ĐỜI SỐNG

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong chẩn đoán sớm ung thư vú

Lan Hương • 13-12-2022 • Lượt xem: 266
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong chẩn đoán sớm ung thư vú

Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ đã góp phần không nhỏ cho y học trong việc sàng lọc, chẩn đoán và điều trị. Mới đây, bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống toàn diện trong chuẩn đoán hình ảnh tuyến vú. Công nghệ này đã giúp các bác sĩ rất nhiều trong chuẩn đoán sớm ung thư vú một cách nhanh chóng và chính xác.

Ngày 8/12 vừa qua, Bệnh viện đã ký kết chuyển giao vận hành bộ giải pháp toàn diện cho chẩn đoán hình ảnh tuyến vú bao gồm: Hệ thống PACS, RIS và Trí tuệ nhân tạo trong chụp X-quang tuyến vú. Các ứng dụng này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sàng lọc, tránh bỏ sót yếu tố tổn thương trong quá trình tầm soát ung thư vú.

Ung thư vú sẽ tiến triển tốt nếu được phát hiện sớm

Trong số các bệnh ung thư ở nữ, ung thư vú chiếm tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm tại Việt Nam ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư nói chung. Trong đó ung thư vú chiếm khoảng 22.000 ca (gần 25,8%) với hơn 9.000 trường hợp tử vong. Trên thế giới, mỗi năm ghi nhận khoảng 2 triệu người mắc mới ung thư vú, trong đó số người tử vong vì căn bệnh này lên đến xấp xỉ 600.000 người.

Trong bối cảnh tỷ lệ ung thư vú ngày càng gia tăng và trẻ hóa, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo cho những đối tượng có nguy cơ cao, cần lưu ý sàng lọc ung thư vú để phát hiện sớm được bệnh. Việc tầm soát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, theo đó hiệu quả điều trị càng thuận lợi và chi phí cũng giảm đi đáng kể.

Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết, với những trường hợp phát hiện ung thư vú sớm và điều trị từ giai đoạn đầu, thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể lên đến 90%, sau 10 năm là 84%. Thế nhưng nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn cuối thì tỷ lệ này chỉ đạt mức 10%.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến - giải pháp toàn diện và hiệu quả

Hiện nay, để sàng lọc ung thư vú hoặc các bệnh lý liên quan đến tuyến vú, siêu âm và chụp X-quang là những phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, PDS.TS Đào Xuân Cơ cho biết: Mỗi ngày có đến hơn 5.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, dẫn đến áp lực không nhỏ cho bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế. Chính vì vậy việc ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 trong thăm khám phục vụ bệnh nhân là điều vô cùng cấp thiết.

Hiểu được tầm quan trọng đó, giải pháp tiên tiến mới do Fujifilm Việt Nam được chuyển giao cho Bệnh viện Bạch Mai đã được chứng nhật chất lượng bởi cục FDA của Mỹ và CE của Châu Âu. Và Trung tâm Điện quang tại đây là nơi duy nhất đang thử nghiệm bộ giải pháp toàn diện này.

Theo đó, hệ thống PACS có nhiệm vụ tiếp nhận, lưu trữ thông tin hình ảnh kỹ thuật số thu nhận từ các máy siêu âm, máy chụp phim… Hệ thống RIS giúp tối ưu hóa quy trình quản lý từ tiếp nhận bệnh, chụp X-quang, phân tích đến làm báo cáo chuẩn đoán. Hệ thống trí tuệ nhân tạo AI có tác dụng tự động thu nhận hình ảnh, phân tích và đưa ra đánh giá về các vị trí và mức độ nghi ngờ của tổn thương ác tính. Các hình ảnh hiển thị chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn y tế.

Đặc biệt hơn, hệ thống AI với khả năng hiển thị kết quả nhanh chóng, chỉ 20 giây sau khi chụp X-quang tuyến vú đã có thể khoanh vùng được các khu vực nghi ngờ xuất hiện bất thường (nếu có). Từ đó các bác sĩ có thể chuẩn đoán nhanh hơn, chính xác hơn và hạn chế bỏ sót các tổn thương ngay từ giai đoạn đầu.

Trước đây, các thông tin của bệnh nhân được nhập thủ công bằng tay và qua nhiều công đoạn, do đó không thể tránh khỏi nguy cơ sai sót. Về phần hình ảnh cũng chưa được quản lý thống nhất, dẫn đến hao tốn nhiều thời gian làm việc của bác sĩ. Với thệ thống công nghệ toàn diện, các thông tin bệnh nhân sẽ được đồng bộ với hình ảnh trong hệ thống, từ đó rút ngắn gian cho nhân sự vận hành cũng như thời gian chờ đợi kết quả của người bệnh.