ĐỜI SỐNG

Triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm

Hoài Nhung • 13-11-2023 • Lượt xem: 1212
Triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường dịp cuối năm

Để bình ổn thị trường dịp cuối năm và dịp lễ tết, nhiều nhà bán lẻ đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, xúc tiến thương mại, đáp ứng nhu cầu hàng hóa.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, tính đến tháng 10 năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.104,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tiêu dùng trên thị trường đã có sự phục hồi tốt hơn so với năm trước và so với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thị trường hàng hóa trở nên sôi động khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh, đặc biệt ở lĩnh vực may mặc và trang thiết bị gia đình. Ngành hàng bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn vào cuối năm nay. Do đó, để đảm bảo sự ổn định thị trường và cân bằng cung cầu, Bộ Công Thương vừa đưa ra những chỉ đạo về bình ổn giá từ nay cho đến cuối năm và đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Cụ thể, các doanh nghiệp phân phối cần tăng cường sản xuất, đảm bảo nguồn cung ổn định, không có sự gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đưa ra Chỉ thị mới nhằm kích cầu tiêu dùng nhân dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Hiện tại, một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận đã đưa ra kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024 nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn đến người tiêu dùng. Bên cạnh việc bình ổn thị trường, nhiều nhà bán lẻ còn tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm trong những dịp lễ lớn. Ngay từ tháng 11, nhiều tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ đã bắt đầu chương trình ưu đãi giảm giá hấp dẫn lên tới 50%, mua 2 tặng 1, áp dụng cho các nhóm hàng thiếu yếu như thực phẩm công nghệ, hóa phẩm, đồ dùng, hàng may mặc... Theo các chuyên gia kinh tế, tuy thị trường đã có những sự phục hồi đáng kể song tiêu dùng nội địa còn yếu do hậu quả của đại dịch. Chính vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp cũng như chương trình hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể thúc đẩy du lịch nội địa để gia tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.

Nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá được đưa ra nhằm tăng sức mua của thị trường trong nước hướng đến thúc đẩy kinh tế.

Không những vậy, Chính phủ cũng đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ kịp thời để kích cầu tiêu dùng. Người dân được hỗ trợ giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giảm khoanh nợ và tăng hỗ trợ an sinh xã hội. Cùng đó, giảm giá hàng tiêu dùng cũng có tác động rất lớn tới tâm lý chi tiêu, thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng, tăng tổng cầu tiêu dùng của nền kinh tế cả nước. Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai một số giải pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như tổ chức Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2023 theo thông lệ hàng năm trên phạm vi toàn quốc nhằm thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Đồng thời, Bộ tiếp tục phối hợp với các đơn vị truyền thông cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa và xử lý kịp thời các thông tin sai lệch.