phản hồi lại với cụm từ gốc. Về mặt hiển thị, thì câu trả lời sẽ được in đậm, cùng với một số đoạn văn xuất hiện tiếp sau khi câu văn đó.

Chẳng hạn khi nhập: “What smell brings back great memories?” (Mùi nào khiến ta nhớ lại những kí ức đẹp?), thì Talk to Books sẽ trả lại nhiều kết quả trong các tựa sách có sự liên quan. Trong quá trình này, người dùng hoàn toàn có thể lọc theo thể loại mình muốn, từ hư cấu, phi hư cấu, sách lịch sử hay sách nghệ thuật…

Vì vậy kết quả trả về đầu tiên ở mục hư cấu đối với ví dụ kể trên sẽ là: “Tôi muốn đi học. Tôi thích mùi của lớp học của tôi ở trường mẫu giáo: len ướt, đồ uống sô cô la ấm và bánh mì” từ cuốn The Dogs of Winter của nhà văn Bobbie Pyron.

Hay phản hồi khác: “Nó phóng những tia sáng rực cháy từ sâu thẳm lên bầu trời im lặng. Cảnh vật vô hồn. Mặt đất và cây cỏ tỏa ra một mùi đặc biệt làm nhớ lại những khoảnh khắc tuổi thơ của tôi. Nó không chỉ gợi lên những hành động và lời nói từ giai đoạn đó của cuộc đời tôi, mà trong khoảnh khắc tôi cảm thấy như thể thời gian đó đã quay trở lại...” từ cuốn Con cú mù của nhà văn Iran Sadegh Hedayat.

Trong một tuyên bố, Google cho biết ứng dụng này sẽ vẫn cần thêm vài thử nghiệm nữa. Talk to Books do đó là một công cụ thiên về sáng tạo hơn là phương pháp để tìm cho ra một câu trả lời cụ thể. Trong thử nghiệm này, chúng ta không thể phán quyết được tính đúng-sai, mà chỉ có thể nhận định được sự phù hợp đối với yêu cầu đến từ người dùng.

Làm thơ với những nhà thơ cổ điển

Trong ứng dụng mới mang tên Verse by Verse, người dùng sẽ có cơ hội sáng tác cùng những nhà thơ cổ điển nổi tiếng của Mỹ, như Walt Whitman, Emily Dickinson, Edgar Allen Poe… và nhiều nhà thơ khác nữa. Họ sẽ như người hỗ trợ, để đưa ra gợi ý về các câu thơ tiếp theo sau khi người dùng viết ra câu thơ đầu tiên.

Trong ứng dụng này, có hai mô hình đã được tạo nên. Một trong số đó là mô hình “đào tạo” về thơ cổ điển, từ đó học cách tạo ra những câu thơ mới theo phong cách đặc trưng của “người hướng dẫn”. Mô hình còn lại sử dụng công nghệ thấu hiểu ngữ nghĩa, từ đó có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt.

Để sử dụng nó, chỉ cần chọn ra khoảng 3 nhà thơ mà bạn yêu thích, sau đó lựa chọn thể thơ (tự do hay có quy luật) và nhập câu thơ đầu tiên mà bạn muốn cả đoạn thơ tyheo sau. Chẳng hạn như câu đầu tiên mà bạn nghĩa đến là “the flowers bloom” (những bông hoa nở), lựa chọn thể thơ tự do và viết theo kiểu của Emily Dickinson, thì ngay lập tức, sẽ có thêm 3 câu tiếp theo, và cứ thế bài thơ được nối dài.

Tuy thế Verse by Verse vẫn mới chỉ là thử nghiệm về cách sử dụng machine learning (máy học, liên tục thử sai) như một công cụ sáng tạo. Người dùng vẫn sẽ có thể gặp phải một số vấn đề và sự “kỳ lạ” mà phản hồi của nó tạo ra. Nếu gặp lỗi, người dùng có thể báo cáo để đội ngũ sáng tạo cải thiện.

Hẹn hò thông qua… gout đọc

Sở thích đọc sách có thể tạo ra hoặc là phá vỡ các mối quan hệ đối với những người yêu thích đọc sách. Do đó một ứng dụng mới đang được phát triển nhằm loại bỏ sự “không chắc chắn” về thị hiếu văn chương mỗi khi những người chưa từng biết nhau có cơ hội gặp gỡ.

Theo đó, Klerb đã được mệnh danh như là Tinder của những “mọt sách” vì nó có khả năng tìm kiếm những “đối tượng tương đồng” quanh khu vực mà bạn sinh sống, theo các tiêu chí về “sở thích chung” trong việc đọc sách. Còn hơn Tinder, với Klerb, bạn thậm chí không cần phải hẹn hò, mà cũng có thể gặp gỡ trực tuyến cũng như thành lập câu lạc bộ sách cho rất nhiều người.

Abe Winter, người đang phát triển ứng dụng nói trên tại New York, nói rằng: “Tôi không chủ ý tạo ra Klerb như một ứng dụng kết nối hoặc là hẹn hò dưới bất kỳ hình thức nào. Thế nhưng giống như Tinder, tôi sẽ cố gắng mang lại giá trị cho cộng đồng này bằng cách kết nối những người xa lạ có nhiều tương đồng theo khoảng cách địa lý”.

Từ một khảo sát không chính thức gần đây, khoảng 10% hồ sơ trên các ứng dụng hẹn hò của người trên 30 tuổi có bao gồm thông tin về sách và việc đọc sách. Đây thường là một hạng mục bị bỏ quên cho các lợi ích về mặt xã hội. Trước đây, Goodreads cũng có chức năng so sánh mức độ “trùng khớp” về gout đọc sách dựa trên những tựa mà các tài khoản đã đọc cũng như đánh giá của họ, nhưng nó không phải là một công cụ xã hội có tích hợp thêm bán kính địa lí.

Winter cũng cho biết thêm bản thân anh là một nhà sáng lập tự phát với "chi phí thấp và không cần những nhà đầu tư rót xuống số vốn khổng lồ". Anh đang cố gắng làm khiến Klerb thật sự hữu ích chứ không lấy tiền từ các quảng cáo hay thu thập dữ liệu người dùng.