ĐỜI SỐNG

Trước mùa tựu trường giá sách giáo khoa làm tăng thêm nỗi lo của phụ huynh

Thiện Thuật • 10-08-2023 • Lượt xem: 953
Trước mùa tựu trường giá sách giáo khoa làm tăng thêm nỗi lo của phụ huynh

Trước mùa tựu trường sự thay đổi sách giáo khoa cũng như giá bán của các loại sách giáo khoa có trên thị trường đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Giá bán sách giáo khoa mới cao gấp 2-3 lần so với bộ sách cũ khiến nhiều phụ huynh lo lắng phải làm sao để mua đủ sách cho con em mình đi học.

Giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2 đến 3 lần sách cũ

Ngày 13.6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới của lớp 4, 8 và 11 ở hai bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam VEPIC cũng đã có giá bộ sách Cánh diều. Đây là ba bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, làm cơ sở để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.

Theo đó, sách giáo khoa lớp 4 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 13 đầu sách, có giá 186.000 đồng. Bộ sách Chân trời sáng tạo, có giá 182.000 đồng bao gồm 15 đầu sách, chưa bao gồm sách tiếng Anh. Giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, là 87.000 đồng. Như vậy, giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần, tương tự giá sách mới của các khối lớp 3, 7 và 10 năm ngoái. Tuy nhiên, sách lớp 4 cũ chỉ có 9 quyển. Số cuốn tăng thêm trong bộ mới chủ yếu ở các môn giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm.

Với sách giáo khoa lớp 8, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, có giá 212.000 đồng. Bộ Chân trời sáng tạo, có giá 186.000 đồng, chưa bao gồm sách tiếng Anh.

Sách giáo khoa lớp 11 gồm 15 đầu sách tương ứng với các môn học, ngoài ra còn có 12 sách chuyên đề học tập và sách tiếng Anh. Các bộ sách đều có giá trên 400.000 đồng, nhưng học sinh được lựa chọn môn học và các hoạt động giáo dục nên không nhất thiết phải mua cả bộ sách. Tháng 5 năm 2022, khi công bố giá các bộ sách giáo khoa mới, cao hơn sách cũ, nhà xuất bản Giáo dục lý giải một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn.

Với sách mới việc biên soạn, xuất bản được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Với sách cũ, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới. Nhà xuất bản Giáo dục chỉ trả chi phí bản thảo cho việc tái bản.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, sách giáo khoa cần thay đổi theo hướng tăng cường kênh hình, hình ảnh hóa nội dung... Sách mới khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,2 lần sách cũ khổ 17 x 24 cm.

Trong bảng giá năm nay, Công ty VEPIC cũng nêu sách cánh diều được in trên giấy chất lượng tốt nhất, màu sắc sống động, độ sắc nét cao bảo vệ thị lực học sinh, áp dụng công nghệ hiện đại để chống giả.

Nỗi lo của các phụ huynh

Trước thềm năm học mới nhiều phụ huynh đã chuẩn bị mua sách cho con học. Với giá sách năm nay tăng hơn năm trước là nỗi lo của nhiều gia đình. Đối với những gia đình ở nông thôn có 2 đến 3 con đi học. Để mua được bộ sách giáo khoa mới là vấn đề khó khăn. Người nông dân 1 nắng 2 sương chân lấm, tay bùn hàng ngày mưu sinh công việc thu nhập chính là mấy sào ruộng. Khi thời tiết tốt thì chăm chỉ chịu khó làm tất bật suốt ngày may mắn lắm thì có đủ gạo để ăn hàng ngày.

Trước kia tận dụng sử dụng lại sách cũ của các anh chị học trước còn đỡ tiền mua sách. Giờ thì việc thay đổi sách, điều chỉnh giá sách với các môn học mới phải mua mới hoàn toàn là điều mà nhiều gia đình lo lắng. Có những chia sẻ rất cảm động trên mạng mà tôi đã đọc được, nỗi lo trải lòng của các chị cũng là nỗi lo chung của nhiều gia đình, với những giải pháp tạm thời để có đủ tiền mua đủ sách cho con học.

Chị Trần Thị Thúy ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã cắt giảm chi tiêu trong gia đình để tiết kiệm tiền cho con vào năm học mới. Việc mua sắm quần áo, đồ dùng sinh hoạt cũng thắt lưng buộc bụng hơn. Chị Thuý chia sẻ: “Năm nay, con lớn lên cấp 2 còn cháu bé bắt đầu vào tiểu học, đều là những lớp đầu cấp nên các khoản đóng góp, mua sắm khá nhiều. Nào là tiền đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, giày dép. Món nào cũng mua mới, không tận dụng được nên tốn kém vô cùng. Sau dịch bệnh, đơn hàng khan hiếm khiến doanh thu của công ty giảm sút rõ rệt. Đồng lương của chúng tôi vì thế cũng hao hụt đi nhiều. Nếu trước đây, mỗi tháng thu nhập của tôi trên dưới 10 triệu đồng thì hiện nay chỉ còn có hơn 5 triệu đồng. Với mức thu nhập ấy để cả gia đình 4 người sinh hoạt ở Thủ đô vô cùng chật vật”.

Tương tự với gia đình chị Hoàng Thị Hải Yến ở quận Hà Đông, Hà Nội, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Chị Yến và chồng đều là nhân viên văn phòng từ ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc. Phải gánh thêm tiền thuê nhà đến 5 triệu đồng/tháng nên năm học mới đến, chị càng lo lắng hơn. Chị Yến cho biết: "Tôi vừa mua sách giáo khoa và đăng ký đồng phục cho con ở lớp 2 món đó đã hết hơn 1 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền đồ dùng học tập, cặp sách, giày dép, quần áo và bao nhiêu khoản quỹ, đóng góp khác. Chỉ nghĩ thôi tôi đã đau hết đầu”.